Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/12, nhằm hướng đến việc xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội”.

Tham dự buổi Tọa đàm có:

Ông Ngô Văn Nam - Trưởng Phòng Nếp sống và Gia đình - Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội

Ông Trần Ngọc Minh - Phó Trưởng phòng quản lý nhà và bất động sản Sở Xây dựng Hà Nội

GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng T.Ư Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Bà Trần Hải Yến - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy)

Ông Trần Anh Tuấn - Trưởng Ban quản trị khu chung cư Golden land building (275 Nguyễn Trãi, Hà Nội)

Ông Trần Thanh Phúc - Tổ trưởng tổ dân phố số 6, khu đô thị Dream Town (phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Chi bộ 28 thuộc khu chung cư tổ 40 và 41 (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)

 Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế&Đô thị Lại Bá Hà phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà cho biết: "Hà Nội đang có tốc đô thị hóa nhanh, các khu chung cư mới cao vài chục tầng lấn át hình ảnh tập thể chỉ vài ba tầng. Số lượng cư dân ở các khu nhà cao tầng cũng vì thế ngày càng đông lên. Sống ở chung cư có thể nói là một lối sống phù hợp với xu hướng phát triển của quá trình đô thị hóa ngày nay, đặc biệt là với những cặp vợ chồng trẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mà tại các tòa chung cư mang lại, hiện nay nếp sống, các tiện ích ấy vẫn còn nhiều bất cập, bởi ở đó mỗi gia đình, mỗi khu chung cư hoạt động theo kiểu mỗi người một phách.
Trong những năm vừa qua Hà Nội liên tiếp ban hành các chương trình về ứng xử, văn hóa, văn minh thanh lịch đô thị cũng như ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử văn hóa thanh lịch, tuy nhiên tại Hà Nội vẫn xảy ra những tranh chấp, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư, ban quản trị tòa nhà và cư dân dẫn đến có các diễn đàn, mạng xã hội nói xấu về khu chung cư,...
Hiện nay, cuộc sống càng phát triển hơn thì ứng xử với nhau dường không được như trước đây, có phần đi xuống... Đây là một vấn đề rất lớn, trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, Báo mong muốn xới xáo nội dung xây dựng văn hóa khu chung cư, để các khách mời tham gia góp ý xây dựng đời sống văn minh, hiện đại trong các khu chung cư nói riêng, xây dựng Hà Nội văn minh, thanh lịch nói chung".
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở VH&TT Hà Nội Ngô Văn Nam

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở VH&TT Hà Nội Ngô Văn Nam cho biết: “Văn hóa là một vấn đề được sự quan tâm của lãnh đạo TP Hà Nội. 2 bộ Quy tắc ứng xử (QTUX) đã được TP Hà Nội quan tâm xây dựng dự thảo từ năm 2012. Đến năm 2017, 2 bộ QTUX chính thức được ban hành và có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Vừa qua, lãnh đạo TP rất quan tâm trong việc chỉ đạo cơ quan tham mưu là Sở VH&TT hoàn thiện, ban hành 2 bộ QTUX. Một là trong khối các cơ quan TP, dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại các cơ quan của TP, trong cả hệ thống chính trị và một bộ quy tắc ứng xử tại nơi công cộng.

Đối với cán bộ công chức phải thực hiện cả 2 bộ QTUX trong cơ quan và ra nơi công cộng (phải gương mẫu chấp hành). Đối với nhân dân thực hiện bộ QTUX ở nơi công cộng. Trong QTUX trong cơ quan có phần áp dụng cho các khu chung cư. Buổi Tọa đàm hôm nay có 2 mối quan hệ, mối quan hệ trực tiếp là của cư dân với cơ quan quản lý các khu chung cư, mối quan hệ thứ 2 là giữa cư dân với nhau. Trong đó, mối quan hệ giữa cư dân với nhau không phải vấn đề nóng, vấn đề bức xúc, chủ yếu là công tác đấu tranh giữa người cư dân ở chung cư với chủ đầu tư, ban quản lý.

Lãnh đạo TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, ban hành 2 bộ QTUX bao trùm toàn xã hội. Trong công tác chỉ đạo của lãnh đạo TP, chưa bao giờ quán triệt mạnh mẽ như vậy. Trong các hội nghị Thành ủy, lãnh đạo chủ chốt TP đều quán triệt các CBCC chấp hành QTUX trong cơ quan và triển khai ở nơi công cộng.

Ứng xử trong khu chung cư là vấn đề trực tiếp được đồng chí Bí thư thành ủy Hà Nội đã nêu ra và yêu cầu Sở VH&TT Hà Nội phải có giải pháp, cách thức điều chỉnh, hướng dẫn ứng xử trong khu chung cư vì có khu chung cư tập trung cư dân, tương đương với số dân ở một phường, thành phần phức tạp (thuê và ở tạm). Ở chung cư có không gian chung, điều kiện sinh hoạt chung, nhất là phí bảo trì quản lý như thế nào”.

Cần có sổ tay chung cư nêu quyền lợi, trách nhiệm nghĩa vụ, ứng xử

Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình - Sở VH&TT Hà Nội Ngô Văn Nam cho biết: Buổi Tọa đàm "Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư trên địa bàn TP Hà Nội" do báo KT&ĐT tổ chức hôm nay rất hữu ích. Tôi đã được nghe và tiếp nhận nhiều thông tin của các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí quản lý trực tiếp ở khu chung cư và chính quyền địa phương. Các ý kiến đó rất quan trọng góp ý với ngành văn hóa trong việc xây dựng văn hóa nói chung và văn hóa ứng xử tại chung cư nói riêng.

