EU quyết định trừng phạt Nga vì vụ Navalny
Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ các đề xuất do Pháp - Đức đưa ra về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì vụ nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc.
Ngoại trưởng các nước EU đưa ra quyết định sau cuộc họp ngày 12/10, các lệnh trừng phạt mới sẽ được đưa ra với Nga do nước này không đưa ra các lời giải thích thỏa đáng cho vụ ông Alexei Navalny bị cho là bị đầu độc tại Nga hồi cuối tháng 8/2020 bằng chất độc thần kinh Novichok.
Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, Josep Borrell cho biết, các biện pháp trừng phạt cụ thể đối với Nga sẽ được Hội đồng châu Âu thông qua trong những ngày tới, sau khi xem xét kỹ các chứng cứ do hai nước Pháp và Đức cung cấp.
Giới quan sát cho rằng, các lệnh trừng phạt này nhiều khả năng sẽ là các “lệnh hạn chế” nhập cảnh hay có thể là đóng băng tài sản của một số quan chức trong chính quyền Nga.
Tổng thống Trump nối lại chiến dịch tranh cử tại nhiều bang
Tổng thống Donald Trump thông báo ông sẽ nối lại chiến dịch vận động tranh cử tại bang Floria vào ngày 12/10 (theo giờ Mỹ), bắt đầu cuộc đua nước rút 3 tuần trước giờ G - ngày 3/11.
Dự kiến, Tổng thống Trump cùng êkíp của mình sẽ lần lượt tới các bang Pennsylvania, Iowa và North Carolina trong các ngày tiếp theo.
Sự kiện diễn ra tại một sân bay ở Sanford của bang trên sẽ là cuộc vận động tranh cử đầu tiên của Tổng thống Trump kể từ khi chiến dịch này bị gián đoạn hôm 2/10, thời điểm ông thông báo có kết quả xét nghiệm nhiễm Covid-19.
Tuy nhiên, sau ba ngày điều trị tại bệnh viện và trở về Nhà Trắng, ngày 11/10, Tổng thống Trump tuyên bố ông đã hoàn toàn bình phục, không còn khả năng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh mặc dù chưa trực tiếp thông báo kết quả xét nghiệm âm tính.
Đức triển khai 15.000 binh sỹ hỗ trợ chống dịch Covid-19
Bộ Quốc phòng Đức ngày 12/10 thông báo sẽ triển khai tối đa 15.000 binh sĩ để tăng cường hỗ trợ các lực lượng dân sự vốn đang quá dàn trải cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 khi số ca nhiễm mới đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Chính phủ Đức đã cảnh báo tình hình có nguy cơ vượt tầm kiểm soát ở các địa phương, đặc biệt trong việc phân bổ lực lượng truy vết tiếp xúc với những người đã nhiễm bệnh.
Cho tới lúc này, quân đội Đức đã triển khai khoảng 1.300 binh sỹ để hỗ trợ chính quyền các địa phương và tổng số binh sỹ được huy động có thể lên tới 15.000 người.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thị trưởng các thành phố lớn ở nước này cũng đã nhất trí có thể kêu gọi sự hỗ trợ của quân đội cũng như các chuyên gia thuộc Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) nếu tại địa phương ghi nhận có từ 35 ca nhiễm mới/100.000 dân trong bảy ngày.
Nga kêu gọi các bên tôn trọng lệnh ngừng bắn
Ngày 12/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh việc các lực lượng Armenia và Azerbaijan tôn trọng lệnh ngừng bắn tại Nagorny - Karabakh mới đạt được cuối tuần qua là điều "tối quan trọng".
Trong tuyên bố mới nhất, ông Peskov cũng cho biết Điện Kremlin đang theo dõi sát các diễn biến trên thực địa. Trước đó, ngày 9/10, hai bên đạt được lệnh ngừng bắn sau 11 giờ đàm phán giữa Ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan tại Moscow, với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov giữ vai trò trung gian. Kể từ khi có hiệu lực hôm 10/10, lệnh ngừng bắn đã không được duy trì khi cả hai bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm nghiêm trọng và thực hiện các vụ tấn công nhằm vào dân thường.
Theo lệnh ngừng bắn, Armenia và Azerbaijan cũng nhất trí bắt đầu "các cuộc đàm phán thực chất" nhằm đạt được một giải pháp hòa bình sớm nhất có thể, với vai trò trung gian của Nhóm Minsk- thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE)- do Nga, Pháp và Mỹ làm đồng chủ tịch.