Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tin tức kinh tế ngày 27/7/2024: Việt Nam thu hút hơn 18 tỷ USD vốn đầu tư FDI

Đoàn Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Giá vàng quay đầu tăng mạnh; hơn 18 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam 7 tháng đầu năm; đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 27/7.

Giá vàng quay đầu tăng mạnh

Giá vàng thế giới trong ngày 27/7 giao ngay ở 2.387,7 USD/ounce so với phiên cùng giờ ngày hôm qua tăng hơn 19 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 27/7, giá vàng SJC trong nước niêm yết ở mức 77,5 - 79,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra, so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 77,5 – 79,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra, so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.

Vàng nhẫn trong phiên giao dịch hôm nay quay đầu tăng mạnh, có những thương hiệu điều chỉnh tăng tới 300.000 đồng/lượng. Cụ thể, tại Công ty SJC, giá vàng nhẫn hiện được niêm yết ở ở mức 75,5-77,1 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 300.000 đồng/lượng so với hôm qua. Tập đoàn DOJI cũng tăng 200.000 đồng/lượng lên 75,8-77,05 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra).

Hơn 18 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam 7 tháng đầu năm

Theo cập nhật của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/7/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngoài góp vốn, mua cổ phần giảm thì đầu tư mới và điều chỉnh vốn tăng so với cùng kỳ.

Tin tức kinh tế ngày 27/7/2024: cả nước thu hút hơn 18 tỷ USD vốn đầu tư FDI . Ảnh minh hoạ.
Tin tức kinh tế ngày 27/7/2024: cả nước thu hút hơn 18 tỷ USD vốn đầu tư FDI . Ảnh minh hoạ.

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới; Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần; trong khi gần 70% vốn đầu tư của Singapore vào Việt Nam trong 7 tháng qua là đầu tư mới.

Xét theo ngành, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 12,65 tỷ USD, chiếm 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 15,7% so với cùng kỳ.

Việt Nam duy trì vị trí số một về xuất khẩu gạo vào thị trường Singapore

Số liệu thống kê của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cho thấy một số nhóm tiếp tục chứng kiến mức tăng rất mạnh, đó là gạo nếp (kim ngạch 8,9 triệu SGD, tăng hơn 5 lần), gạo vỡ (kim ngạch 1,5 triệu SGD, tăng 187,3%) và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (kim ngạch 27,27 triệu SGD, tăng 161,35%). Nhóm gạo chủ lực của Việt Nam tại thị trường Singapore là gạo tẻ trắng tăng nhẹ ở mức 1,91%, đạt kim ngạch 34,5 triệu SGD. Nhóm duy nhất có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm trước là gạo lứt thường (kim ngạch 102.000 SGD, giảm 51,2%).

Hiện Việt Nam là quốc gia chiếm thị phần lớn nhất tại Singapore đối với 3 nhóm gạo là: gạo tẻ trắng (chiếm 48,62%); gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 69,43%) và gạo nếp (78,05%). Sau Việt Nam là Thái Lan, Ấn Độ lần lượt có kim ngạch xuất khẩu gạo là 70,73 triệu SGD và 58,41 triệu SGD. Tổng kim ngạch của 3 nước xuất khẩu hàng đầu đã chiếm 90,21% thị phần gạo tại Singapore.

Chiều hướng tăng mạnh nhu cầu nhập khẩu gạo của Singapore từ năm 2023 tiếp tục được duy trì trong 6 tháng đầu năm 2024, nguyên nhân chính được cho là lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và sự phục hồi nhanh của lượng khách du lịch đến Singapore khiến quốc gia này tăng cường nhập khẩu gạo. Số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy tổng giá trị nhập khẩu gạo từ thế giới của thị trường Singapore tăng khá cao, ở mức 13,62% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 224,5 triệu SGD.

Đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Trong văn bản đề xuất ý kiến gửi Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng mặt hàng xăng hiện nay đang phải chịu cùng lúc 2 loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.

“Xăng không phải mặt hàng xa xỉ, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng cũng là nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng. Trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này”, VCCI kiến nghị.

6 tháng đầu năm, nhập khẩu nhiên liệu tăng mạnh

Theo thống kê hải quan, tính đến hết tháng 6/2024, lượng nhiên liệu nhập khẩu của Việt Nam là 47,25 triệu tấn, tăng 29,9% với trị giá là 13,88 tỷ USD, tăng 14,1% (tương ứng tăng 1,71 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng than các loại nhập khẩu đạt 33,43 triệu tấn, tăng 38,6%; lượng dầu thô nhập khẩu đạt 6,81 triệu tấn, tăng 16,1%; lượng xăng dầu nhập khẩu đạt 5,44 triệu tấn (trong đó 47% là dầu diesel), tăng 4,3%; nhập khẩu 1,56 triệu tấn khí đốt, tăng 35,8% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.