Ở các khu chung cư, văn hóa ứng xử cơ bản tốt, không đến mức báo động. "Khi một người chuyển nhà đến ở, họ sẽ nghe ngóng tình hình thế nào để "nhập gia tùy tục", không đến mức phá quấy. Chỉ có mối quan hệ giữa cư dân và Ban Quản trị còn mâu thuẫn, người dân không hiểu quy định, chủ đầu tư lợi dụng sự không hiểu biết của người dân để chiếm dụng phần lợi ích lẽ ra cư dân được hưởng" - ông Ngô Văn Nam phân tích.

Về việc biểu tình tại chung cư, ở góc độ là những người làm văn hóa bản thân rất xót xa. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác quản lý Nhà nước, hướng dẫn của cơ quan quản lý về các quy định. "Hiện nay, sổ tay cư dân chỉ dành cho cư dân có lợi cho ban quản trị nhưng những điều cần biết, nên biết với người ở chung cư lại không có. Do vậy, ý kiến của các chuyên gia về việc có sổ tay chung cư nêu rõ quyền lợi, trách nhiệm nghĩa vụ, ứng xử tại chung cư thế nào là gợi ý hay, sau này chúng ta có thể sử dụng làm ý tưởng sáng tạo để phổ biến toàn bộ với cư dân ở chung cư" - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình nói.

Về trách nhiệm của Sở VH&TT, đơn vị đã xây dựng các mô hình văn hóa để áp dụng vào các khu dân cư. Sau khi được TP phê duyệt, Sở VH&TT sẽ đưa về các khu chung cư. Hiện nay, mô hình này đã phát triển ở các khu chung cư gồm các CLB bóng chuyền, bóng hơi, yoga... nhân những ngày lễ 8/3, 20/10 tổ chức rất tốt.

"Về quy tắc ứng xử cho khu chung cư có thể chưa làm ngay, nhưng chúng ta cần có sổ tay có tiêu chí, tiêu chuẩn chung của những người ở chung cư. Còn trong bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng đã có nội dung về quy tắc ứng xử trong toàn xã hội. Ví dụ như đi nhẹ, nói khẽ, không gây ồn ào. Sở VH&TT đã hướng dẫn đóng biển ở các khu chung cư, khu vui chơi và niêm yết trong thang máy" - ông Ngô Văn Nam nhấn mạnh.

KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 3

    Chánh văn phòng T.Ư Hội Kiến trúc sư Việt Nam

    KTS Phạm Thanh Tùng

  • Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 4

    Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

    GS Đặng Hùng Võ

  • Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 5

    Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy)

    Bà Trần Hải Yến

  • Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 6

    Trưởng Ban quản trị khu chung cư Golden land building (275 Nguyễn Trãi, Hà Nội)

    Ông Trần Anh Tuấn

  • Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 7

    Tổ trưởng tổ dân phố số 6, khu đô thị Dream Town (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm)

    Ông Trần Thanh Phúc

  • Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 8

    Bí thư Chi bộ 28 thuộc khu chung cư tổ 40 và 41 Yên Hòa, quận Cầu Giấy

    Ông Nguyễn Xuân Thắng

  • Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 9

    Trưởng Phòng Nếp sống và Gia đình - Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội

    Ông Ngô Văn Nam

  • Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 10

    Phó Trưởng phòng quản lý nhà và bất động sản Sở Xây dựng Hà Nội

    Ông Trần Ngọc Minh

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Phương Kiến Linh (Quận Hoàng Mai) hỏi:

Đề xuất sửa đổi các quy định về Luật và thông tư để đảm bảo sự chặt chẽ của dự án từ khâu mới bắt đầu xây dựng, cũng là cơ sở để đại diện các khu dân cư, Ban quản trị đòi hỏi quyền lợi cho người dân?

Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 11
Ông Trần Ngọc Minh trả lời:
Trước hết xin chia sẻ ý kiến về những thắc mắc của các đại biểu liên quan đến vấn đề chủ đầu tư thường sử dụng tiếng Anh cho tên chung cư điều này gây ra tình trạng người dân không đọc được. Tôi khẳng định, việc đặt tên của các khu đô thị, chung cư đều đã có quy định cụ thể về việc ưu tiên sử dụng chữ tiếng Việt. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc sử dụng tiếng Anh cho tên các tòa chung cư là do chủ đầu tư ban đầu muốn lăng xê. Sắp tới, chính quyền TP sẽ có những hướng dẫn cụ thể để có chế tài đối với chủ đầu tư trong quá trình đăng ký tên chung cư.
Đối với vấn đề sử dụng quỹ đất chung và riêng tại các khu chung cư, tôi cho rằng, việc vì sao trong thời gian vừa qua xảy ra tình trạng nhiều khu chung cư không đảm bảo được cơ sở vật chất tại quỹ đất chung và riêng.
Thứ nhất, do chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm tới lợi ích của người dân, điều này gây ra việc các cơ sở vật chất này hoàn thiện khá chậm.
Thứ hai, chủ đầu tư tự điều chỉnh quy hoạch một số diện tích đất không theo quy định ban đầu, điều này làm giảm diện tích quỹ đất chung và riêng.
Thứ 3, chủ đầu tư lợi dụng những diện tích này vào những mục đích riêng.
Còn những vấn đề liên quan tới lối ứng xử còn hạn chế của người dân tại các khu chung cư. Tôi cho rằng, ý thức của người dân trong việc tuân thủ quy định không được đảm bảo. Như vậy, cần tăng cường việc tuyên truyền cho cư dân ứng xử văn hóa.
Một vấn đề quan trọng trong việc gây ra những mâu thuẫn trong khu dân cư là vấn đề quỹ bảo trì, sắp tới, chính quyền TP sẽ đưa vào trong dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, sửa đổi luật liên quan đến quỹ bảo trì. Trong đó, có những vấn đề liên quan tới việc chế tài và xử lý ban quản trị khi xảy ra vi phạm, tôi cho rằng, cần có những kiến nghị cụ thể về những quy định về tiêu chuẩn và chế tài đối với ban quản trị. Đồng thời, kiến nghị sửa một số điểm, bao gồm như việc tổ chức hội nghị tòa nhà chung cư, cần tăng cường việc người dân cần tham gia đẩy đủ các hội nghị, điều này đảm bảo quyền lợi của người dân.
Tôi cho rằng, thứ nhất cần tăng cường việc tuyên truyền và vận động chính sách pháp luật đối với cư dân tại các khu chung cư. Thứ 2, tăng cường công tác quản lý nhà nước. Thứ 3, sửa một số quy định, thông tư và hướng dẫn... làm sao để người dân dễ hiểu.
Bạn đọc Nguyễn Thị Phương (Quận Hai Bà Trưng) hỏi:
Nên chăng phải có 1 bộ quy tắc ứng xử riêng cho các khu chung cư?
Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 12
KTS Phạm Thanh Tùng trả lời:
Theo tôi, các khu chung cư mới được xây dựng bây giờ cơ sở vật chất khá tốt, rộng rãi, nên rất dễ tạo ra nếp sống văn hóa mới trong khu dân cư. Tuy hiện nay còn nhiều vấn đề vướng mắc nhưng việc làm này không phải không làm được. Trong đó, tôi đánh giá quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân.
Cần có 1 bộ quy tắc ứng xử tại khu đô thị, phát cho những hộ dân khi họ chuyển về sinh sống. Đó là chuẩn quy tắc chung của khu dân cư mà mọi người phải có trách nhiệm tuân theo.
Bên cạnh đó, để tránh các xung đột giữa cư dân và chủ đầu tư, ngay từ trong luật, quy định của cơ quan quản lý nhà nước phải phân định rõ, làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư. Ví dụ như khái niệm, bảo trì và bảo hành, trách nhiệm của chủ đầu tư trong vấn đề này cụ thể như thế nào?...
Tiếp đó, Ban quản trị chung cư phải được tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, có trả thù lao, và phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của cư dân.
Vừa qua, tôi có 1 cuộc trao đổi với đại diện Ban quản lý các tòa chung cư của Tập đoàn VinGroup. Tại sao các khu như: TimesCity, Royal City họ quản lý tốt như vậy? Qua câu chuyện có thể thấy, họ không quản lý trực tiếp mà thuê các đơn vị quản lý chuyên nghiệp, nên chăng các khu đô thị của chúng ta học tập và hướng tới mô hình quản lý hiện đại như vậy.
Bạn đọc Trương Minh Hoàng (Quận Cầu Giấy) hỏi:
Vì sao thành lập ban quản trị lại khó khăn đến vậy?
Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 13
Bà Trần Hải Yến trả lời:
Phường Yên Hòa có diện tích 206ha, nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy. Phường có 22 tòa nhà chung cư cao tầng, trong đó có 17 tòa đã thành lập được ban quản trị và có các nhà sinh hoạt cộng đồng theo quy định.
Số còn lại là do các tòa chung cư mới, sẽ tiến hành thành lập ban quản trị trong thời gian tới. Cá nhân tôi nhận thấy buổi tọa đàm do báo Kinh tế & Đô thị hôm nay tổ chức mời các nhà khoa học và các cơ quan quản lý, đặc biệt là các ý kiến vừa thảo luận rất cụ thể và thiết thực.
Bà Trần Thị Hải Yến phát biểu tại buổi tọa đàm.
Về vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong giải quyết các mâu thuẫn, chúng tôi đã rất tích cực, lắng nghe tiếng nói của những người đại diện cho dân cư để tìm những giải pháp phù hợp nhất. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc.
