Bởi khi các Ban chỉ đạo được “quy hoạch” theo hướng tập trung vào một số đầu mối sẽ tránh tình trạng bộ máy cồng kềnh, họp hành nhiều mà thực tế công việc chưa hiệu quả.
Dựa trên con số khi Hà Nội rà soát các Ban chỉ đạo (BCĐ) có thể thấy những con số không hề nhỏ. Từ năm 2007 - 2017, Hà Nội đã thành lập 302 BCĐ thuộc TP. Tính đến ngày 24/7/2017, còn 108 BCĐ đang còn hiệu lực hoạt động. Theo phương án rà soát, tinh gọn được đưa ra, Hà Nội sẽ giữ nguyên 40 BCĐ, sáp nhập 27 thành 8 BCĐ, giải thể 41 BCĐ. Như vậy, bộ máy được tinh gọn từ 108 xuống còn 48 BCĐ. Trên tinh thần gom lại theo ngành, theo lĩnh vực để hoạt động hiệu quả hơn, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chỉ ra: Các vấn đề về điện thì chung một BCĐ, ngành giáo dục cũng thế phải gom hết vào một BCĐ, giao một người chuyên trách. Việc gom các BCĐ cũng lại chính để giảm tải cho các Sở và nâng cao hiệu quả công tác.Tinh giản bộ máy, rạch ròi trách nhiệm, giao việc gắn với kiểm soát việc, tinh thần Hà Nội đang thực thi này nhận được nhiều sự đồng tình. Bởi thực tế, đúng như nhiều ý kiến nhận định, việc thành lập quá nhiều BCĐ TP có thể làm giảm trách nhiệm tham mưu, quản lý Nhà nước của các cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, một số BCĐ hoạt động còn hình thức, hiệu quả không cao, lãng phí nguồn lực, kinh phí, thời gian cho thành viên BCĐ. Cơ chế hoạt động BCĐ sẽ ảnh hưởng đến nguyên tắc chỉ đạo, điều hành của UBND TP là “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.Vấn đề đổi mới bộ máy hành chính Nhà nước đang được nhắc đến nhiều, trong khi những “bộ con trong bộ lớn” đang được nhắc đến như một trong những nguyên nhân, đầu mối phát sinh thêm bộ máy, mà khó quy trách nhiệm, những động thái rất tích cực của Hà Nội trong việc tinh gọn bộ máy có thể coi là một điểm sáng. Bởi không chỉ rà soát, tinh gọn các BCĐ, thời gian vừa qua, Hà Nội đã tinh gọn bộ máy rất đồng bộ. Như nhiều ý kiến nhận xét, chưa có thời điểm nào sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp thực hiện một cách nhanh chóng, khoa học, hiệu quả và “êm” vậy. Ngoài hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 22 sở, tương đương và hơn 400 đơn vị sự nghiệp (giảm khoảng 30% đầu mối), Hà Nội còn kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế của 70 Ban quản lý dự án xuống còn 41 ban (giảm hơn 40% đầu mối). Đặc biệt, các đơn vị sự nghiệp cấp huyện cũng được chỉ đạo sắp xếp từ 206 đơn vị xuống còn 110 đơn vị (giảm hơn 50% đầu mối)….Với các BCĐ, phương án của Hà Nội đưa ra những đánh giá khá khả quan. Thậm chí có ý kiến cho rằng, cần phải giảm số lượng các BCĐ hơn nữa, xuống còn 30 Ban và chỉ để lại những BCĐ thực sự cần thiết; không nhất thiết Chính phủ, bộ ngành có BCĐ nào thì Hà Nội cũng phải có đủ. Điều đó cũng là một sự hợp lý khi hiện nay Hà Nội đã có cơ chế đặc thù và được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Và hy vọng với những quyết tâm tinh gọn đó, Hà Nội thực sự giải quyết được thực trạng chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ. Triệt để khắc phục hệ quả là một việc vốn chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính, nhưng khi quá nhiều đầu mối lại chưa được phát huy mạnh mẽ nên vẫn phải hội họp nhiều, quy trình xử lý công việc chậm.T.H