Tại tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Minh Đức (Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị) đã chủ trì, trao đổi với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam; Thạc sỹ Phan Trường Thành - Chuyên gia giao thông.
Toàn cảnh tọa đàm |
Qua tọa đàm, các chuyên gia đã phân tích, khẳng định những kết quả trong chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trong giai đoạn 2015-2020. Đồng thời, làm rõ những bài học kinh nghiệm và đề xuất thêm các ý kiến để làm sâu sắc hơn các mục tiêu, giải pháp cho nhiệm kỳ tới được đặt ra trong đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị, giao thông hài hoà, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát triển mạnh các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh… được đặt ra trong Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Bổ sung nhận định về đô thị xanh, đô thị thông minh
Nhà báo Nguyễn Minh Đức: Công tác quy hoạch và phát triển đô thị là vấn đề đã được Đảng, Chính phủ rất quan tâm. Dưới góc nhìn của chuyên gia quy hoạch, thưa KTS.TS Đào Ngọc Nghiêm, ông nhận định thế nào về những điểm nổi bật đã đạt được trong lĩnh vực này. Các Dự thảo Văn kiện đánh giá về nội dung này có những vấn đề gì cần bổ sung để làm rõ hơn những kết quả cũng như những hạn chế trong thời gian qua?
KTS.TS Đào Ngọc Nghiêm: Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng; Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011 – 2020) và chiến lược 10 năm tới cũng như Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng… đã nêu đồng bộ các nội dung. Cụ thể: Về kinh tế vĩ mô; cơ cấu nền kinh tế; các khâu đột phá; phát triển vùng, kinh tế biển, đô thị và nông thôn mới; văn hóa xã hội; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; về quản lý nhà nước, cải cách hành chính, chống tham nhũng; về bảo đảm an ninh quốc phòng, đối ngoại, hội nhập quốc tế.
KTS.TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam |
Qua những kết quả đã nêu, chúng ta tự hào vì đất nước ta đã có vị thế, tầm cao mới so với khu vực và thế giới. Tiếp cận từ công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị cho thấy, để có được kết quả như Dự thảo các Văn kiện nêu, thể hiện Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm, đã chỉ đạo sát sao cả hệ thống chính trị và các địa phương. Trong kết quả đã đạt, những điểm nổi bất đó là từng bước hoàn thiện, đồng bộ về chể chế, cơ chế chính sách từ các Nghị quyết của T.Ư, các luật như Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Kiến trúc…, các Nghị định, Quyết định của Chính phủ về tăng trưởng xanh, phát triển đô thị thông minh, bền vững, xây dựng nông thôn mới… Chính từ các đột phá này mà công tác quy hoạch đã được tích hợp, tác động đến định hướng các ngành, lĩnh vực để phát triển hài hòa, từng bước hạn chế việc phát triển theo lợi ích ngành.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa phát triển cao, đến năm 2020, Việt Nam đã có 859 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40% (năm 2000 chỉ là 30%), mạng lưới đô thị phân bố đều trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của từng vùng và cả nước, tạo điều kiện để Việt Nam trong giai đoạn tới sớm trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Cùng đó, trong quy hoạch, phát triển, quản lý đô thị đã tiếp cận với hội nhập, chọn lọc bài học kinh nghiệm, xu thế phát triển từ thế giới. Đó là xây dựng đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị thông minh. Nhiều đô thị có kế hoạch xây dựng đô thị thông minh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... Để quản lý đô thị đã nghiên cứu và áp dụng mô hình chính quyền đô thị, đang được thí điểm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Những đổi mới này đã góp phần cải cách hành chính có hiệu quả, tiếp cận với khoa học công nghệ mới.
Ngoài ra, trong phát triển đô thị đã chú trọng đến phát triển xây dựng nông thôn mới trong vùng và trong từng đô thị, góp phần tạo bản sắc cho đô thị và giảm khoảng cách giàu nghèo. Ví dụ, Hà Nội 100% xã có quy hoạch nông thôn mới, đến nay đã có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhờ vậy mà đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân.