Về phòng sinh hoạt cộng đồng, văn bản pháp luật đã quy định rất rõ ràng về diện tích của phòng sinh hoạt cộng đồng. Với phường Yên Hòa thì hiện nay nội dung đó được thực hiện cơ bản đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Về khoản phí bảo trì 2%, tôi có kiến nghị nên chăng là sau khi tài khoản được mở tại ngân hàng, thì ngân hàng có trách nhiệm đảm bảo quản lý để đại diện theo pháp luật của cư dân sử dụng một cách công khai minh bạch, không nên chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư để tránh mâu thuẫn.
Về hợp đồng giữa người dân và chủ đầu tư, cần có cơ quan độc lập để kiểm định nội dung hợp đồng này, đảm bảo trách nhiệm của chủ đầu tư và quyền lợi của người mua.
Về vấn đề thành lập ban quản trị chung cư, chính quyền địa phương gặp khó khăn khi người dân chưa thực sự vào cuộc để bầu ra người đại diện cho cư dân, đến họp không đủ số lượng theo quy định. Quy định về chung một khối đế thì chung một ban quản trị đối với những chung cư lớn thì chưa phù hợp do nhiệm vụ của ban quản trị nặng nề. Nhiều tòa nhà trong khu dân cư chưa thành lập được tổ dân phố do có những khó khăn về số lượng cư dân. Yêu cầu phải đảm bảo 500 hộ trở lên nên phải ghép với các khu dân cư thấp tầng, dân cư cũ. Việc tổ chức các hoạt động của tổ gặp nhiều hạn chế.
Thực hiện các quyết định của UBND TP về ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử, UBND phường đã thực hiện tuyên truyền nội dung của 2 bộ quy tắc đến toàn bộ người dân và các đơn vị trường học trên toàn phường. Tổ chức hội nghị, tọa đàm tại từng tổ dân phố, phát tờ rơi, tờ gấp tại buổi tọa đàm và gửi về trực tiếp từng hộ gia đình. Dựng các pano tuyên truyền về nội dung của quy tắc tại các khu vực di tích, nơi công cộng, các nhà sinh hoạt cộng đồng và trung tâm văn hóa thể thao của phường. Hàng tuần tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của phường.
Cần tập trung nâng cao ý thức xã hội của mỗi công dân sau khi 2 bộ quy tắc được ban hành đã có những thay đổi tuy nhiên trong thời gian tới vẫn cần bàn những biện pháp, giải pháp để xử lý tình trạng thường xuyên vi phạm các nội dung của quy tắc để đảm bảo quy tắc có hiệu quả trong đời sống xã hội.
Để tháo gỡ những khó khăn bất cập trong công tác quản lý nhà chung cư trong thời gian tới, chính quyền phường sẽ tích cực vào cuộc lắng nghe ý kiến của cư dân, kịp thời trao đổi và phối hợp, yêu cầu chủ đầu tư trao đổi, làm việc cùng với ban quản trị để tìm tiếng nói chung, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn phường.
Bạn đọc Nguyễn Minh Chuyên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi:
Vấn đề văn hóa chung cư muôn hình vạn trạng, người đến ở chung cư cũng thuộc rất nhiều thành phần. Ông có thể chia sẻ những câu chuyện còn bức bối trong nếp sống chung cư?
Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 15
Ông Trần Thanh Phúc trả lời:
Khu dân cư của chúng tôi có tính chất kết nối cộng đồng cao. Chúng tôi vẫn thường đến nhà nhau chơi, nhưng một số đối tượng lại ý thức rất kém. Nhiều người lớn tuổi rồi nhưng vẫn nói bậy, tại nhiều hộ dân chưa có ý thức để giày dép gọn trước cửa. Tình trạng nuôi chó mèo tại khu dân cư cũng là vấn đề rất bức xúc trong cư dân.
Bên cạnh đó, mặc dù trình độ dân trí của cư dân ở mức cao nhưng ý thức tham gia các cuộc họp của tổ dân phố lại rất thấp. Đây cũng là vấn đề rất đau đầu của chúng tôi. Nhiều cuộc họp chỉ có 30 - 50 hộ đi họp.
Theo tôi, cần phải chấm điểm các đảng viên hai chiều, các tổ chức như hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh cũng nên có những hoạt động chuyên đề về văn hóa ứng xử. Phải bằng nhiều hình thức tuyên truyền mới đưa được văn hóa ứng xử vào cư dân.
Bạn đọc Kinh tế & Đô thị (ktdtonline@gmail.com) hỏi:
Kiến nghị của của các Chung cư trong đề xuất sửa đổi các quy định gì về Luật và thông tư để đảm bảo sự chặt chẽ của dự án từ khâu mới bắt đầu khởi xây dựng để đảm bảo quyền lợi cho người dân?
Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 16
Ông Trần Thanh Phúc trả lời:
Hiện nay, BQT CT3 của chúng tôi theo quy định có một vị Phó BQT là chủ đầu tư, song trưởng BQT không đồng ý cho Phó BQT là đồng chủ tài khoản quỹ bảo trì. Mặc dù Chủ đầu tư có nhiều khu vực sử dụng chung cùng với tòa CT3 nhưng không đóng góp vào quỹ bảo trì. Theo tôi, TP cần có những quy định cụ thể về vấn đề này.
Ông Trần Anh Tuấn - Ban quản trị Cụm nhà Chung cư Golden Land 275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân
Theo tôi, TP cần có chế tài nghiêm minh về việc xử lý cho lấy căn hộ chung cư ra cho thuê. Như chung cư chúng tôi có khoảng 14% căn hộ là cho thuê. Đây là vấn đề rất bức xúc trong dân. Như trong trường hợp giờ cao điểm, chính các văn phòng thuê gây ách tắc thang máy. Các văn phòng cho thuê cũng không có ý thức, hút thuốc lá, vứt rác bừa bãi…

