Nhận nhiệm vụ trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã dành cho phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị cuộc phỏng vấn thẳng thắn về những quyết sách, mục tiêu trong chặng đường sắp tới.
PV: Trở thành Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn địa phương gặp nhiều biến động về kinh tế - chính trị - xã hội, ông đang quan tâm và trăn trở điều gì?
Ông Lê Văn Dũng: Quảng Nam là tỉnh mà trong nhiều năm qua đã có sự khởi sắc, từ một tỉnh nghèo vươn lên thành tỉnh tự cân đối được ngân sách. Đời sống của người dân cũng từng bước cải thiện và phát triển. Tuy nhiên, từ năm 2023 đến quý 1/2024, kinh tế của tỉnh tăng trưởng âm, nguồn thu ngân sách chưa đạt chỉ tiêu, các lĩnh vực đầu tư công chưa thực sự hiệu quả.
Khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh, trăn trở lớn nhất của tôi là phải làm sao để nền kinh tế vực dậy và phát triển, đời sống của người dân “thay da đổi thịt”. Đây rõ ràng là trọng trách vô cùng to lớn mà Đảng đã tin tưởng và giao nhiệm vụ.
Song song với đó, khi Trung ương kiểm tra đã chỉ ra một số sai sót, dẫn đến một bộ phận cán bộ đảng viên rất sợ sai, không dám làm, thiếu trách nhiệm trong việc thực thi công vụ. Điều đó gây nhiều khó khăn và phiền toái cho doanh nghiệp và người dân. Đây là rào cản rất lớn trong quá trình khắc phục bởi vì chúng ta đã biết, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, cán bộ phải năng động, sáng tạo, làm việc hết mình thì công việc mới trôi chảy. Ngược lại, công việc sẽ bị trì trệ. Đó là mối quan tâm mà tôi cũng thấy rất trăn trở.
PV: Thời gian vừa qua, tỉnh Quảng Nam có rất nhiều dự án “treo”, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt có nhiều doanh nghiệp lớn rời bỏ thị trường. Ông sẽ đưa ra những nhóm giải pháp gì về vấn đề này?
Ông Lê Văn Dũng: Ở góc độ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), việc đầu tiên phải có môi trường đầu tư thật tốt, chính vì thế chủ trương của tôi là tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã bàn bạc để tìm ra các giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, tỉnh sẽ đồng hành cùng DN, trên phương diện quản lý Nhà nước và phải hỗ trợ hết sức thông qua các việc làm cụ thể. Bắt đầu sốc lại đội ngũ cán bộ, hướng đến chính quyền năng động, sáng tạo, có trách nhiệm, vì người dân và DN. Không để thủ tục hành chính chậm chạp, khó khăn, phiền hà cho người dân và DN.
Thứ hai, tập trung tháo gỡ các khó khăn cho từng nhóm DN. Điển hình nhóm DN lĩnh vực bất động sản, nhiều dự án vẫn đang im lặng và chưa thể hoạt động do cơ chế thanh tra, kiểm tra chưa tháo gỡ được. Ngoài ra, hội đồng giá đất cũng chưa được hoạt động trở lại nên biên giá hiện nay chưa có. Công tác giải phóng mặt bằng là một trở ngại lớn và khó khăn vì những công trình không giải phóng mặt bằng thì không thể có điều kiện đầu tư được.
Thứ ba, lãnh đạo tỉnh sẽ ưu tiên từng nhóm giải pháp cụ thể để giải quyết. Ưu tiên hàng đầu là tập trung tháo gỡ cho những DN, mô hình kinh tế lớn đã và đang đầu tư vào Quảng Nam. Ví dụ những dự án của Tập đoàn Trường Hải đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, công nghệ cao ở huyện Núi Thành; nạo vét cảng Kỳ Hà là dự án huyết mạch cho tỉnh Quảng Nam; dự án Hoiana phía đông Thăng Bình…
Hiện một số DN bất động sản cũng đã được giao dự án và hoàn thành về cơ sở hạ tầng 100%; hoàn thành nghĩa vụ đối với nhà nước nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này dẫn đến DN không thể tiếp tục hoạt động hoặc giao dịch gây nhiều khó khăn, phiền toái. Tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ cho được các vướng mắc này để giúp cho DN có điều kiện phát triển tốt hơn.
PV: Đầu tư công được xem là động lực tăng trưởng để Quảng Nam tăng tốc. Nhưng 6 tháng đầu năm tỉnh chỉ mới giải ngân được khoảng 27%. Ông có thể chia sẻ những quyết sách để giải quyết vấn đề này?
Ông Lê Văn Dũng: Tôi khẳng định đầu tư công phải mang tính dẫn dắt. Đầu tư công phải tốt thì đầu tư mới tốt, nhưng đầu tư công tại Quảng Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ giải ngân còn rất thấp. Điều này dẫn đến việc bị ứ đọng dòng tiền, mục tiêu tăng trưởng 6.5-7% vì thế cũng khó hoàn thành. Cùng với đó các nguồn vốn của Ban công trình quốc gia còn rất thấp và chưa đầy 15%. Đây là trăn trở lớn đối với Quảng Nam.
