Thấm nhuần những giá trị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong hành trình xây dựng đất nước và Thủ đô; đồng thời tạo thêm các diễn đàn để những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt được giao lưu, kết nối, chia sẻ kinh nghiệm; từ đó lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng xã hội những giá trị sống tích cực, nhân văn, chào mừng chào mừng kỷ niệm 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/101954 - 10/10/2020), Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII. Hôm nay (9/10), báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Ban Thi đua Khen thưởng TP tổ chức Tọa đàm, giao lưu trực tuyến “Gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” TP Hà Nội trên báo điện tử tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn với chủ đề “Nhân lên những việc làm tốt, chung sức xây dựng Thủ đô”.
|
Các khách mời tham gia buổi tọa đàm. |
Thông qua những câu chuyện, những việc làm ý nghĩa được các khách mời là người tốt việc tốt được phát hiện qua báo Kinh tế & Đô thị, chia sẻ trong cuộc tọa đàm, giao lưu trực tuyến hôm nay, quý vị đại biểu và bạn đọc của Báo sẽ hiểu rõ hơn chân dung của những người tốt xung quanh chúng ta và ý nghĩa của những việc làm tốt mà họ đã và đang đem lại cho xã hội. Từ đó, tạo sức lan tỏa rộng lớn ra xã hội, thúc đẩy phong trào thi đua “Người tốt,việc tốt” tại các địa bàn dân cư trong toàn TP, chung sức xây dựng Thủ đô phát triển, ngày càng văn minh, hiện đại.
Tham dự buổi giao lưu có ông Đinh Việt Thắng - Phó Trưởng Ban Thi đua Khen thường TP Hà Nội; ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị; ông Cao Quý Thành - Phó phòng Nghiệp vụ 2, Ban Thi đua Khen thường TP Hà Nội.
Về phía các cá nhân, tập thể người tốt, việc tốt có:
1. Bà Phan Thị Bính, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội là một cán bộ công chức về hưu tại Hà Nội - một người hết lòng vì các hoạt động từ thiện vài chục năm nay. Những bệnh nhân nghèo vẫn gọi bà là "Bà tiên" với những chuyến xe cấp cứu 0 đồng. Từ năm 2018 đến nay, bà và nhóm thiện nguyện đã giúp đỡ rất nhiều cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn từ các bệnh viện ở Hà Nội về các tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Thanh Hóa... Bên cạnh đó, bà thành lập nhóm thiện nguyện Từ Tâm đã có rất nhiều hoạt động thiết thực để chia sẻ, giúp đỡ những bệnh nhân nghèo, những người khó khăn hoạn nạn.
2. Ông Đặng Đình Mạnh - Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại ĐHM Việt Nam hay mọi người vẫn biết đến anh là Giám đốc hệ thống nhà hàng Mạnh cá lăng kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hóa ẩm thực dân tộc của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc. Trong những ngày khi cả nước chung tay chống giặc Covid-19 vừa qua, anh đã gửi gắm tình cảm, tâm huyết của mình tới các bác sĩ nơi tiền tuyến bằng những cốc cháo cá đặc biệt, khơi dậy tinh thần dân tộc.
3. Ông Nguyễn Tiến Thành Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân là người không chỉ "truyền lửa" cho những người cùng cảnh ngộ vượt lên chính mình. Được biết, anh học về kinh tế, những lại sớm bén duyên với nghề báo. Hiện vẫn tiếp tục công việc viết báo. Tác phẩm "Chàng trai khiếm thị và ý tưởng kinh doanh đặc biệt" của anh đăng trên báo Kinh tế & Đô thị năm 2016 đã được trao giải Ba cuộc thi "Phát hiện và viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt". Điều chúng tôi ấn tượng nữa là sự lạc quan, sống tích cực ở anh đã lan tỏa ra những người xung quanh, đặc biệt qua các phong trào xã hội.