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Chi bộ 28 thuộc khu chung cư tổ 40 và 41 (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội)

Văn bản pháp luật của sở, ngành về đảm bảo quyền lợi cho cư dân đã quy định chi tiết, tuy nhiên cần có chế tài xử phạt cụ thể. Về phía chủ đầu tư, cần công khai minh bạch để ban quản trị có thể hoạt động tốt.
Bạn đọc Nguyễn Thu Hương (Quận Đống Đa, Hà Nội) hỏi:
Theo đánh giá của các chuyên gia, để xảy ra những vấn đề nổi cổm này ngoài nguyên nhân tận thu kinh tế của chủ đầu tư, còn vì chế tài quản lý và vận hành các khu đô thị của Việt Nam chưa chặt chẽ. Phải chăng Luật đang đi sau sự phát triển nóng của các khu đô thị?
Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 17
GS Đặng Hùng Võ trả lời:
Tôi cho rằng bất cập hiện nay khá lớn, đúng là pháp luật về chung cư đã có nhiều cải thiện nhưng chưa đủ, khi các nước còn có hẳn bộ luật về chưng cư. Tuy nhiên, đây chỉ là một yếu tố.
 GS Đặng Hùng Võ phát biểu tại buổi tọa đàm.
Tôi khẳng định yếu tố về khuôn mẫu văn hoá và đạo đức trong cộng đồng là rất quan trọng, để làm sao người dân thấy xấu hổ khi không thực hiện bộ quy tắc ứng xử. Hiện nay, các nước đều chấm điểm việc người dân tham gia hoạt động cộng đồng, cụ thể là qua từng vụ việc, khuôn mẫu cụ thể.
Với cách thức này, Việt nam có thể chấm điểm với chủ đầu tư dự án, bên cạnh các khung pháp luật có sẵn thì chúng ta có thể chấm điểm về khuôn mẫu và văn hoá của người chủ đầu tư. Tức khắc điều này sẽ xác định vị thế chủ đầu tư trên thị trường.
Cũng như vậy, việc chấm điểm có thể áp dụng với ban quản trị của nhà chung cư hay từng hộ dân. Nếu kết quả xuống một mức thấp nhất định thì sẽ giải tán ban quản trị để bầu lại.
Hiện nay với từng hộ gia định trong nhà chung cư thì chúng ta chỉ phong gia đình văn hoá. Tôi nghĩ rằng điều này không đạt được hiệu quả mà chúng ta cần. Chúng ta cần chấm điểm theo nhiều thang bậc để xem văn hoá của từng hộ ở mức rất cao hoặc rất thấp. Nếu bị chấm điểm thấp thì hộ gia định đó sẽ cảm thấy rất xấu hổ và phải cải thiện cung cách ứng xử. Đây là việc rất cần thiết và là thông lệ quốc tế, nhưng hiện nay ở Việt Nam chúng ta phải hình thành khung cụ thể để chấm điểm, từ chủ đầu tư, ban quản lý, đến hộ gia đình, và sau đó là công bố kết quả trên mạng.
Tôi thấy ở các trường đại học cũng đang cho sinh viên chấm điểm thầy cô. Thì tới đây, khi đã có quy tắc ứng xử, việc tiếp theo là chúng ta cần khuôn mẫu và cách thức công khai kết quả chấm điểm. Ai kém sẽ phải tự sửa và không làm những hành vi xấu nữa. 

