Tất nhiên là cách thể hiện mỗi thời mỗi khác nhưng tựu trung cái hồn vía của tinh thần này là bất diệt. Rất có thể đây là thứ bất diệt đúng theo nghĩa đen mà chẳng cần phải có khẩu hiệu nào phụ trợ.
Tình người của người Việt không thuộc mô típ có thể mang trưng bày thường xuyên cho người khác nhìn vào. Chính vì thế những thứ ứng xử vô cảm ngoài xã hội mới được dịp len lỏi vào đời sống của chúng ta. Đọc báo trên mạng thấy rằng người Nhật có cách ứng xử ngày thường khác hẳn với ta dù rằng gốc gác của hai nền văn hóa là rất gần gũi.
Báo kể rằng có cô vợ Việt lấy chồng Nhật một hôm xem tin tức thấy cảnh báo sóng thần bèn lấy xe đi đổ đầy bình xăng. Rất may được ông chồng can ngăn. Lý lẽ của anh ấy là nếu mình mua đầy bình xăng như thế rất có thể hết phần người khác. Cô vợ nghe ra và thầm thán phục quê hương nhà chồng. Điều đó cho thấy rằng để có được ứng xử như vậy hẳn là không chỉ mất vài đời.
Người Việt vào những lúc nước sôi lửa bỏng cũng không thiếu gì những câu chuyện mang tinh thần tương thân tương ái như thế. Nạn đói năm Ất Dậu 1945 mà lịch sử ghi lại có vẻ như chưa đầy đủ. Người ta mới chỉ ghi những tội ác của quân xâm lăng và lũ bán nước mà thôi. Trong khi đó lịch sử truyền khẩu dân gian vẫn còn đầy những câu chuyện cảm động. Nhiều gia đình địa chủ, tư sản mang lương thực và tài sản của mình ra phát không cho dân nghèo đến hạt gạo cuối cùng. Đến mức chính mình sau đó cũng phải đi xin ăn.
Một đất nước vài nghìn năm không ngớt chiến tranh dĩ nhiên quân đội là lực lượng thường trực với quân số lớn. Khá nhiều triều đại và kể cả quân đội của chúng ta ngày nay cũng tồn tại dựa vào dân rất nhiều. Dân thương và nuôi binh lính như con em trong nhà đã trở thành truyền thống lâu đời.
Đầu những năm 1980 khi lính Quân đoàn 3 chuyển ra vùng biên giới phía Bắc cũng phần lớn dựa vào dân vùng Bắc Thái như thế. Người dân địa phương cho bộ đội chẳng thiếu thứ gì nếu như họ có. Từ củ sắn, củ khoai cho đến lá cọ lợp nhà, tre pheo gỗ lạt dựng lán. Rừng mênh mông, bộ đội thiếu gì cứ việc vào lấy. Vài gia đình còn gả cả con gái cho bộ đội. Những người lính được an ủi rất nhiều chẳng phải chỉ vì những tài sản vật chất ấy mà hơn thế còn là chỗ dựa tinh thần vô giá.
Đại dịch virus nCoV vừa ngấp nghé tràn qua lãnh thổ nước ta. Lần này có vẻ như nghiêm trọng hơn đại dịch SARS rất nhiều dù rằng thứ virus SARS là đồng chủng với nCoV. Xem trên báo đã thấy có bạn trẻ bịt khẩu trang kín mặt đứng chờ ở chỗ dừng đèn đỏ phát miễn phí khẩu trang cho người đi đường. Nghĩa cử ấy càng cao đẹp hơn khi bạn ấy cố tình giấu kín tung tích của mình. Đã có rất nhiều bạn trẻ như thế ở khắp cả hai miền. Họ làm việc ấy với tất cả tấm lòng nhân ái của mình mà không hề tính toán thiệt hơn cả về kinh tế và sức khỏe. Các cơ sở y tế công cũng có ứng xử tương tự như vậy. Họ chu đáo tiếp nhận và điều trị thành công cho những người nhiễm bệnh không phân biệt quốc tịch hay vùng miền nào cả. Đó là sự hy sinh rất lớn xứng đáng được dựng nên những tượng đài chứ không đơn giản là một ngôi miếu trong bệnh viện quốc tế Việt Pháp như ta thấy sau khi dẹp xong dịch SARS.
Thế nhưng bên cạnh những ứng xử đẫm đầy tình người như thế vẫn có những câu chuyện khiến ta không khỏi bối rối. Nếu nặng lời mạt sát những kẻ trục lợi khi đại dịch xảy ra để bán khẩu trang, nước rửa tay kiếm lời kể ra cũng hơi nóng vội. Số người thất nhân tâm như thế chắc chắn không nhiều. Phần còn lại chẳng đơn thuần hám lợi mà có khi còn là nạn nhân của lũ đầu cơ.
Họ cũng bị mua vào giá cao và bán ra kiếm lời chút ít mà thôi. Chính những kẻ đầu cơ tích trữ mang bán giá cao cho các cửa hàng mới là thủ phạm. Nhưng tuyệt nhiên chưa thấy cơ quan nào tìm ra đám người này để trừng trị. Tất nhiên điều đáng mừng là báo chí và người dân đã kịp thời lên tiếng chỉ trích hành động trục lợi này một cách quyết liệt. Chính quyền cũng đã có những biện pháp xử phạt rất nghiêm minh.