4. Em Trần Nam Long (học sinh lớp 7 khoa Khiếm thính - Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương), dù sinh ra có chút thiệt thòi, nhưng bù lại Long lại có năng khiếu hội họa và em đã vẽ rất nhiều tranh, giành giải ở các cuộc thi, bán đấu giá để ủng hộ các quỹ từ thiện. Như tháng 11/2016, Long tham gia cuộc thi vẽ dành cho thiếu niên mang tên "Cảm xúc trong em". Tại cuộc thi Long đã giành giải đặc biệt và bức tranh được bán đấu giá 100 triệu đồng, ủng hộ một quỹ từ thiện cho trẻ em. Năm 2017, Long tiếp tục tham gia vẽ và bán tranh ủng hộ quỹ trẻ tự kỷ ở Trung tâm Văn hóa Pháp. Năm 2020 vừa qua, Trần Nam Long tham gia bán đấu giá bức ký họa đường phố Hà Nội dành ủng hộ Quỹ Chung tay phòng chống Covid của MTTQ.
5. Em Vũ Huy Bảo (học sinh lớp 6 trường THCS Nghĩa Tân, Hà Nội) đã nhặt được ví tiền trong đó có hơn 2 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều loại giấy tờ quan trọng và lập ức mang lên gặp các thầy cô trong ban giám hiệu nhà trưởng, để tìm cách trả lại cho người mất.
|
Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm, trực tuyến. |
Phát biểu tại buổi giao lưu, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Anh Đức cho biết: "Như thường lệ hàng chục năm nay, báo Kinh tế & Đô thị và Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội thường có hoạt động phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền về những tấm gương người tốt, việc tốt của Thủ đô Hà Nội.
Được sự thống nhất của Ban Thi đua Khen thưởng TP, Báo đã tiến hành chọn lọc và mời 5 đại biểu là những tấm gương người tốt, việc tốt điển hình trên địa bàn TP đến đây hôm nay để giao lưu với bạn đọc. Qua buổi giao lưu trực tuyến này, Ban Tổ chức muốn giới thiệu với bạn đọc, công chúng Thủ đô về những việc làm, gương người tốt, từ đó nhân lên những gương người tốt, hành động đẹp trong xã hội, cộng đồng.
Thay mặt Ban Tổ chức, chúng tôi xin gửi tới các tấm gương người tốt việc tốt và các đại biểu tham gia buổi giao lưu trực tuyến hôm nay có sức khỏe dồi dào và gặt hái những thành công mới".
Chia sẻ tại buổi giao lưu tọa đàm, ông Đinh Việt Thắng - Phó Trưởng Ban Thi đua Khen thường TP Hà Nội nhấn mạnh: Buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay diễn ra ra trong bối cảnh Hà Nội vừa tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025, qua đó đề ra nhiều mục tiêu nhằm xây dựng Thủ đô văn minh hiện đại trong 5 năm tiếp theo. Cần khẳng định, một trong những trụ cột để xây dựng Hà Nội văn minh - thanh lịch là phát triển xây dựng văn hóa ứng xử. Đáng mừng là trong những năm qua quá trình này đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
|
Ông Đinh Việt Thắng - Phó Trưởng Ban Thi đua Khen thường TP Hà Nội phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Ông Đinh Việt Thắng cho biết thêm, trong nhiều năm trở lại đây, phong trào người tốt - việc tốt được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nổi bật và đột phá trong việc xây dựng văn hóa của Hà Nội. 5 gương điển hình trong buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay gồm đủ giai tầng, độ tuổi, là bức tranh sinh động về hưởng ứng phong trào xây dựng văn hóa người Hà Nội văn minh.
Cũng thông qua sự kiện này, mong muốn những hình ảnh bình dị nhưng ý nghĩa trong đời thường được chia sẻ rộng rãi nằm nhân lên cũng như tiếp tục phát huy tinh thần làm việc có trách nhiệm với cộng đồng nhằm làm cho văn hóa người Hà Nội tỏa sáng.
KHÁCH MỜI THAM DỰ
-
Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân
Ông Nguyễn Tiến Thành
-
Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại ĐHM Việt Nam
Ông Đặng Đình Mạnh
-
Học sinh lớp 6 trường THCS Nghĩa Tân, Hà Nội
Em Vũ Huy Bảo
-
Học sinh lớp 7 khoa Khiếm thính – Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương
Em Trần Nam Long
-
Công dân phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội
Bà Phan Thị Bính
-
Phó Trưởng Ban Thi đua Khen thường TP Hà Nội
Ông Đinh Việt Thắng
Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Ngô Thị Mai (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi:
Anh có những dự định, hoạt động gì có thể hỗ trợ cho cộng đồng người khiếm thị?
Ông Nguyễn Tiến Thành trả lời:
Trong thời gian tới, tôi mong muốn làm tốt hơn công tác “truyền lửa” tới những người khiếm thị. Đó là tập hợp những người khiếm thị, tổ chức dạy chữ, dạy nghề, tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và Nhà nước; quan tâm hơn đời sống vật chất, tinh thần của các hội viên. Cùng đó, chúng tôi lên kế hoạch gắn kết những người có tấm lòng nhân ái, có việc làm tốt, để biết thêm về cộng đồng những người khiếm thị. Chúng tôi cũng muốn chia sẻ tới mọi người, việc người mù sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh thế nào, biết được nghị lực của những con người trong cuộc sống…
Bạn đọc Nguyễn Ngọc Linh (Quận Hà Đông, Hà Nội) hỏi:
Ông có cảm xúc gì khi nghe những chia sẻ của các khách mời tham gia buổi giao lưu ngày hôm nay?
Ông Đinh Việt Thắng trả lời:
Về trăn trở của các khách mời tham gia buổi giao lưu hôm nay, tôi cho rằng, đây cũng là một suy nghĩ của Ban Thi đua Khen thưởng TP với tư cách một cơ quan giúp việc cho UBND TP về công tác thi đua khen thưởng. Việc làm tốt tự thân nó có sức lan tỏa, còn hoạt động truyền thông chỉ là yếu tố gia tăng thêm, chứ cốt lõi vẫn là suy nghĩ, hành động, việc làm của mọi điển hình trong xã hôi. Thực tế Ban đã thực hiện tốt chức năng tham mưu TP công tác thi đua khen thưởng, phát hiện và đề xuất khen thưởng kịp thời những tấm gương trên các lĩnh vực. Vừa qua, UBND TP đã ban hành Quyết định 01 về quy chế thực hiện công tác phát hiện, nhân rộng, khen thưởng các gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến và phát hành sách “Những bông hoa đẹp”. Quy chế này được ban hành ngày 13/1/2020 là sự đúc kết từ thực tiễn, chắc chắn sẽ là công cụ cơ sở pháp lý tốt để các cấp các ngành phát huy, có trách nhiệm tạo điều kiện nhân lên những điển hình tốt, để chúng ta tiếp tục xây dựng một xã hội văn minh hiện đại và có văn hóa của người Hà Nội. Diễn đàn này chính là một hoạt động như vậy.
Giữa năm nay, báo Hà Nội mới cũng tổ chức một buổi giao lưu trực tuyến về các gương người tốt việc tốt và hôm nay Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức hoạt động này đã tạo một điểm nhấn tốt. TP sẽ tiếp tục làm nhiều công việc thế này. Những câu chuyện được các tấm gương chia sẻ hôm nay rất đáng quý, càng đặt ra trách nhiệm cho các cấp ngành làm tốt hơn việc phát hiện, tuyên truyền, tôn vinh, khen thưởng kịp thời những tấm gương điển hình, chắc chắn sẽ góp phần đẩy lùi những tiêu cực trong xã hội. Trước những việc làm như vậy, chúng ta càng có niềm tin về việc phát hiện nhân rộng được những tấm gương, bồi đắp thêm những giá trị tốt đẹp cho xã hội.
Bạn đọc Vương Thị Hòa (Quận Long Biên, Hà Nội) hỏi:
Làm thế nào để anh làm cho cộng đồng nói chung và nười Hà Nội nói riêng có nhiều người tham gia vào công tác xã hội thiện nguyện như anh?