Đến năm 2020, Việt Nam có 859 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40% |
Từ những kết quả nổi trội trên, đối chiếu với kết quả đã nêu trong Dự thảo các Văn kiện cho thấy, đã cơ bản thể hiện đồng bộ, song cũng rất cần xác định cụ thể hơn vai trò của đô thị trong phát triển kinh tế xã hội và bổ sung nhận định, tốc độ đô thị hóa cao từng bước tiếp cận với xu thế phát triển hiện đại của đô thị trên thế giới: Đô thị xanh, đô thị thông minh và chính quyền đô thị hiện đại.
Về xây dựng nông thôn mới, ngoài nhận xét về đạt nhiều kết quả quan trọng hoàn thành mục tiêu trước 2 năm so với chiến lược đề ra, phải chăng nên bổ sung nhận xét từng bước đạt được sự hài hòa giữa tốc độ đô thị hóa cao với xây dựng nông thôn mới.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức: Một số hạn chế trong phát triển hạ tầng đô thị, như phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị; số lượng các đô thị nhỏ nhiều… cũng đã được Dự thảo các Văn kiện chỉ ra, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm và Thạc sỹ Phan Trường Thành nghĩ sao về nhận định này?
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Tôi thống nhất với nhận xét “chất lượng phát triển đô thị chưa cao, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, hạ tầng xã hội, năng lực, trình độ quản lý còn thấp. Chất lượng quy hoạch đô thị cần nâng cao, chú trọng đến tạo lập bản sắc”. Tuy nhiên, khi đề cập về những hạn chế, yếu kém trong văn kiện nêu “chất lượng quy hoạch đô thị thấp, thiếu bản sắc kiến trúc riêng” thì hoàn toàn chưa thỏa đáng, nên xem xét điều chỉnh. Nhìn nhận lại cả quá trình vừa qua, trong Văn kiện Đại hội Đảng những lần trước đã có nhận xét công tác quy hoạch đã có nhiều chuyển biến tích cực nên không thể nói là còn thấp trong nhiệm kỳ vừa qua.
Ngoài ra, nói đô thị thiếu bản sắc kiến trúc riêng cũng là chưa khoa học. Ở đây cần thống nhất khái niệm bản sắc của đô thị. Trong định hướng phát triển đô thị vừa qua đã thực hiện và xác định có bản sắc trong từng đô thị nhưng tồn tại là chưa thực sự đồng bộ (như bảo tồn quỹ di sản). Về tạo lập kiến trúc riêng nên có cách nhìn tổng quan về các xu thế phát triển hiện nay, bởi những kết quả mà Việt Nam thực hiện không chỉ trong nước mà bạn bè quốc tế cũng thừa nhận như các công trình kiến trúc xanh, các khu đô thị mới đáng sống kiểu mẫu.
Thạc sỹ Phan Trường Thành: Tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận định TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đã đưa ra, vẫn còn những vấn đề chúng ta cần làm rõ. Như về vấn đề quy hoạch, trước hết là vấn đề tích hợp quy hoạch. Bởi trước đây, dù có quy hoạch từng ngành, nhưng khi nghiên cứu triển khai các đề án thì các quy hoạch vướng nhau. Hiện nay đã có Luật Quy hoạch, tuy nhiên, việc lập đề án quy hoạch tổng thể rất khó. Vì vậy trước mắt cần rà soát tích hợp dần những quy hoạch đã có. Cần có chính sách về quy hoạch riêng để tập hợp các chuyên gia về quy hoạch, nắm được thế mạnh của từng địa phương.
Thạc sỹ Phan Trường Thành - chuyên gia giao thông |
Về xây dựng kết cấu hạ tầng, việc phát triển đô thị nhanh kéo theo áp lực về hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hạ tầng giao thông. Một trong những nguyên nhân chính là do mạng lưới giao thông kết nối vùng và đặc biệt là quy hoạch đường cao tốc chưa có tuyến nào hoàn thành. Đáng lưu ý, vận tải đường sắt, vận tải đường biển bị lãng quên mà chỉ tập trung vào vận tải đường bộ. Bên cạnh đó, công tác dự báo quy hoạch bị lỗi thời; công tác điều chỉnh quy hoạch cũng cần phải được nhìn nhận toàn diện hơn.
