Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tình yêu và trách nhiệm với động vật hoang dã

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Niềm vui lớn đến với tập thể cán bộ và nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội (thuộc Sở NN&PTNN) khi chuồng nuôi gấu bán hoang dã đã chính thức đi vào hoạt động.

Đây là công trình được tài trợ bởi Tổ chức Quốc tế phi lợi nhuận FOUR PAWS International.

Động vật cũng cần được yêu thương
Sáng nay (21/9), Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội phối hợp với Four Paws Việt tổ chức lễ khánh thành công trình chuồng nuôi gấu bán hoang dã.

Chuồng nuôi gấu bán hoang dã có sức chứa từ 15 - 20 cá thể gấu - nơi các chú gấu được thả sức khám phá, chơi đùa là dấu ấn mới trong hợp tác quốc tế về cứu hộ ĐVHD. Với tiêu chí phúc lợi động vật được đặt lên hàng đầu, khu chuồng nuôi được thiết kế khoa học, gồm phòng nuôi nhốt khép kín có cửa bán tự động và không gian cây xanh thiên nhiên, bể bơi, đồ chơi... Toàn bộ khu chuồng được bao bọc bởi hệ thống tường rào, bên trong có hàng rào điện tử bảo vệ. Với thiết kế mở này, chuồng nuôi vừa đảm bảo không gian thoáng đãng, độ an toàn cho động vật và tạo sự thân thiện khi chúng tiếp xúc với người. Hiện tại, khu chuồng gấu bán hoang dã có 8 cá thể gấu ngựa, được chăm sóc theo quy trình khép kín và đảm bảo vệ sinh, an toàn tuyệt đối.
Ông Ngô Bá Oanh - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD rất thân thiện với các cá thể gấu.
Ông Ngô Bá Oanh - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD rất thân thiện với các cá thể gấu.
Theo ông Ngô Bá Oanh - Giám đốc Trung tâm, dù mới đưa vào sử dụng được gần 3 tháng, song công trình đã thể hiện hiệu quả khả quan. Điều khiến ông Oanh tâm đắc nhất là nhận thức của nhân viên chăm sóc động vật được nâng lên rất nhiều, cùng với đó là sự thân thiện, gần gũi giữa gấu và người. Thay vì chỉ ăn 2 bữa rồi nằm thì giờ đây gấu có không gian để nghịch, phá, vui chơi, hay nói cách khác là được giải phóng “tư tưởng”, được “xả stress”, từ đó chúng sẽ thân thiện, gần gũi với con người hơn.

Gắn bó với ĐVHD 14 năm, anh Nguyễn Mạnh Dũng - nhân viên kỹ thuật chuồng nuôi gấu bán hoang dã cho biết, gấu ở đây đều được đặt tên và có sổ theo dõi hàng ngày. Với tình yêu dành cho động vật, anh Dũng thuộc như lòng bàn tay tính cách của từng cá thể gấu. Trong số 8 cá thể được nuôi trong khu chuồng thì Hy Vọng là lớn tuổi nhất, chậm chạp nhất và có sở thích cứ ăn xong là… lên võng nằm! Nhỏ tuổi nhất là Em Bé nhưng rất tinh nghịch và dễ thương. "Lúc mới nhận về nuôi, Em Bé còn nhỏ xíu, yếu ớt và phải bú sữa bình. Vậy mà lớn lên, nó rất hiếu động, ham chơi, nghịch nhất đàn" - anh Dũng chia sẻ.

Chia sẻ về công việc hàng ngày, anh Dũng cho biết, ngoài chăm sóc theo quy trình, các anh còn xây dựng lịch "làm giàu" hàng tuần bằng cách chặt cành cây, hái lá tươi cho gấu gặm, chơi, nghịch. "Từ khi chuồng nuôi đi vào hoạt động, anh em bảo nhau tận dụng các vật liệu đơn giản để sáng tạo làm đồ chơi cho gấu" - anh Dũng tâm sự. Tuy nhiên, việc thiết kế đồ chơi cho gấu không đơn giản, bởi phải quan sát kỹ quá trình hoạt động của gấu thì mới biết được chúng thích chơi trò gì để thiết kế đồ chơi cho phù hợp.

“Ngôi nhà” thiên nhiên đúng nghĩa

Trong quá trình gần 20 năm hoạt động, Trung tâm đã cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản và thả về thiên nhiên hàng ngàn cá thể, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn các loài ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Cùng với đó, Trung tâm luôn chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực cứu hộ và bảo tồn các loài ĐVHD. Chẳng hạn như, trao đổi thông tin kỹ thuật với Tổ chức bảo tồn Frankfurt (CHLB Đức) và Vườn thú San Diego (Mỹ); tiếp nhận tài trợ không hoàn lại xây dựng chuồng nuôi gấu con với giá trị 280 triệu đồng từ Tổ chức động vật châu Á (AAF)…

Tháng 10/2014, được sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn ĐVHD nước Việt (Four Paws Việt) thuộc Tổ chức Quốc tế phi lợi nhuận FOUR PAWS International, Trung tâm đã tiếp nhận tài trợ không hoàn lại với Four Paws Việt. Theo đó, Four Paws Việt tài trợ cho Trung tâm 1,9 tỷ đồng xây dựng công trình chuồng nuôi gấu bán hoang dã với diện tích 1.000m2. Ngay sau khi tiếp nhận tài trợ, Trung tâm đã triển khai việc thiết kế, thi công dưới sự hỗ trợ và giám sát kỹ thuật của các chuyên gia của FOUR PAWS International. Sau 6 tháng thi công liên tục, tháng 7/2015, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Theo ông Oanh, đây là kết quả bước đầu, mở ra cơ hội hợp tác giữa Trung tâm với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực cứu hộ, bảo tồn loài gấu. Đây thực sự là nguồn động viên để Trung tâm thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao. Với phương châm "Cứu hộ, bảo tồn các loài ĐVHD chính là bảo vệ nguồn đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ môi trường bền vững", Trung tâm luôn đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trong lĩnh vực cứu hộ, bảo tồn các loài ĐVHD tại Việt Nam. Ông Oanh cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của TP, Sở NN&PTNT Hà Nội nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án mở rộng hoạt động của Trung tâm, quy mô 13ha.
Từ tháng 1 - 9/2015, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội đã tiếp nhận 638 cá thể ĐVHD, trong đó có 614 cá thể sống và 24 cá thể chết. Trung tâm đã tiến hành nhập đàn sinh sản 4 cá thể hổ; thả về môi trường tự nhiên 24 cá thể rắn hổ mang chúa; chuyển giao 9 cá thể (culi nhỏ, culi lớn); tiêu hủy 86 cá thể và 16kg rắn các loại. Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc và bảo tồn 422 cá thể.