Ông Đặng Đình Mạnh trả lời:
Tôi vẫn nghĩ, một hành động đẹp muốn lan tỏa thì bản thân chúng ta cần thường xuyên thực hiện hành động đó một cách chân tình, nhiệt tình nhất. Nhưng để nhiều người tham gia hành động đó, cũng cần sự giúp sức của cộng đồng, đặc biệt của những cơ quan báo chí và chính quyền để những hành động đó được lan tỏa, tuyên truyền, để mọi người nhìn thấy và học tập. Tôi sẽ tiếp tục làm những việc thiện nguyện đến khi nào không làm được nữa, dù là những việc nhỏ nhất.
Từ trước đến nay, tôi vẫn làm những chương trình như vậy nhưng không cho nhiều người biết. Thực tế tôi đã có những bức ảnh, thước phim ý nghĩa, được người thân khuyên nên tôi có chia sẻ lên facebook hay zalo cá nhân, nhưng khi đưa lên lại gỡ xuống vì cảm thấy rất ngại nhỡ đâu bị đánh giá là lợi dụng để pr cá nhân. Vì vậy, tôi rất mong các nhà báo, cơ quan liên quan có cách nào đó giúp những người có hoạt động thiện nguyện như chúng tôi có thể làm lan tỏa cho nhiều người biết đến.
Bạn đọc Trần Long (Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội) hỏi:
Được biết, ông đã tham gia tổ chức nhiều hoạt động cho các hội viên, trong đó có việc khởi xướng, mở lớp dạy nhảy Zumba cho các hội viên người mù. Là người khiếm thị thì việc học khiêu vũ vô cùng khó khăn. Phải chăng ông muốn nâng cao lòng tự tin, tạo ra hình ảnh người khiếm thị năng động, chủ động hòa nhập cộng đồng xã hội qua hoạt động này?
Ông Nguyễn Tiến Thành trả lời:
Đối với người khiếm thị, ngoài dạy chữ, dạy nghề để có kiến thức chuyên môn, tôi luôn mong muốn các hội viên Hội Người mù quận Thanh Xuân tiếp cận các bộ môn thể dục thể thao, đây là món ăn tinh thần không thể thiếu. Gặp nhau trong một chuyến đi thiện nguyện, tôi và huấn luyện viên dạy nhảy Zumba Hồ Thị Nhung cùng trăn trở, làm thế nào để người khiếm thị tăng cường rèn luyện thể thao nâng cao sức khỏe, vượt qua mặc cảm bệnh tật, hòa nhập cộng đồng.
Từ suy nghĩ này, một lớp học nhảy Zumba miễn phí dành cho hội viên Hội Người mù quận Thanh Xuân đã được tổ chức từ tháng 12/2019. Ban đầu, nhiều người còn mặc cảm, tự ti, nhưng chúng tôi đã xốc lại tinh thần cho mọi người. Sau 10 buổi tập, các hội viên đã nhảy theo được nhịp chuẩn xác, vượt qua được chính mình. Và đều đặn vào thứ Ba và thứ Năm hằng tuần, lớp học đã trở thành nơi sinh hoạt của các hội viên khiếm thị yêu thích điệu nhảy Zumba. Hội Người mù quận Thanh Xuân đã có câu lạc bộ Zumba, tham gia thi nhảy và đạt giải Nhất ở Cụm thi đua số 2 của Hội Người mù Hà Nội.
Bạn đọc Phạm Khánh Linh (Láng Hạ, HN) hỏi:
Với tài năng hội họa, dự định của Long sau này định làm gì, có tiếp tục vẽ tranh đóng góp cho các chương trình từ thiện nữa không?
Em Trần Nam Long trả lời:
Trong tương lai, con muốn trở thành thầy giáo, dạy ngôn ngữ ký hiệu cho những người gặp hoàn cảnh tương tự mình. Đồng thời, con vẫn nuôi ước mơ trở thành một họa sĩ.
Bạn đọc Nguyễn Hồng Thanh (hthanhnmm21@gmail.com) hỏi:
Với hành động rất đáng được biểu dương của Huy Bảo, chắc chắn sẽ truyền cảm hứng đến những em học sinh, để thực hiện được nhiều hơn những việc làm tốt, có ích cho cộng đồng. Vậy bản thân em, em đã bao giờ nghĩ, trong tương lai, mình sẽ làm nhiều việc tốt hơn nữa?