Cần một mục riêng về giải pháp xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị
Nhà báo Nguyễn Minh Đức: Về giải pháp cho nhiệm kỳ tới, trước thực tế hiện nay, để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị như mục tiêu đặt ra, theo các chuyên gia, có những vấn đề cơ bản gì cần lưu ý đưa vào Dự thảo các Văn kiện, đặc biệt là Dự thảo Báo cáo Chính trị, để làm căn cứ triển khai trong thực tiễn?
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Tôi thống nhất với các nội dung trong tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2025 nêu trong Dự thảo các Văn kiện. Liên quan đến phát triển, quản lý đô thị và nông thôn mới, trong mục II Dự thảo Báo cáo Chính trị: Tầm nhìn và định hướng phát triển. Nội dung 5 xác định 12 vấn đề, trong đó có vấn đề 2: “Hoàn thiện toàn diện đồng bộ thể chế” có nêu vắn tắt: “tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”. Như vậy là chưa tương xứng với 3 đột phá chiến lược nhiệm kỳ XIII nêu trong Báo cáo Chính trị và giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021 - 2030 nêu trong Dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm qua và chiến lược 10 năm tới 2021- 2030. Trong đó có 12 nhiệm vụ và có riêng nội dung nhiệm vụ 4 là “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị”. Như vậy, chưa có sự đồng bộ, chưa xác định đúng tầm vấn đề đã nêu.
Tôi đề nghị trong Dự thảo Báo cáo Chính trị nên có sự điều chỉnh bổ sung định hướng phát triển với nội dung (thành mục riêng) về xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị. Đây là một nội dung đột phá, là vấn đề quan trọng trong giai đoạn tới nên cần nhấn mạnh và xác định rõ không lồng ghép trong nội dung hoàn thiện thể chế. Trong đó, xác định các giải pháp ưu tiên các công trình giao thông trọng điểm quốc gia và liên kết vùng. Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ mới. Huy động mọi nguồn lực trong phát triển và nâng cao chất lượng đô thị theo hướng phát triển bền vững.
Thạc sỹ Phan Trường Thành: Tôi cho rằng, trong các nội dung được đưa ra, cũng cần quan tâm đến công tác huy động nguồn lực; sự phối hợp giữa các bộ ngành cần chặt chẽ hơn nữa. Đặc biệt, cần có cơ chế đặc thù riêng cho những trung tâm đô thị lớn. Như ở Hà Nội, phải nâng tầm Luật Thủ đô và tránh chồng chéo với các luật ngành khác. Dự thảo các Văn kiên đã có một giải pháp rất đúng và trúng để thực hiện việc phát triển hạ tầng đô thị là giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ.
Trong đó, cần lưu ý các giải pháp chuyển giao công nghệ để có thể tiếp tục làm các công trình ngầm trong đô thị; Lựa chọn công nghệ cũng cần được cân nhắc để phù hợp với điều kiện của chúng ta; cần quan tâm đến phân công tổ chức thực hiện; nguồn lực tài chính. Đây là 4căn cơ quan trọng nhất để thực hiện thành công giải pháp này.
Quan tâm thể chế về đất đai
Nhà báo Nguyễn Minh Đức: Cùng với tập trung xây dựng hạ tầng đô thị, việc xây dựng chiến lược, hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, trọng tâm là đất đai; hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai cũng là vấn đề được Dự thảo các Văn kiện đặt ra, đây cũng là vấn đề được người dân rất quan tâm. Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nhiệm kỳ vừa qua, vấn đề này đã được giải quyết ra sao?
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: ''Tôi đề nghị trong Dự thảo Báo cáo Chính trị nên có sự điều chỉnh bổ sung định hướng phát triển với nội dung (thành mục riêng) về xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị''. |
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Về hoàn thiện thể chế quản lý, sử dụng tài nguyên, trong đó, trọng tâm là quản lý đất đai, tôi cho rằng, đây là vấn đề trong Dự thảo các Văn kiện, đã thể hiện rất rõ, sâu sắc. Trong các góp ý với các ngành vừa qua, về quản lý tài nguyên đất đai, tôi cho rằng, phải thực hiện từng bước hoàn thiện thể chế đất đai. Luật Đất đai rất được quan tâm, từ năm 1993 đã có Luật Đất đai, năm 2003 có Luật Đất đai, năm 2013 có Luật Đất đai, và từ năm 2018 đã có ý kiến sửa Luật Đất đai 2013. Rất nhiều hội thảo tham gia góp ý về dự luật này, tuy nhiên, đây là vấn đề rất lớn, động chạm đến rất nhiều vấn đề, phức tạp: Đầu tư, tài sản công, huy động nguồn lực, đời sống của người dân…, nên dự kiến đến năm 2023 Bộ TN&MT mới có thể hoàn thiện xong Luật Đất đai.