Chính vì vậy, tỉnh sẽ chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thành lập 5 đoàn công tác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn để trực tiếp chỉ đạo một số địa phương. Các đơn vị hoạt động theo phương thức “mắc đâu gỡ đó”. Trách nhiệm của vấn đề này còn thuộc về Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện, để cùng hoàn thành.
Ví dụ như vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng thì phải chỉ đạo đôn đốc tháo gỡ triệt để; vật liệu xây dựng như cát sỏi, đất… thì phải được khơi thông để có nguồn vật tư thực hiện. Những công trình nào chậm hoặc không có khối lượng sẽ điều chỉnh vốn từ công trình không có khối lượng sang công trình có khối lượng để cùng giải ngân vốn đầu tư xây dựng ở tỉ lệ cao nhất.
Nghị định 111 của Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất cụ thể, khơi thông được nhiều vấn đề từ trước đến nay để chúng ta có thể áp dụng. Những trì trệ này cũng một phần do các ban, ngành và địa phương chưa vào cuộc một cách cụ thể; chưa thực sự trách nhiệm với các công trình, dự án đang triển khai. Thời gian đến, tỉnh sẽ kiên quyết xử lý một số tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành để thể hiện trách nhiệm của mình trong việc thực hiện công việc trọng tâm.
PV: Quảng Nam đã công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Có một nội dung rất đáng được chú trọng là Quảng Nam phấn đấu năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vậy để đạt được mục tiêu nêu trên, ông cho biết tỉnh đã và đang chuẩn bị những gì?
Ông Lê Văn Dũng: Tỉnh hết sức vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 72/QĐ-TTg về việc công bố và xây dựng quy hoạch Quảng Nam. Nhưng cơ bản quy hoạch chỉ mới dừng lại trên giấy. Nên tỉnh đã xây dựng kế hoạch của quy hoạch này và đang lấy ý kiến của các bộ, ngành Trung ương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là việc làm đầu tiên và đang được triển khai tích cực.
UBND tỉnh đã cụ thể hóa xây dựng đề án lớn đã được Thủ tướng phê duyệt. Điển hình phê duyệt dự án dược liệu của Quảng Nam. Đây là dự án đầu tiên trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên để có một khu chế biến sâu về dược liệu. Nếu làm tốt thì cơ hội phát triển trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp miền núi của tỉnh Quảng Nam sẽ được đột phá. Hiện đang chọn sâm Ngọc Linh làm cây chủ lực. May mắn là được các bộ, ngành rất ủng hộ để Quảng Nam phát triển khu dược liệu này.
Trong phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ cũng có nội dung tỉnh Quảng Nam được xây dựng một khu dự án để chế biến sâu sản phẩm silica. Cùng với đó Quảng Nam sẽ khơi thông cảng Kỳ Hà để phát triển logistic. Chưa kể xã hội hóa để xây dựng cảng hàng không sân bay Chu Lai trở thành cảng hàng không quốc tế lớn của cả nước.
Việc thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện, khu kinh tế mở Chu Lai thì phải làm một cách chi tiết, thậm chí đi trước một bước. Một khi làm tốt sẽ giúp Quảng Nam phát triển bền vững, tạo điều kiện để mời gọi những nhà đầu tư lớn vào Quảng Nam. Cùng với đó, chính quyền sẽ đồng hành nghiêm túc, minh bạch với doanh nghiệp.
PV: Có nhiều thông tin cho rằng hiện nay đang xuất hiện tình trạng cán bộ “né việc, ngồi yên” vì không dám làm, làm thì sợ sai. Ông cho biết quan điểm chỉ đạo điều hành của mình trong thời gian đến như nào?
Ông Lê Văn Dũng: Bác Hồ từng khẳng định cán bộ nào là phong trào đó, cán bộ tốt thì công việc phải tốt. Vì vậy Đảng ta đã đưa ra một số quy định rất cụ thể, ví dụ cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, như tôi đã nói, nó có rào cản lớn khi cán bộ né trách, đùn đẩy, ngại va chạm làm cho công việc bị chậm lại.
Tôi thấy trách nhiệm của người đứng đầu, chính quyền địa phương phải làm quyết liệt, sốc lại tinh thần làm việc. Song song với đó phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh những cán bộ thiếu trách nhiệm. Tôi lấy ví dụ quy trình làm một dự án, phải chỉ đạo làm qua bao nhiêu bước, thời gian mất bao lâu và ai chịu trách nhiệm. Từ đó làm căn cứ để tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý đúng người nếu sai phạm.
Cùng với đó sẽ điều chuyển một số cán bộ còn chậm trễ, ách tắc, kể cả người lãnh đạo từ cấp phòng trở lên. Kỷ cương hành chính của người đứng đầu cũng phải thực hiện nghiêm túc. Đương nhiên, Quảng Nam luôn biết cách vượt qua ở mỗi giai đoạn khó khăn nhờ tinh thần đoàn kết.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
14:51 08/08/2024