Em Vũ Huy Bảo trả lời:
Em rất xúc động về các câu chuyện đầy ý nghĩa em được nghe ngày hôm nay. Trong tương lai em sẽ cố gắng học tập tốt và phát huy những việc làm có ích cho xã hội như vậy.
|
Em Vũ Huy Bảo trả lời câu hỏi của bạn đọc. |
Bạn đọc Nguyễn Anh Tú (Minh Khai, Hà Nội) hỏi:
Dự định trong thời gian tới của bà ra sao, đặc biệt để tiếp tục lan tỏa những hành động đẹp trong cộng và hiện thực hóa những dự định của bà và nhóm thiện nguyện?
Bà Phan Thị Bính trả lời:
Thưa quý vị, khi tôi làm những việc như chuyến xe 0 đồng hay những việc làm thiện nguyện thì chỉ nghĩ đến giúp ích cho người nghèo khổ chứ không bao giờ nghĩ đến chuyện được khen thưởng hay ai ghi nhận. Nhưng khi được biết mình là Đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước của TP thì cũng cảm thấy rất vinh dự. Vinh dự không phải vì cá nhân mà tôi muốn thông qua việc đó có thể lan tỏa ra cộng đồng tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ mọi người.
Ngoài chuyến xe 0 đồng, chúng tôi còn tham gia nhóm phát cháo, cơm cho những người khó khăn; tổ chức chương trình mổ mắt từ thiện ở bệnh viện Mắt Hà Nội…
Bạn đọc Hoàng Minh Khôi (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) hỏi:
Từ trước đến nay, câu chuyện “của cho không bằng cách cho” vẫn là nỗi lo lắng, băn khoăn của rất nhiều nhà hảo tâm. Anh là người trực tiếp thực hiện những việc làm thiện nguyện, suy nghĩ thế nào về điều này?
Ông Đặng Đình Mạnh trả lời:
Tôi nghĩ, có thể người ta có nhiều thứ để cho đi, có những thức có giá trị nhiều hoặc ít, nhưng quan trọng chúng ta cho bằng cách nào, vào hoàn cảnh thời điểm nào và đúng tối tượng hay không, bằng tình cảm chân thành của mình hay không, thì mới có tác dụng. Khi người cho có thiện chí, bằng tinh thần giúp đỡ nhau, cởi mở, không phải xuất phát từ động cơ cá nhân thì dù mình cho 1.000 đồng hay 100 triệu đồng, người đón nhận sẽ rất hạnh phúc.
Thời điểm Covid-19 gần đây nhất, phần lớn người dân cho đi bằng tấm lòng, chỉ là nhằm cùng nhau chống dịch, tặng nhau những bữa ăn. Trong đó, có những người nấu 2 nồi cháo to chỉ có 1 con gà nhưng thực sự rất ấn tượng, bởi họ không có tiền nhưng rất đáng trân quý vì đó là sự động viên tinh thần kịp thời cho những người đang cần những bát cháo đó. Nếu người nào không hiểu sự xuất phát từ tình cảm như vậy sẽ đánh giá không tốt, nhưng những người hiểu sẽ thấy quý trọng, vì khả năng họ có vậy nhưng với mục đích tốt, tấm lòng đẹp muốn góp phần chống dịch thì khi làm việc đó họ thấy rất vui. Cũng thực tế, có những người dựa vào đợt này để tiến hành các hoạt động trao tặng nhằm pr cho cá nhân, truyền thông quảng cáo, như vậy sẽ làm cho người nhận bị tổn thương. Đó là hành động lợi dụng.
Cách cho là văn hóa ứng xử, thể hiện tấm lòng của con người Việt Nam. Đợt dịch Covid-19 vừa qua, khi tôi nấu cháo lần thứ nhất, tôi cũng chỉ biết gọi điện và đưa sang cho các y bác sỹ, chứ không báo với cá nhân hay tổ chức nào. Bình thường chúng tôi bán có 10 phần chất dinh dưỡng thì khi nấu cho các bác sỹ phải là 15 phần, vì tôi xác định đây là quà tặng nên phải làm thật tốt, nếu không cẩn thận sẽ hại người ta. Đây vốn là dự án được tôi suy nghĩ rất kỹ, vì tôi là trẻ mồ côi môi, muốn tặng các cốc cháo cho bệnh nhân của các bệnh viện, nhưng khi Covid-19 đến, tôi chuyển sang nấu cháo ủng hộ các bác sỹ để chống dịch. Cứ 7-10 ngày, tôi dành mấy tiếng đồng hồ để trực tiếp nấu cháo ủng hộ các bác sỹ, cẩn thận hơn cả việc nấu cháo bán lấy tiền, bởi đã xác định mang đi tặng thì phải bằng tấm lòng. Khi các bác sỹ ăn cháo và kể với nhau thì các báo đài mới biết, đến đưa tin, chụp ảnh, ghi hình…
Tôi luôn nghĩ, nếu lợi dụng các chương trình từ thiện để pr cho bản thân, kinh doanh trên khó khăn của người khác thì là mình có lỗi. Cha ông đã nói, đúng là “của cho không bằng cách cho”, có khi người dân chỉ cho đi 1-200 nghìn đồng nhưng có giá trị hơn cả tiền tỷ.
Bạn đọc Phạm Thu Hà (Quận Hà Đông) hỏi:
Xe cấp cứu miễn phí đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2018, đến thời điểm này, nhóm thiện nguyện của bà đã thực hiện được bao nhiêu chuyến xe đưa bệnh nhân miễn phí từ Hà Nội về các tỉnh? Những khó khăn mà nhóm thường gặp phải trong quá trình hoạt động? Bà có thể chia sẻ một vài kỷ niệm sâu sắc của mình?
Bà Phan Thị Bính trả lời:
Hoạt động được 2 năm, tính đến nay chúng tôi đã thực hiện được khoảng 500 chuyến đi để giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh rất khó khăn, bệnh nặng, chủ yếu là người dân tộc.
Mỗi một bệnh nhân lại có một hoàn cảnh khác nhau. Chúng tôi đã từng đưa một trường hợp cháu bé bị ung thư xương đang điều trị tại Bệnh viện 108 về quê miền núi Thanh Hóa. Vì thời điểm đó vào ngày 28 Tết nên đường đi lại rất khó khăn, phải mất nhiều giờ đồng hồ chúng tôi mới có thể đưa được em về quê. Nhưng khi đến nơi thì tôi thấy bố cháu cũng không cử động được bình thường, mẹ cháu thần kinh cũng không bình thường. 28 Tết rồi mà nhà cửa không có gì cả, nhìn rất xót thương…
Hay một trường hợp khác có một cháu bé ở Cao Bằng, mẹ đã mất, bố cũng chỉ sống được vài giờ đồng hồ nữa nên cháu có nguyện vọng được chúng tôi giúp đỡ để đưa bố cháu về quê. Vì quê cháu trên miền núi nên đường đi rất khó khăn. Tôi nhớ mãi ánh mắt của bố cháu khi được đưa từ cáng lên giường nhà đã biểu hiện lòng cảm ơn thế nào. Tôi cũng được biết rằng sau khi chúng tôi rời khỏi TP Cao Bằng, bố cháu bé đã ra đi…
Bạn đọc Nguyễn Minh Thư (Quận Hà Đông, Hà Nội) hỏi:
Bố mẹ không phải người Hà Nội, Long cũng không sinh ra ở Hà Nội. Vậy tại sao Long lại dành nhiều tình cảm và cảm xúc về Hà Nội trong các bức tranh và các dự án nghệ thuật mà em tham gia?
Em Trần Nam Long trả lời:
|
Hai mẹ con em Trần Nam Long cùng tham gia buổi giao lưu. |
Con tuy không phải người Hà Nội, nhưng cả nhà con đã chuyển đến và sinh sống ở Thủ đô từ lâu. Mỗi lần được mẹ chở đi học, đi dạo thăm phố phường, con cảm thấy không khí rất thoải mái, khiến con muốn vẽ những bức tranh về đường phố Hà Nội. Con rất yêu Hà Nội.