Trong Dự thảo các Văn kiện nêu đây là thành tựu rất lớn. Thứ nhất, liên quan Luật Đất đai 2013, đến nay có tới 20 Nghị định của Bộ, Chính phủ về Luật Đất đai, đây là vấn đề lớn, nhưng cũng rất phức tạp. Là thành tích, nhưng cũng bộc lộ vấn đề rất quan trọng, từ luật, từ quy hoạch đất đai, theo tôi, không nên bỏ quy hoạch đất đai. Quốc hội đã tích hợp trong phát triển kinh tế; tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, nên có quy hoạch đất đai. Việc hoàn chỉnh thể chế đất đai đã có cố gắng nhưng đang dần từng bước, nhưng chưa được chủ thể hóa như phát triển đô thị.
Thành tựu thứ hai trong lĩnh vực quản lý tài nguyên ở nước ta, đó là đã tích cực điều tra cơ bản, đánh giá được tiềm năng, kiểm soát được khai thác tài nguyên, có đột phá trong kiểm tra, xử lý vi phạm do gây ra ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, chưa xác lập được mối liên kết hài hòa giữa vùng và cả nước.
Thành tựu thứ ba về quản lý tài nguyên, đó là chúng ta đã chủ động trong phối hợp, hợp tác, xây dựng chương trình ứng phó với biến đối khí hậu, phòng chống thiên tai. Trong đó, chúng ta đã chủ động mời chuyên gia các nước đến phối hợp trong công tác phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, việc xử lý thế nào, hiện vẫn đang còn tồn tại.
Từ các kết quả trên, chúng ta thấy Dự thảo các Văn kiện Đại hội Đảng lần này khẳng định, khi nói đến các vấn đề đạt được, có vấn đề về tài nguyên đất đai. Trong định hướng giai đoạn trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, có nêu 15 tiêu đề, thì có một mục khẳng định phải đẩy mạnh hợp tác tài nguyên. Tôi cho rằng, đây là thể hiện đúng, đầy đủ trong Dự thảo các Văn kiện về công tác tài nguyên. Tuy nhiên, về mặt tài nguyên đã có nhiều ứng dụng, nhưng trong Dự thảo chưa làm rõ. Tôi cho rằng, nên nói kỹ hơn việc ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, để có thể tạo cơ chế chính sách thuận lợi và chú trọng ưu tiên nguồn lực thực hiện để sự chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về quản lý tài nguyên đất đai, phải thực hiện từng bước hoàn thiện thể chế đất đai |
Chú trọng giải pháp phát triển giao thông đồng bộ
Nhà báo Nguyễn Minh Đức: Trong Dự thảo đánh giá về phát triển kinh tế xã hội 5 năm qua, đã chỉ ra một số kết quả trong phát triển hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Nhưng đồng thời cũng nhận xét, năng lực hệ thống hạ tầng đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ gia tăng dân số đô thị, nhất là về giao thông... Theo Thạc sỹ Phan Trường Thành, đâu là nguyên nhân cần thẳng thắn nhìn nhận để giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông?
Thạc sỹ Phan Trường Thành: Trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm, kết quả đầu tư hạ tầng giao thông và đạt được nhiều thành tựu quan trọng như Dự thảo các Văn kiện đã chỉ ra. Tuy nhiên, thực tế, hệ thống hạ tầng giao thông đất nước ta vẫn còn những "điểm nghẽn" đối với nhu cầu phát triển đất nước như: Đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành, chưa hoàn thành mục tiêu đặt ra; hệ thống đường sắt lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị mới đầu tư xây dựng những tuyến đầu tiên; cảng biển chưa khai thác hết công suất; một số cảng hàng không đã quá tải... cho nên chưa hình thành được hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại.
