Tình trạng doanh nghiệp xâm phạm khu bảo tồn biển diễn ra ngày một phổ biến

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 742/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác thành lập và quản lý hệ thống khu bảo tồn biển (KBTB) Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020.

Theo Quyết định số 742/QĐ-TTg, tổng diện tích các KBTB Việt Nam được phê duyệt là 270.271ha, trong đó diện tích biển là 169.617ha. Tính đến nay, tổng diện tích vùng biển, đảo đã được quy hoạch vào khu bảo tồn đạt khoảng 213.400ha. Tỷ lệ diện tích vùng biển được bảo tồn đạt 0,185% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam, chưa đạt được mục tiêu 0,24% được đề ra tại Quyết định số 742/QĐ-TTg đến năm 2020. 
Khu bảo tồn biển Hòn Mun (Vịnh Nha Trang, Khánh Hoà). Ảnh minh hoạ.
Thời gian qua, Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương đã thành lập và đưa vào hoạt động 12 KBTB gồm: Bạch Long Vĩ/Hải Phòng, Cồn Cỏ/Quảng Trị, Cù Lao Chàm/Quảng Nam, Lý Sơn/Quảng Ngãi, Vịnh Nha Trang (Hòn Mun)/Khánh Hòa, Hòn Cau/Bình Thuận; Phú Quốc/Kiên Giang, Cô Tô - Đảo Trần/Quảng Ninh (gộp 2 KBTB Cô Tô và Đảo Trần thành một KBTB Cô Tô – Đảo Trần); Vườn quốc gia Bái Tử Long/Quảng Ninh, Cát Bà/Hải Phòng, Núi Chúa/Ninh Thuận, Côn Đảo/Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo kết quả thống kê từ báo cáo của Ban Quản lý các KBTB, Vườn Quốc gia  có hợp phần biển, trong giai đoạn 2010 - 2020, tổng số vụ vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến công tác bảo tồn biển là khoảng 942 vụ. Dù vậy, Bộ NN&PTNT cho rằng, số liệu báo cáo chưa phản ánh đúng tình hình thực tế vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan đến quản lý bảo tồn biển. 
Số vụ vi phạm pháp luật tại một số KBTB có xu hướng tăng và chủ yếu là khai thác san hô và sử dụng ngư cụ cấm, đặc biệt là lưới kéo, khai thác thủy sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của KBTB như: Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Vườn Quốc gia Bái Tử Long. Hiện nay, nhiều công cụ, phương pháp khai thác hải sản mới xuất hiện có tính hủy diệt cao đối với nguồn lợi, phá hủy môi trường sống của các loài thủy sinh. 
Đáng chú ý, tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh du lịch – dịch vụ vi phạm các qui định quản lý KBTB, Vườn Quốc gia như lấn chiếm, xây dựng công trình hạ tầng trái phép, tổ chức dịch vụ du lịch trái phép… trong KBTB, Vườn Quốc gia diễn ra ngày một phổ biến. Đặc biệt là tại một số địa phương như Khánh Hòa, Kiên Giang, nơi khu vực biển có hệ sinh thái san hô, cỏ biển được giao cho doanh nghiệp triển khai các hoạt động du lịch.
Với tình trạng nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt và định hướng phát triển kinh tế biển trong tương lai, xu hướng tiến ra biển là một vấn đề tất yếu. Thực tế, số doanh nghiệp đầu tư kinh doanh ở các khu vực biển và ven biển đang ngày càng gia tăng cả về số lượng và quy mô, kèm theo đó là sự gia tăng áp lực của nhu cầu sử dụng biển, khai thác tài nguyên biển, ô nhiễm môi trường biển, cạn kệt tài nguyên biển. Điều này cũng có nghĩa là KBTB, Vườn Quốc gia có hợp phần biển trong thời gian tới phải đối mặt với những thách thức rất lớn bên cạnh những cơ hội phát triển.