Hiệu quả thấy rõ
Ít ngày qua, Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành một loạt điều chỉnh, tổ chức lại giao thông trên các tuyến đường: Nguyễn Trãi - Trần Phú, Lê Văn Lương - Tố Hữu…; đặc biệt tại các nút giao: Ngã Tư Sở, Vũ Trọng Khánh - Tố Hữu, Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng. Tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến này đã ngay lập tức được cải thiện rõ rệt.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi đóng hướng lưu thông từ Nguyễn Trãi - Tây Sơn, các phương tiện lưu thông qua nút Ngã Tư Sở đã giảm một nửa thời gian chờ. Tình trạng ùn ứ phương tiện kéo dài hướng nội thành đi hầm chui Trung Hoà đã được giải quyết cơ bản sau khi cấm rẽ trái từ Nguyễn Chánh vào Trần Duy Hưng.
Tương tự nút giao Vũ Trọng Khánh - Tố Hữu đã hết ùn tắc sau khi phân luồng, cấm các phương tiện rẽ trái từ Tố Hữu vào cầu Mộ Lao. Anh Nguyễn Xuân Tiến (trú tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông) chia sẻ: “Nút giao Vũ Trọng Khánh - Tố Hữu gần như đã chấm dứt lộn xộn, ùn tắc không còn. Việc điều chỉnh tổ chức giao thông này lẽ ra nên thực hiện từ lâu rồi mới phải”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tần (trú tại phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) cho hay: “Chỉ một biện pháp phân luồng phương tiện từ Nguyễn Trãi đi lên Trường Chinh quay đầu lại ra Tây Sơn đã chấm dứt ùn tắc giao thông cả khu vực xung quanh Ngã Tư Sở. Chúng tôi cũng rất bất ngờ với kết quả này”.
Đại diện Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, từ khi tổ chức lại giao thông nút Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng, hình ảnh các dòng xe nối dài chậm chạp nhích từng chút đã không còn xuất hiện. Đặc biệt cả hai hướng qua hầm chui Trung Hoà đã hết ùn tắc, giờ cao điểm xe cộ lưu thông tốt.
Có thể thấy, việc điều chỉnh tổ chức giao thông tại một số vị trí xung yếu, từng là điểm “đen” có nguy cơ ùn tắc cao của Sở GTVT Hà Nội rất thành công, mang lại hiệu quả cực lớn, giúp giải quyết áp lực cho 3 tuyến trục chính cùng hàng loạt đường phố lân cận.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh nhận định, thực tế đó cho thấy công tác tổ chức giao thông là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn, lượng phương tiện và người tham gia giao thông tăng cao từng ngày như hiện nay. “Sở GTVT Hà Nội cần nhanh chóng phát huy hiệu quả của giải pháp này, nghiên cứu, tổ chức lại giao thông cho những khu vực ùn tắc thường xuyên khác”.
Tuy nhiên, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh cho rằng, việc điều chỉnh tổ chức giao thông cần dựa trên những tính toán thực tế, hơn nữa cần ưu tiên cho phương tiện vận tải công cộng, chú trọng phân tách làn giữa các loại phương tiện để đảm bảo giảm thiểu xung đột. Mặt khác, tình trạng đua nhau đi ngược chiều, rẽ nơi cấm rẽ… gây rối loạn giao thông tại các nút giao vừa được điều chỉnh như: Ngã Tư Sở, Vũ Trọng Khánh - Tố Hữu cần được xử lý nghiêm minh, triệt để để duy trì hiệu quả vận hành, đảm bảo trật tự, ATGT.
Xe buýt cần làn đường riêng
Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội cũng đã có đề xuất với UBND TP cho tổ chức phân làn dành riêng xe buýt, xe máy trên tuyến đường Nguyễn Trãi, ngăn cách cứng với làn ô tô bên ngoài. Mặt khác, cho phép xe khách từ 24 chỗ trở lên, xe công vụ, xe cứu hộ cứu nạn, xe buýt thường đi vào làn dành riêng của tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa.