Theo tôi, có những nguyên nhân chính như sau: Một là, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng nhanh cùng với sự gia tăng rất lớn về phương tiện giao thông dẫn đến tình trạng quá tải về kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, ùn tắc giao thông. Các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng có nhiều thay đổi, trong khi các chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn chưa kịp thời bắt nhịp dẫn đến vướng mắc kéo dài khi triển khai, tháo gỡ thủ tục dự án.
Hai là, quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ, công tác dự báo quy hoạch còn hạn chế và chưa điều chỉnh theo kịp với thực tế phát triển.
Ba là, nguồn lực đầu tư từ ngân sách đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn hạn chế. Nguồn vốn ODA cũng giảm và khó tiếp cận, thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để hấp dẫn, thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa có hiệu quả. Cơ cấu nguồn lực đầu tư còn chưa hợp lý, nhiều lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông chưa được quan tâm đầu tư đúng mức (đường sắt, đường thủy).
Thạc sỹ Phan Trường Thành: ''Hệ thống hạ tầng giao thông đất nước ta vẫn còn những "điểm nghẽn" đối với nhu cầu phát triển đất nước''. |
Bốn là, việc phân công trách nhiệm đầu tư và phối hợp đầu tư hạ tầng giao thông giữa T.Ư và địa phương còn chưa đồng bộ và thực sự hiệu quả. Vẫn còn xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, tiến độ thực hiện kéo dài, thiếu tính kết nối, hiệu quả, nhiều công trình trọng điểm lĩnh vực chậm tiến độ.
Năm là, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, việc chuẩn bị quỹ nhà tái định cư cho các dự án còn chưa kịp thời dẫn đến một số dự án chậm tiến độ, phát sinh tăng tổng mức đầu tư trong quá trình thực hiện.
Sáu là, năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành, thực hiện dự án của một số chủ đầu tư, nhà đầu tư, tư vấn còn hạn chế; những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời dẫn đến tiến độ thực hiện một số dự án còn bị kéo dài.
Bảy là, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức: Một phần trong trong 3 khâu đột phá được xác định cho nhiệm kỳ tới, có đề cập đến việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Theo các chuyên gia, để thực hiện được khâu đột phá này, có những vấn đề gì cần lưu ý?.
Thạc sỹ Phan Trường Thành: Có thể khẳng định, hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bảo đảm sự thông suốt toàn bộ nền kinh tế quốc gia, cũng như vùng và địa phương. Sẽ không thể phát triển được kinh tế - xã hội của vùng và của mỗi địa phương nếu không có cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và có tính kết nối cao. Hạ tầng giao thông tốt giúp thúc đẩy liên kết và hợp tác chặt chẽ trong vùng, kết nối thị trường vùng và liên vùng với thị trường quốc gia và quốc tế, khai thác và hiện thực hóa các tiềm năng kinh tế của địa phương; nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh... Từ vai trò ý nghĩa quan trọng như đã nêu trên, thì việc xác định xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong có có kết cấu hạ tầng giao thông là một phần trong 3 khâu đột phá là quan điểm, định hướng hoàn toàn đúng đắn trong thời gian tới.
Hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bảo đảm sự thông suốt toàn bộ nền kinh tế quốc gia, cũng như vùng và địa phương |
Tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả nội dung đột phá quan trọng này, theo tôi nên lưu ý một số vấn đề sau: Một là, cần rà soát quy hoạch đảm bảo đồng bộ với các quy hoạch khác tránh chồng chéo; tăng cường khả năng tính toán dự báo sát với thực tế đảm bảo tính khả thi trong điều kiện thực tế; cân đối lại tỷ lệ và phương thức đầu tư giữa đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không…
Hai là, về kế hoạch, không phát triển hạ tầng giao thông bằng mọi giá, phải thật sự tính toán kỹ, cân nhắc lợi ích của Nhân dân, lợi ích của Nhà nước khi quyết định triển khai dự án; không đầu tư dàn trải mà cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Cân nhắc dự án nào xây dựng bằng ngân sách Nhà nước, dự án nào bằng hình thức xã hội hóa bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Ba là, về nguồn vốn, đây là vấn đề chính quan trọng có tính quyết định để triển khai thực hiện, thực tế nhu cầu vốn đầu tư cho lĩnh vực GTVT là rất lớn và khả năng cân đối vốn ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu và phần còn lại phải xã hội hóa. Trong đó, chú trọng đến thu hút các nguồn vốn, ưu tiên xã hội hóa, nhưng dứt khoát phải bảo đảm chất lượng công trình, bảo đảm cân đối với cơ cấu của nền kinh tế. Xây dựng lại các tiêu chuẩn, các cơ chế, chính sách, vừa bảo đảm thu hút các nguồn vốn đầu tư, vừa bảo đảm chất lượng công trình, hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, Nhà nước và người dân, không để người dân gánh phí đường bộ quá cao.