Bạn đọc Nguyễn Hoàng Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) hỏi:
Những khó khăn trong thành lập ban quản trị? Kinh nghiệm xử lý tranh chấp?
Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 19
Ông Nguyễn Xuân Thắng trả lời:
Khu dân cư thuộc 3 tổ dân phố 39, 40, 41, gồm 6 tòa nhà chung cư, 700 căn hộ, 10 năm tuổi. Tôi cho rằng có khó khăn trong việc thành lập Ban quản trị chung bởi mỗi tòa chung cư có những đặc điểm riêng. Bản thân các cá nhân có năng lực chưa chắc đã đồng ý tham gia vào ban quản trị. Thành viên ban quản trị nên là người dân sinh sống ngay tại khu chung cư để nắm rõ được đặc điểm của khu dân cư.
 Ông Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại buổi tọa đàm.
Người dân và Ban quản trị tuy đã tìm được sự thống nhất, đồng thuận cao, tuy nhiên mâu thuẫn chủ yếu xảy ra giữ người dân và chủ đầu tư về phí bảo trì và quyền lợi sử dụng đất.
Sau 3 năm đấu tranh, dưới sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo phường, các khu vực quyền lợi đã được trả lại cho khu dân cư quản lý, đặc biệt là sân chơi để thúc đẩy đời sống văn hóa cho người dân. Chính điều này tạo nên sự gắn bó, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Sự đầu tư phòng sinh hoạt cộng đồng 100m2 nhận được sự khen ngợi của lãnh đạo quận Cầu Giấy. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức sinh hoạt công đồng như các buổi tham quan chung, liên hoan lễ, tết cho người dân thuộc khu dân cư để tăng tình đoàn kết.
Bạn đọc Vũ Văn Hà (Quận Long Biên, Hà Nội) hỏi:
Đến bất kỳ chung cư nào cũng là câu chuyện nhức nhối của người dân với chủ đầu tư, thậm chí là Ban quản trị trong vấn đề chây ì, không đáp ứng các điều kiện sinh hoạt cộng đồng của dân cư như cam kết trước khi khởi công dự án. Chính vì vậy, đã ra những mẫu thuẫn, tranh chấp giữa các bên. Ông có thể chia sẻ câu chuyện này ở khu chung cư mình?
Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 21
Ông Trần Thanh Phúc trả lời:
Tôi thấy ở khu chung cư mới của chúng tôi thành lập cách đây 4 năm, trong khi phường Tây Mỗ cũng chỉ mới thành lập cách đây 5 năm. Khu chung cư được xây dựng từ Nhà máy cơ khí Đại Mỗ, không phải là một đơn vị chuyên nghiệp. Chủ đầu tư tại đây đã dùng những thủ đoạn tiểu xảo, vô hiệu hóa từ Tổ dân phố và Chi bộ.
Trong quá trình thành lập BQT của 3 tòa nhà thì từ năm 2014 đến 2016 không thể thành lập được. Cho đến khi có Thông tư 02, riêng một tòa CT3 đã phải thành lập riêng BQT. Trước đó, Chủ đầu tư nói mỗi tháng mỗi tòa lỗ hơn 100 triệu nhưng khi BQT tòa CT3 được thành lập thì tiền lãi mỗi tháng của hơn 5 tỷ được bàn giao lại đã…
Ông Trần Thanh Phúc chia sẻ tại buổi tọa đàm.
Mới đây, Thanh tra Sở xây dựng Hà Nội có về làm việc, qua đó, chúng tôi mới biết số tiền hơn 14 tỷ đồng tiền quỹ bảo trì của cả khu chung cư đang không được kiểm soát. Đến tháng 9/2018 vừa qua, Chủ đầu tư mới mở tài khoản Quỹ bảo trì của khu chung cư. Vậy số tiền này 4 năm qua đi đâu, chủ đầu tư sử dụng làm gì, số tiền lãi của số tiền này cũng bị lờ đi.
Đặc biệt, Khi BQT CT3 được thành lập thì Chủ đầu tư lại gây khó dễ cho dân trong việc bàn giao tầng hầm, khu sinh hoạt cộng đồng. Cho đến nay, đây vẫn là những vấn đề rất bức xúc trong cư dân. Trong khi một tòa được thành lập BQT thì lại xảy ra mẫu thuẫn giữa các thành viên BQT và giữa BQT với người dân. Từ đó, chúng tôi rút ra kinh nghiệm người trong BQT phải là người khinh qua giai đoạn làm quản lý Nhà nước.
Bạn đọc Nguyễn Văn Chức (Đống Đa, Hà Nội) hỏi:
Tại Chung cư Golden Land đã xảy ra vấn đề Ban quản trị (BQT) cũ không đáp ứng được yêu cầu của cư dân nên phải thành lập BQT mới. Để BQT mới hoạt động có hiệu quả theo anh cần phải đáp ứng những vấn đề nào?
Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 23
Ông Trần Anh Tuấn trả lời:
Khu Chung cư Golden Land có 3 tòa với hơn 700 căn hộ. Khu chung cư đã tổ chức thành công hội nghị chung cư năm 2016 và thành lập được BQT. Tuy nhiên, BQT này không minh bạch trong các hoạt động thu chi tài chính, đầu thầu các đơn vị vận hành quản lý chung cư, xảy ra nhiều vấn đề khiến cư dân bức xúc. Khả năng tương tác giữa BQT với cư dân cũng có vấn đề khi không có những giải đáp thỏa đáng của BQT với người dân khi xảy ra vụ việc.
 Ông Trần Anh Tuấn trả lời tại buổi tọa đàm.
Giữa năm 2018, cư dân đã làm đơn ra phường và mới đây phường đã đứng ra tổ chức bầu lại BQT cho khu chung cư. Trong qua trình bầu BQT mới, chúng tôi đưa ra tiêu chí lựa chọn 6 người có chuyên môn, người thì có chuyên môn về tài chính, người có chuyên môn về kỹ thuật, người có kinh nghiệm trong tổ chức vận hành khối dịch vụ…
Bên cạnh đó, vấn đề minh bạch thông tin được BQT mới được quy định rõ ràng, chúng tôi thống nhất hàng tháng phải họp lại để xem xét vấn đề nào cư dân kiến nghị được giải quyết, vấn đề nào không được giải quyết. Đặc biệt, BQT cần phải đứng ra tổ chức các hoạt động cho cư dân nhân các ngày lễ lớn, kêu gọi tài trợ từ các DN thuê mặt bằng, vận động từ người dân bằng nhiều hình thức.
Bạn đọc Ngô Văn Tính (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỏi:
Tốc độ phát triển khu đô thị có đi đôi với hình thành lối sống, nếp sống và văn hóa mới ở khu chung cư hiện nay không, thưa ông?
Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 25
KTS Phạm Thanh Tùng trả lời:
Đô thị tại Việt Nam mới hình thành được hơn 100 năm nay. Trước đó, Hà Nội có 36 phố phường nhưng cũng chỉ từ Nhân dân mà ra, phố phường đó hình thành dọc các bờ sông, đồn lũy... do vậy vẫn còn rất sơ khai.
Trong khi đó, khu đô thị mới hình thành được vài chục năm nay. Kể từ đó đến nay, chúng ta chưa có 1 hội nghị tổng kết tầm quốc gia về vấn đề này. Theo tôi đây là 1 thiếu sót mà cũng là 1 lỗ hổng quản lý hiện nay.