Bạn đọc Nguyễn Tiến Lực (Giảng Võ, Hà Nội) hỏi:
Ông là người đưa ra ý tưởng tổ chức đám cưới tập thể cho các cặp vợ chồng khiếm thị trên địa bàn Hà Nội, ông muốn chuyển tải thông điệp gì trong cuộc sống, cộng đồng người khiếm thị? Quá trình thực hiện, ông có gặp khó khăn gì không?
Ông Nguyễn Tiến Thành trả lời:
Tham gia hội người mù cùng những người đồng tật, tôi thấy nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn, có những người ước mong được một lần mặc áo cưới lên xe hoa. Tuy nhiên, do định kiến xã hội, các cặp đôi đến với nhau chủ yếu vì tình thương, tình cảm, đôi khi lấy nhau chỉ có mâm cơm đơn giản, cuộc sống vô cùng giản đơn.
Trăn trở với các hoàn cảnh đó, khi tham gia các chuyến thiện nguyện, tôi đã chia sẻ với các nhà tài trợ về mong ước, ước mơ được một lần mặc áo cưới của một số hội viên người mù. Đồng thời, vận động các cô bác, anh chị tham gia vào đám cưới tập thể, có bác hơn 70 tuổi, có cặp đôi ở độ tuổi 24. Phần lớn những người khiếm thị cảm thấy tự ti nên chúng tôi phải vận động, thuyết phục, gỡ bỏ những mặc cảm.
|
Ông Nguyễn Tiến Thành trả lời câu hỏi của độc giả. |
Với sự hỗ trợ, đồng hành của Trung tâm tiệc cưới Sapphire cùng các nhà tài trợ, đám cưới tập thể dành cho 21 cặp vợ chồng khiếm thị đã trở thành hiện thực, được tổ chức vào tháng 11/2019. Đây là điều mà chúng tôi muốn gửi gắm, khi mình có ước mơ, không có gì là không thể.
Bạn đọc Nguyễn Văn Trọng (Hà Đông, Hà Nội) hỏi:
Bảo có thể chia sẻ cho quý vị và bạn đọc một chút về bản thân em. Và em có nhớ cảm xúc của em lúc nhặt được chiếc ví, cũng như khi trả lại cho người mất như thế nào?
Em Vũ Huy Bảo trả lời:
Bởi vì ở nhà bố mẹ ông bà em thường dạy không phải của mình thì ko được lấy, muốn sử dụng cái gì của người khác thì phải hỏi người lớn. Lúc đó em có suy nghĩa rằng chiếc ví không phải của mình thì em muốn trả lại vì người bị mất chắc chắn sẽ cần hơn mình.
Bạn đọc Phạm Hương (Minh Khai, Hà Nội) hỏi:
Điều kiện gia đình khó khăn, đang phải thuê nhà, bố mất, mẹ đi làm giúp việc để lo cuộc sống hàng ngày, Long vẫn tham gia các chương trình vẽ tranh ủng hộ các chương trình từ thiện, suy nghĩ nào thúc đẩy em đến với những hoạt động thiện nguyện ấy?
Em Trần Nam Long trả lời:
Con biết gia đình mình khó khăn, nhưng nhiều người khác cũng đang rất khó khăn. Ví dụ như các bạn ở miền núi không được đi học, hay nhiều gia đình có người bị bệnh nặng nhưng không thể đi khám vì không có tiền. Do đó, con muốn tham gia chương trình thiện nguyện để ủng hộ, góp một chút ít công sức của mình.
Bạn đọc Dương Kiều My (Long Biên, Hà Nội) hỏi:
Thưa anh Đặng Đình Mạnh, trong những ngày cả nước chung tay chống giặc Covid-19, thật xúc động khi anh đã không quản ngại ngày đêm miệt mài nấu và tận tay mang những cốc cháo cá, những suất cơm đến các bệnh viện, tiếp sức tiền tuyến chống giặc Covid-19. Anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi anh trực tiếp mang những cốc cháo đến tặng các y bác sĩ? Động lực nào khiến anh có suy nghĩ và hành động cao đẹp đến như vậy?
Ông Đặng Đình Mạnh trả lời:
Vừa qua, chúng tôi có nấu những cốc cháo tặng những bác sĩ tuyến đầu chống dịch, dù là điều rất nhỏ nhưng có lý do: Tôi từ nhỏ đã mất ba, rất cần tình cảm, sự động viên. Công ty, tổ chức của tôi đã tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh rất khó khăn. Khi Covid-19 diễn ra, tôi nhìn cảnh người thân không được gặp nhau, bố mẹ và con cái không được gặp nhau do phải tránh lây nhiễm; cán bộ nhân viên của nhiều doanh nghiệp mất việc, không có thu nhập cho bản thân và giúp đỡ mọi người. Việt Nam có một số bệnh nhân do nhiều nguyên nhân đã mất…
|
Ông Đặng Đình Mạnh trả lời câu hỏi của độc giả. |
Như vậy, Covid-19 làm chia cách mọi người, làm ảnh hưởng nền kinh tế, làm chết người…, là loại dịch bệnh rất nguy hiểm. Cá nhân tôi sinh sống ở Thủ đô - trái tim của cả nước, cần nêu cao những tấm gương về chống dịch. Có những người ở nhà theo lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước cũng là tham gia chống dịch; chúng ta không dập dịch thì dịch sẽ dập chúng ta.
Từ suy nghĩ đó, tôi đã rất trăn trở, bàn với CBCNV Công ty hưởng ứng lời kêu toàn dân chống dịch của Đảng, Nhà nước. Tôi không phải bác sĩ, nhưng muốn cùng những lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch như công an, bác sĩ, các nhà báo phóng viên muốn góp sức nhỏ bé của mình, nên đã tuyết định cùng CBCNV triển khai nấu những cốc cháo mang vào tặng các y bác sĩ. Đó là cốc cháo dù rất nhỏ bé nhưng có ý nghĩa sẽ tiếp sức tinh thần cho họ, bởi thực tế họ ở tuyến đầu chống dịch rất dũng cảm nhưng thực sự cũng rất lo sợ, nên cần sự động viên tinh thần.
Bạn đọc Hoàng Minh Tuấn (Láng Hạ, HN) hỏi:
Thưa bà, được biết dù kinh tế gia đình không khá giả, nhưng bà vẫn quyết tâm tự bỏ tiền túi mua xe cứu thương để phục vụ bệnh nhân nghèo. Vì sao bà lại có ý định mua xe cấp cứu để vận chuyển bệnh nhân miễn phí như vậy?
Bà Phan Thị Bính trả lời:
Thưa bạn đọc của báo Kinh tế & Đô thị, có nhiều người hỏi tôi rằng vì sao tôi tuổi đã cao mà vẫn bỏ tiền ra mua xe cấp cứu để làm các chuyến xe không đồng. Tôi đã từng chứng kiến các hoàn cảnh vô cùng xót xa như trường hợp bệnh nhi 6 tháng tuổi vì gặp cản trở nên đã không kịp thời gian đến chữa bệnh, cũng vì thế mà đã mất trên đường. Hay có trường hợp người anh trai phải bọc thân thể của em gái mình đã mất bằng chiếu về quê vì không có tiền thuê xe… Những trường hợp đó khiến đã thôi thúc tôi muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ những hoàn cảnh rất khó khăn tương tự như vậy.
|
Bà Phan Thị Bính giao lưu cùng với độc giả. |
Thực ra mua xe cứu thương không khó, nhưng tôi lo nhất là do tuổi đã cao nên không thể tự lái xe. Vì vậy, tôi đã tìm cách tìm những người vẫn đủ sức khỏe, có khả năng lái xe, đủ tấm lòng để giúp tôi thực hiện mong muốn này.
Năm 2016, tôi vào An Giang học tập mô hình chiếc xe chuyển bệnh trong đó. Đến 2018 mong muốn của tôi đã trở thành hiện thực và từ đó đến nay, các chuyến xe vẫn được thực hiện. Quan điểm của tôi là cho dù tôi không còn nữa, nhưng những người làm chuyến xe 0 đồng này tuyệt đối không được lấy của người nhà bệnh nhân một đồng nào.