Bốn là, ngoài việc phát triển đầu tư mới, phải lưu ý đến việc tăng cường duy tu, duy trì đảm bảo an toàn giao thông cho hệ thống giao thông hiện có. Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào quản lý, vận hành tổ chức giao thông, bảo đảm hiệu quả sử dụng cao nhất trên một mét vuông đường nhưng vẫn an toàn cho người tham gia giao thông.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai đầu tư các dự án công trình giao thông đảm bảo thực hiện có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tránh thất thoát vốn ngân sách. Thực tế trong thời gian qua có không ít những dự án công trình giao thông được kiểm tra, giảm sát phát hiện các sai phải đến mức phải xử lý hình sự.
Sáu là, về thể chế, luật Việt Nam cũng cần tiệm cận với luật quốc tế để thu hút nhà đầu tư.
Bảy là, tăng cường công tác tuyên truyền để nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Toàn cảnh tọa đàm |
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Một nội dung trong 3 khâu đột phá được xác định cho nhiệm kỳ tới có đề cập tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại; tôi đề nghị xem xét, sửa thành “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại”, chứ không nên để “với một số công trình hiện đại”. Bởi ở khu vực miền núi và thành thị có sự khác biệt nhau, không thể thực hiện các công trình hiện đại như xe chạy năng lượng, đường sắt trên cao, cáp treo… ở khu vực miền núi. Tôi cho rằng, cần quan tâm đẩy mạnh liên kết vùng và mô hình phát triển đô thị bền vững tích hợp.
Khi báo cáo Chính phủ, chúng tôi cũng đã kiến nghị cần mạnh dạn lập ra cơ chế quản lý vùng; đây là cơ chế hành chính bước đầu đề nghị Quốc hội cho thí điểm. Đây là công tác rất quan trọng, do đó, tôi đề xuất phải nhấn mạnh, bổ sung “tăng cường mối quan hệ liên kết vùng, tạo ra cơ sở hành chính pháp lý, chú trọng đến mô hình phát triển đô thị hiện đại”. Ngoài ra, để đẩy mạnh kết cấu hạ tầng, phải tăng cường chú trọng khâu phân công, phân cấp tùy theo năng lực để tạo lập ra bản sắc riêng từng vùng.
Để giải quyết đồng bộ hệ thống giao thông, phải giải quyết đồng bộ các hệ thống tiêu chí để đảm bảo giao thông an toàn, trong đó, phải quản lý phương tiện giao thông, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông. Tôi tán thành phương án tích hợp giao thông, tuy nhiên phải có nghiên cứu, gắn với điều kiện cụ thể, phải giải quyết đồng bộ các vấn đề: hạ tầng, áp lực giao thông, phương tiện giao thông, quản lý dân số…
Có định hướng về huy động nguồn lực
Nhà báo Nguyễn Minh Đức: Việc xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, đa dạng hoá hình thức đầu tư cho các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có giao thông thực sự là đòi hỏi từ thực tiễn. Theo các chuyên gia, vấn đề này có cần lãm rõ hơn trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, để làm căn cứ triển khai trong thực tiễn?.
Thạc sỹ Phan Trường Thành: Trong phạm vi Dự thảo Báo cáo Chính trị chỉ có thể đề cập đến những vấn đề chung mang tính định hướng, then chốt quyết định đối các ngành, các lĩnh vực mà không thể nêu chi tiết, cụ thể đối với vấn đề. Nhưng theo tôi, nên có định hướng, việc triển khai chi tiết sẽ được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện bằng các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án để cụ thể hóa Nghị quyết sau khi được Đại hội thông qua, phù hợp với đặc thù riêng của các ngành, các địa phương.
Theo tôi, từ thực tế về nguồn vốn hiện nay cho thấy, việc xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, đa dạng hoá hình thức đầu tư cho các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có giao thông là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tốt một nội dung trong 3 khâu đột phá đã được đặt ra. Theo đó, trong thời gian tới cần quan tâm đến một số vấn đề như: Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác lập các đồ án quy hoạch, đề án chuyên ngành mang tính trọng điểm để làm cơ sở triển khai tổ chức quản lý điều hành trong công tác đầu tư, kêu gọi đầu tư, huy động vốn.
Khai thác hiệu quả nguồn lực từ tài sản công, từ đất đai để tạo vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thuế, phí, hỗ trợ tài chính theo hướng tạo thuận lợi cho phát triển vận tải khách công cộng, vận tải đa phương thức… Sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, đồng thời phát triển hợp lý các phương thức vận tải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế.
Tiếp tục hoàn thiện các quy định về phân công, phân cấp quản lý, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cũng như cơ chế, chính sách trong quản lý sử dụng nguồn vốn trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó: Tăng cường phân cấp cho các địa phương có nguồn thu lớn, có năng lực về tổ chức quản lý đầu tư tốt để chủ động đầu tư nhằm hỗ trợ giảm tải áp lực ngân sách trung ương; trung ương tập trung đầu tư các công trình giao thông có kết nối liên vùng; bố trí đủ vốn tập trung cho các dự án công trình giao thông trọng điểm của vùng, quốc gia.
Các khách mời tham gia tọa đàm |
Tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, loại bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, trung tâm dịch vụ hành chính công… tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định.
Tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm giới thiệu, thu hút các nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực GTVT. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn đầu tư nhằm nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng, quản lý vốn đầu tư xây dựng đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Để giải quyết vấn đề giao thông, vấn đề vốn, một vấn đề quan trọng đặt ra là phải thực hiện mô hình phát triển đô thị đã được phê duyệt. Hà Nội là chùm đô thị, đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh; còn TP Hồ Chí Minh là thành phố trong thành phố. Mỗi nơi có cái khác nhau nên cách đặt vấn đề cũng khác nhau. Nếu Hà Nội chú trọng giải quyết được mô hình chùm đô thị, thì vấn đề giao thông, vấn đề tích hợp thế nào sẽ rất thuận lợi.
Để giải quyết đồng bộ hệ thống giao thông, phải giải quyết đồng bộ các hệ thống tiêu chí để đảm bảo giao thông an toàn, trong đó, phải quản lý phương tiện giao thông, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông. Bên cạnh nguồn vốn, phải có ứng dụng ở những điều kiện thích hợp. Tôi đồng ý, tán thành phương án tích hợp giao thông, tuy nhiên phải lựa chọn,có nghiên cứu, gắn với điều kiện cụ thể, phải giải quyết đồng bộ các vấn đề: hạ tầng, áp lực giao thông, phương tiện giao thông, quản lý dân số…
Thạc sỹ Phan Trường Thành: Về vấn đề đô thị vệ tinh liên quan đến giao thông, tôi trao đổi thêm, như thực tế tại Hà Nội, trong thời gian vừa qua, việc phát triển 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội mới chỉ phát triển cục bộ. Kết nối giao thông giữa đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội với khu trung tâm còn hạn chế. Đơn cử như Sóc Sơn, dọc Quốc lộ 6 bao nhiêu năm nay vẫn không có sự phát triển.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do nguồn vốn không cân được. Nguồn vốn đầu tư toàn các dự án hàng nghìn tỷ. Đường sắt đô thị tính hàng tỷ đô la, trong khi đó tiến độ triển khai các tuyến rất chậm. Việc này Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo nên mong rằng trong năm 2020 có thể vận hành được.
Chúng ta cũng nên hết sức lưu ý việc cân đối đầu tư hài hòa giữa các loại hình vận tải. Về đường bộ, nhất là tại khu đô thị lớn của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, phải khẩn trương hoàn thiện các vành đai hướng tâm. Hà Nội cũng phải tính đến phương án hạn chế các phương án hạn chế các phương tiện giao thông. Nếu cứ chạy theo đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông thì không biết đến bao giờ chúng ta mới đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của phương tiện. Bởi hiện nay phương tiện giao thông đã phát triển gấp hàng chục lần so với khả năng phát triển hạ tầng của thành phố.