KTS Phạm Thanh Tùng phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Về văn hóa đô thị, từ trước đến nay, người Việt Nam chỉ có văn hóa "nằm ngang" chưa có văn hóa theo chiều dọc, theo chiều thẳng đứng, theo phong cách chung cư, thang máy. Tôi đánh giá, nhà ở chung cư như là 1 "cỗ máy" để ở, đòi hỏi cư dân sống trong đó phải thành thạo các kỹ năng, sử dụng trang thiết bị kỹ thuật thành thạo.
Lối sống nông thôn từ hàng ngàn năm với nếp sống, thói quen, cách ứng xử phù hợp với hương ước của làng, với quy định của cộng đồng làng xã, dòng tộc theo kiểu "phép vua thua thua lệ làng, trọng tình hơn lý, tắt lửa tối đèn có nhau"... tự do đến mức tùy tiện nhưng đầy tính nhân bản, ăm ắp tình người, tạo nên văn hóa làng truyền thống. Khi chuyển sang sống trong đô thị, đặc biệt là trong các khu đô thị mới, các tòa chung cư thì cái văn hóa làng ấy đã không còn bền vững và bắt đầu bị tác động bởi lối sống đô thị, bởi môi trường sống của khu đô thị mới. Đó là một thách thức cho các nhà quản trị đô thị và cho mỗi cư dân sống trong các khu đô thị mới, các tòa chung cư.
Theo tôi, để xây dựng lối sống văn hóa chung cư, trước hết từ khi quy hoạch, chủ đầu tư phải tuân thủ thiết kế, phù hợp với văn hóa, lối sống của tầng lớp khách hàng mục tiêu của mình. Hiện nay, chủ đầu tư đánh vào tâm lý sính ngoại của người dân nên đặt tên chung cư theo tiếng nước ngoài, xây dựng theo các tiêu chuẩn châu Âu... 
Tiếp đến, người dân sống trong chung cư phải có ý thức tuân thủ pháp luật, ngay từ khi mua bán với chủ đầu tư phải có mời luật sư tham gia, góp ý, tư vấn để đảm bảo quyền lợi cho mình.
Về vấn đề quản lý, hiện nay đặt ra câu hỏi, cấp phường, xã quản lý khu đô thị như thế nào? Tôi đánh giá công tác này hiện nay chưa tốt, thế nên mới nảy sinh tâm lý người dân vẫn thích ở nhà trong phố, trong ngõ nghách, dù nhỏ, chật chội nhưng vẫn có tâm lý yên tâm hơn. Chủ đầu tư sau 1 thời gian sẽ "xẻ thịt" các diện tích công cộng để cho thuê, sinh lời... tạo xung đột với cư dân.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông mới chỉ phản ánh được 1 phần. Theo tôi, cần phải tuyên truyền hơn nữa về lối sống mới trong khu chung cư, những điển hình tốt phải tuyên truyền.
Xây dựng văn hóa chung cư là rất cần thiết, qua đó tạo lối sống mới. Quan trọng hơn hết điều này sẽ góp phần hình thành nhân cách tốt hơn cho thế hệ trẻ sống trong các khu dân cư.
Bạn đọc Hoàng Minh Chung (Cầu Giấy, Hà Nội) hỏi:
Bắt đầu từ khu đô thị Linh Đàm, phải có đến gần 30 năm khái niệm chung cư hay còn gọi là khu đô thị xuất hiện ở Hà Nội. Các chuyên gia, nhà quản lý nhận định như thế nào về tốc độ phát triển của các khu chung cư mới, bộ mặt đô thị về cơ sở hạ tầng; cùng với đó là những đánh giá về lối sống, nếp sống ở các khu chung cư mới?
Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 27
GS Đặng Hùng Võ trả lời:
Tôi thấy rằng chúng ta cần đẩy manh khuôn mẫu đạo đức bên cạnh việc đẩy mạnh áp dụng pháp luật. Tại sao ngày xưa văn hóa ứng xử khá dễ chịu hơn bây giờ. Tôi lấy ví dụ, văn hóa giao thông Việt Nam hiện nay rất tệ, nhưng khi đi ra nước ngoài thì người Việt lại rất tuân thủ quy định giao thông nước họ.
Vậy bản chất của vấn đề là gì, có phải lợi ích thị trường làm hỏng văn hóa đạo đức không? Tôi thấy rằng không phải và đó chỉ một vế nào đó thôi. Trong thời bao cấp chúng ta không dùng pháp trị mà lấy đức trị và hành xử dựa trên khuôn mẫu đó.
Gần đây chúng ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền lấy pháp trị làm cơ bản, mà quên đi phần đức trị vẫn phải có. Nói cách khác, chúng ta có chủ trương xây dựng Nhà nước quản lý pháp luật, nhưng bỏ quên vấn đề đức trị. Chính điều này đã sinh ra văn hóa giao thông hay chung cư như hiện nay. Thế nhưng đến nay chúng ta vẫn không sửa được, bởi bên cạnh luật giao thông, chúng ta không có khuôn mẫu đạo đức, những cách hành xử tốt về giao thông.
Tương tự như vậy, ở chung cư, trong hệ thống pháp luật chúng ta không có định nghĩa về cộng đồng, nên không thể có văn hóa về cộng đồng. Chung cư là 1 loại cộng đồng, cơ sở tôn giáo là 1 loại cộng đồng,… nếu giữ được trật tự cộng đồng theo cơ chế mềm thì mới giữ được nền tảng văn hóa xã hội.
Tóm lại, tôi thấy rằng chúng ta quá tập trung vào pháp luật mà quên đi thiết chế văn hóa cần xây dựng. Hà Nội là địa phương đi đầu về xây dựng thiết chế văn hóa với hình ảnh người Tràng An thanh lịch. Gần đây, Hà Nội là 1 trong những địa phương đi đầu về ban hành 2 quy tắc ứng xử.
Bên cạnh quy tắc ứng xử, chúng ta cần làm thế nào để người dân không vi phạm quy tắc ứng xử đặt ra, bởi quy tắc chỉ để xã hội đồng thuận với nhau. Nhưng làm sao để có thiết chế đối với những người vi phạm, đó là điều chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ, để những người vi phạm văn hóa giao thông phải xấu hổ và sửa đổi.
Chúng ta cần cách thức xử lý để người dân không vi phạm quy định văn hóa mà Nhà nước đã quy định. Tôi nghĩ rằng nếu chỉ cứ quy định mà kêu gọi mọi người áp dụng là chưa phải đi đến tận cùng vấn đề. Điều quan trọng là phải làm sao để người vi phạm biết xấu hổ mà không làm nữa.
Ngày xưa, văn hóa Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn của đạo Khổng, trong đó đạo Khổng chỉ có một số khuôn mẫu đạo đức nhất định: Ở nhà bố mẹ nói con cái phải nghe, Vua nói bề tôi phải nghe… chỉ có mấy điều thôi nhưng nó giữ trật tự xã hội rất triệt để. Đây là điều chúng ta cần nghiên cứu, phải có khuôn mẫu đạo đức bên cạnh hệ thống pháp luật. Trong đó, mọi người muốn trở thành người tử thế thì cần phải tuân theo.
Tôi thấy rằng ngành văn hóa của ta có nhiều thành tích, nhưng vẫn chưa tập trung vào tăng cường thiết chế văn hóa. Đây là điều hết sức cần trong giai đoạn này, đó là loại bỏ những cái tệ, cái xấu trong văn hóa, ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh dân tộc.
Hiện nay, 80% xu hướng tương lai sẽ hướng tới là đô thị hóa trong phát triển nhà ở, nếu không tập trung vào văn hóa thì chắc chắn thời gian tới chúng ta sẽ có nhiều cái hẫng hụt trong vấn đề ứng xử văn hóa.
Bạn đọc Lê Tiến Quang (Thanh Xuân, Hà Nội) hỏi:

Xin đại diện Sở Xây dựng cho biết về các con số thể hiện tốc độ phát triển của chung cư trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và những vấn đề thực tế về quản lý tại các nhà?

Tọa đàm “Xây dựng văn hóa ứng xử trong khu chung cư mới trên địa bàn TP Hà Nội” - Ảnh 28
Ông Trần Ngọc Minh trả lời:
Có thể nói, trong những năm gần đây, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đều có tốc độ phát triển đô thị tương đối nhanh. Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 745 tòa nhà chung cư thương mại, trong đó có 137 nhà chung cư xây dựng trước Luật Nhà ở năm 2005. Từ nay tới 2020, dự kiến Hà Nội sẽ có 181 dự án với tổng diện tích 1,2 triệu m2. Với tốc độ xây dựng chung cư nhanh như vậy, đồng nghĩa với việc các quy định pháp luật cũng được hoàn thiện dần dần.
Bên cạnh việc hoàn thiện dần dần các văn bản pháp luật về quản lý chung cư, các tòa nhà chung cư trên địa bàn Thủ đô hiện nay vẫn còn vướng phải một số vấn đề bất cập, bao gồm: Việc quản lý khi các tòa nhà chung cư được hoàn thành và đưa vào sử dụng; một số mâu thuẫn liên quan tới lợi ích, chủ yếu là giữa chủ đầu tư - người dân, người dân - ban quản trị, và giữa ban quản trị với chủ đầu tư. Trong quy định, các hội nghị nhà chung cư, còn lại chưa có hội nghị, ban quản trị thay mặt người dân thực hiện thay.
Tuy nhiên, một số ban quản trị thực hiện chưa tốt và có những đòi hỏi để chủ đầu tư và Nhà nước phải vào giải quyết. Đầu tiên là những mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và người dân xuất phát từ việc, ban đầu khi chưa có ban quản trị, các chủ đầu tư phải thành lập một đơn vị quản lý vận hành một cách chuyên nghiệp, nhưng hiện nay vẫn còn một số chủ đầu tư không chủ động trong việc thuê đội ngũ quản trị chuyên nghiệp, dẫn tới việc cư dân không hài lòng.
Ông Trần Ngọc Minh phát biểu tại Tọa đàm.
Bên cạnh đó, một số mâu thuẫn cũng hình thành khi những vấn đề liên quan tới lợi ích, đầu tiên là vấn đề bàn giao kinh phí bảo trì đúng quy định của pháp luật. Theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư khi thực hiện việc bán nhà phải thành lập một tài khoản ngân hàng để giữ kinh phí bảo trì sau đó giao cho ban quản trị chung cư.
Thứ nhất, việc bàn giao kinh phí bảo trì nếu được thực hiện quy định rất đơn giản, chủ đầu tư sau khi lập tài khoản và chuyển cho ban quản lý, có thể thu tiền từ các hộ gia đình để nộp vào đó, hoặc các cư dân có thể tự nộp vào để bảo đảm kinh phí bảo trì.
Thứ 2, mâu thuẫn cũng xảy ra khi bàn giao các diện tích sử dụng chung và riêng, chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định của pháp luật, mà sử dụng các diện tích chung cho mục đích riêng, điều này dẫn tới mâu thuẫn giữa các chủ đầu tư và ban quản trị cũng như cư dân. Nhưng việc xác định chung riêng phải thể hiện trong hợp đồng mua bán nhà.
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay, chính quyền TP đã và đang giải quyết 83 trường hợp mâu thuẫn trong khu chung cư. Trong năm 2019, chính quyền TP sẽ tăng cường công tác xử lý các trường hợp mâu thuẫn, để đảm bảo lợi ích của các bên.