Nhiều chuyên gia rất ủng hộ đề xuất sử dụng dải phân cách cứng để tách biệt làn đường giữa xe buýt và các loại ô tô khác, bởi đây là cách duy nhất để nâng cao hiệu quả di chuyển của xe buýt. Còn với đề xuất cho sử dụng hỗn hợp làn đường dành riêng xe buýt BRT trong giờ cao điểm, không ít chuyên gia lại bày tỏ lo ngại. TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân chia sẻ: “Cho sử dụng chung làn dành riêng cho xe buýt là đi ngược với quy luật phát triển vận tải công cộng, cần phải cân nhắc, nghiên cứu rất kỹ.
Trên thực tế, từ khi đi vào vận hành, tuyến xe buýt BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa hầu như chưa một ngày nào được có không gian riêng, luôn phải vật lộn với sự chèn ép, chen lấn của nhiều loại phương tiện khác nhau, do đó hiệu quả nó mang lại chưa rõ rệt. Việc cho các loại xe cứu nạn cứu hộ sử dụng chung làn đường này là phù hợp. Tuy nhiên việc cho xe buýt thường, xe khách cỡ lớn đi chung lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.
Do xe buýt BRT có thiết kế riêng biệt, cửa lên xuống nằm bên trái, làn riêng sát lề trái, dải phân cách giữa của tuyến đường. Trong khi đó xe buýt thường lại đón trả khách bên lề phải hướng đi. Giả sử khi xe buýt thường đi trên làn BRT, muốn đón trả khách sẽ phải vắt chéo, cắt qua toàn bộ lòng đường, cản trở tất cả các phương tiện khác. Mỗi ngày trên trục Quang Trung - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Giảng Võ - Kim Mã có hàng trăm lượt xe buýt thường lưu thông. Giờ cao điểm, việc đón trả khách như vậy có thể gây ùn tắc nặng nề hơn hiện nay.
Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh nhận định, việc cho xe công vụ, xe buýt thường đi vào làn BRT sẽ tạo hiệu ứng tâm lý lôi kéo người dân ngày càng chen lấn vào làn BRT hơn. Sẽ có người đặt câu hỏi: Làm sao biết những chiếc xe đó đang đi công vụ hay không? Vì sao xe “biển xanh, biển đỏ” được đi vào mà người dân thì không (?).
“Từ khi đưa xe buýt BRT vào vận hành, áp lực dư luận là rất lớn. Nhưng thiết nghĩ Hà Nội cần làm rõ vai trò, hiệu quả của xe buýt BRT, trên cơ sở đó tính toán kỹ để tổ chức lại giao thông theo hướng ưu tiên tối đa cho vận tải công cộng nhưng phù hợp thực tế hiện trạng giao thông hiện nay”.
Yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định thành bại của xe buýt là làn đường riêng. Chỉ khi không còn phải "ngụp lặn” giữa ùn tắc, không bị các loại xe khác chèn ép, xe buýt mới rút ngắn được thời gian di chuyển, qua đó thu hút được người dân sử dụng.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Tuấn Linh
Nhiều năm về trước, tuyến đường Nguyễn Trãi -Trần Phú đã từng được phân làn rất khoa học, với hai làn đường dành riêng, sát lề phải mỗi hướng đi, dành cho xe buýt và xe máy, sử dụng dải phân cách cứng để tách biệt. Nhờ đó, ô tô, xe máy, xe buýt đi riêng, không chen lấn, hỗn loạn như hiện nay.
Việc nghiên cứu tái lập hai làn đường riêng cho xe buýt, xe máy, đặc biệt đoạn từ Quang Trung (Hà Đông) đến Tây Sơn (Đống Đa), hoàn toàn có thể cải thiện năng lực thông hành cho toàn tuyến, tránh những xung đột rối rắm, giảm thiểu ùn tắc cho cả khu vực dọc hành lang trục chính này.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung