Toàn cảnh phiên giải trình về dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai

Thọ Trang - Linh Tiên - Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/8, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội.

Dự phiên giải trình có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn...
 Các đại biểu dự phiên giải trình

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết căn cứ Điều 72 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND TP, Thường trực HĐND TP lựa chọn chuyên đề về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội bởi những lý do sau:

Thứ nhất, đất đai là một trong những nguồn lực rất quan trọng để phát triển Thủ đô, nhất là trong tình hình mới, sau khi có Luật đất đai năm 2013 và Luật Đầu tư năm 2014. Việc quản lý, sử dụng đất đai đúng mục đích, phát huy hiệu quả cao nhất tài sản công đặc biệt này thuộc chính quyền các cấp, nhân dân và cử tri Thủ đô.

Thứ hai, sau đợt giám sát chuyên đề của HĐND TP vừa qua về các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP đối với 8 sở ngành và 30 quận, huyện, thị xã cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, để hoang hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sống của nhân dân. Cử tri kiến nghị nhiều qua các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và qua kênh báo chí.

Những hạn chế này cần phải được HĐND TP và các sở, ban, ngành, quận, huyện báo cáo giải trình, làm rõ trước Nhân dân. Đồng thời, đề ra giải pháp lộ trình khắc phục, sử dụng hiệu quả đất đai trên địa bàn TP.

 Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu khai mạc

Thứ ba, thông qua phiên giải trình, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng để các Nhà đầu tư, chủ đầu tư đang được giao triển khai các dự án sử dụng đất trên địa bàn TP thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng trên địa bàn TP để góp phần phát triển Thủ đô đúng quy hoạch, chiến lược đề ra.

Mở đầu phiên giải trình, Thường trực HĐND TP cho phát phóng sự về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.
Xử lý vi phạm đã đảm bảo mức răn đe hay chưa?
Tiếp đó, các đại biểu đặt câu hỏi yêu cầu giải trình làm rõ những vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường. ĐB Trịnh Xuân Quang (tổ Thanh Xuân) đặt câu hỏi về việc qua giám sát của HĐND TP cho thấy rất nhiều dự án chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai với thời gian rất dài, chậm tới 5-10 năm. Vậy với trách nhiệm cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên ngành đất đai của TP, GĐ Sở TNMT cho biết nguyên nhân chính đối với các dự án được giao đất chậm triển khai chậm xử lý theo quy định, giải pháp để sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả như thế nào?
 Toàn cảnh phiên chất vấn

ĐB Hồ Vân Nga (tổ ĐB Quốc Oai) đề nghị Giám đốc Sở TNMT cho biết, theo quy định, các dự án , dự án chậm triển khai thì phải nộp cho Nhà nước một khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án. Vậy, đến nay đã có bao nhiêu dự án được TP quyết định gia hạn theo quy định của Luật Đất đai năm 2013? Các dự án này đã được tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định hay chưa? Nếu có trường hợp dự án chưa xác định khoản bổ sung này thì lý do vì sao và cho biết biện pháp khắc phục?

ĐB Duy Hoàng Dương (tổ ĐB Hoài Đức) hỏi Giám đốc Sở TNMT, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu xử lý vi phạm, việc xử lý vi phạm như hiện nay đã đảm bảo mức răn đe hay chưa? Có bao nhiêu chủ đầu tư thực hiện khắc phục sau xử phạt và có bao nhiêu đơn vị không khắc phục và tiếp tục tái phạm?

Nêu một số chủ đầu tư chậm triển khai thực hiện hoặc không đưa ra được lý do vì sao chậm triển khai, ĐB Dương đề nghị Giám đốc Sở TNMT cho biết, đối với các dự án chậm tiến độ triển khai trên địa bàn huyện Hoài Đức thì việc xử lý vi phạm các chủ đầu tư này như thế nào?

 ĐB Trịnh Xuân Quang (tổ Thanh Xuân) đặt câu hỏi về nhiều dự án chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai với thời gian rất dài, chậm tới 5-10 năm. 

ĐB Nguyễn Hoài Nam (Tổ đại biểu Thạch Thất) đặt vấn đề về các sai phạm cũ của các chủ đầu tư trước đây. Trong số các dự án đã được nêu ra, có bao nhiêu nhà đầu tư đã vi phạm. Sở có phối hợp với Sở KHĐT công khai các nhà đầu tư cố tình vi phạm không?

ĐB Lê Minh Đức (tổ ĐB huyện Mỹ Đức) hiện nay còn 26/106 dự án điều chỉnh quyết định giao đất có phát sinh tiền sử dụng đất nhưng chưa được xác định bổ sung theo quy định, đại biểu đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết nguyên nhân, bao giờ hoàn thành, giải pháp khắc phục? 

Chưa quyết liệt xử lý

Trả lời câu hỏi, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông cho biết, với các dự án chậm trễ 5-10 năm, có thể nói các dự án trên địa bàn TP được giao đất, cho thuê đất cơ bản được triển khai đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH, song bên cạnh đó có những dự án chậm tiến độ thậm chí vi phạm luật Đất đai.

Qua quá trình thanh tra, rà soát và giám sát của HĐND TP, các chủ đầu tư cũng có ý thức đưa đất vào sử dụng. Các nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án chậm triển khai gồm: Thứ nhất, thực hiện các dự án giai đoạn 2012-2017, Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ 1/7/2014, quá trình chuyển tiếp có nhiều chính sách thay đổi trong đó có chính sách GPMB, nên các dự án chậm có nguyên nhân do chậm GPMB do thay đổi chính sách.

 ĐB Hồ Vân Nga đặt câu hỏi

Chủ đầu tư chậm không quyết liệt chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các sở ngành để tháo gỡ các chính sách GPMB, tập trung nguồn lực thời gian GPMB các dự án. Thứ hai, do giai đoạn 2012-20215, thị trường BĐS trầm lắng, là nguyên ngân để các chủ đầu tư tập trung vốn, thị trường trầm lắng nên khó kêu gọi đầu tư cũng như giải ngân để ngân hàng cho vay.

Thứ ba, về quy hoạch, sau khi sáp nhập Thủ đô, Chính phủ chỉ đạo TP lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Chính phủ phê duyệt, sau đó triển khai quy hoạch này thì TP tổ chức lập quy hoạch phân khu. Quá trình rà soát có trên 240 dự án phải điều chỉnh để phù hợp với QH chung và QH phân khu.

Thứ tư, liên quan đến Luật đê điều quy định không xây dựng nhà cao tầng trong khu nội đô cũng một phần ảnh hưởng đến các dự án đã đầu tư trước đây. Về nguyên nhân chủ quan,  Giám đốc Sở TNMT cho rằng, các dự án trên địa bàn sau khi được phê duyệt giao đất, các ngành một số nơi chưa phối hợp hậu kiểm chặt chẽ và chưa quyết liệt xử lý.

Riêng với dự án Văn La-Hà Đông của Công ty CP Sông Đà, tỉnh Hà Tây trước đây giao đất từ 2008 và hiện đơn vị GPMB còn hơn 1,6 ha chưa được GPMB, năm 2015 đã xin điều chỉnh QH đã được TP phê duyệt, hiện đơn vị đang điều chỉnh lại dự án đầu tư, sau đó mới được tiếp tục điều chỉnh quyết định giao đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung. Sau đó sở và các sở ngành sẽ tiếp tục rà soát, tổ chức thanh tra cụt thể và báo cáo lại.

Trả lời câu hỏi của ĐB Hoài Nam đối với các dự án chậm tiến độ, Giám đốc Sở TNMT cho biết do năng lực tài chính và sự chủ động của các đơn vị. Đối với những đơn vị đã xử lý vi phạm và có kết luận của thanh tra, Sở đã thực hiện công bố công khai các đơn vị này trên cổng thông tin điện tử của Sở và của Bộ TNMT. Đây là căn cứ để xem xét giao đất chấp thuận dự án đối với các dự án tiếp theo. Vì thế, trong quá trình tham gia liên thông để cho ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án, thì Sở luôn kiểm tra thông tin này. Nếu các đơn vị có vi phạm chưa được khắc phục thì dứt khoát không được chấp thuận dự án mới.

 Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông giải trình

Về việc gia hạn quy định các dự án của ĐB Nga, Giám đốc Sở TNMT đã gia hạn không nhiều dự án, việc xin gia hạn chủ yếu là thực hiện điều chỉnh quy hoạch sau đó điều chỉnh hướng đầu tư. Sở sẽ tổng hợp số liệu và gửi tới đại biểu.

Trả lời chất vấn đại biểu Duy Hoàng Dương, Giám đốc Sở TNMT cho biết, Sở đã thực hiện thanh kiểm tra với 215 Dự án. Qua thanh tra thì có 64 Dự án đã được khắc phục, 151 Dự án qua thanh kiểm tra có 21 Dự án đã kiến nghị thu hồi đất và xử lý phạt, 11 Dự án vướng mắc do quy hoạch GPMB, 30 Dự án thanh tra chính phủ và các ngành thanh kiểm tra, 84 Dự án đang thanh kiểm tra. Hiện, Sở đang tiếp tục phối hợp với Thành phố xử lý vi phạm. "Sau phiên giải trình này, Sở sẽ cùng các ngành tổ chức các đoàn thanh tra xuống thanh tra cụ thể từng Dự án. Quý 3 cùng các ngành Thành phố hoàn thành việc kiểm tra xử lý"- ông Đông thông tin. 

Còn nể nang các nhà đầu tư?

Tái chất vấn Giám đốc Sở TNMT, ĐB Nguyễn Hoài Nam cho rằng, nhiều chủ đầu tư tái phạm dù không vướng mắc về quy hoạch, tài chính. ĐB đặt vấn đề “chúng ta chưa quyết liệt, chưa thể hiện trách nhiệm đôn đốc, nể nang các nhà đầu tư?”.

ĐB Hồ Vân Nga cho rằng rất nhiều dự án chậm hơn 10 năm, trong khi luật Đất đai quy định gia hạn 24 tháng, vậy Sở có biện pháp gì để tham mưu UBND TP?

ĐB Duy Hoàng Dương tái chất vấn cho rằng, mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe.

  ĐB Nguyễn Hoài Nam (Tổ đại biểu Thạch Thất) đặt câu hỏi

Giải trình các nội dung tái chất vấn của đại biểu HĐND TP, Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông cho biết, các Dự án đã chậm 5-10 năm và kiến nghị không gia hạn. Đã chậm 5-10 năm rồi về quan điểm của Sở không gia hạn. Điều này đúng theo các quy định tại Luật đất đai, trừ đơn vị có lý do bất khả kháng mới xem xét gia hạn, còn lại là không gia hạn. Trong quá trình thanh, kiểm tra, khi có kết luận, Đoàn Thanh kiểm tra mới kiến cùng với Thành phố mới kiến nghị được. "Từ nay đến cuối năm, Sở sẽ có kết quả thanh, kiểm tra và đề xuất kiến nghị cụ thể gửi TP xem xét. Về dự án cụ thể đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng chất vấn, quý 3 này, Sở sẽ trình phương án và quyết định báo cáo Ủy ban tiếp tục thu hồi" - ông Đông cho hay.

Về việc công khai danh tính các Dự án chậm triển khai, Giám đốc Sở TNMT thừa nhận, thời gian qua, Sở mới chỉ công khai trên website Bộ và Sở. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng của TP như Báo Kinh tế & Đô thị, Báo Hà Nội Mới, Truyền hình Hà Nội...

Giám đốc Sở TNMT cho biết, có những dự án vi phạm từ thời điểm Luật Đất đai năm 2012, Sở sẽ thực hiện nghiêm túc việc công khai các dự án vi phạm. 

Về việc gia hạn 24 tháng đối với các dự án chậm triển khai, Sở gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi vì nếu không bồi thường tiền GPMB, giải quyết công ăn việc làm của người lao động sẽ gặp chống đối quyết liệt nên Sở phải giải quyết rất thận trọng. 

 ĐB Lê Minh Đức đặt câu hỏi 
Giám đốc Sở trả lời câu hỏi của ĐB Duy Hoàng Dương về mức xử phạt với các dự án chậm: Theo Luật Đất đai năm 2013 và các quy định của Chính phủ quy định với Thủ đô được xử phạt tới 1 tỷ đồng với 1 dự án, là mức cao nhất. Quả thực với tình hình Thủ đô hiện nay thì mức này chưa đủ sức răn đe. Nên tới đây sở sẽ cùng các ngành nghiên cứu dự thảo quy định để báo cáo UBND TP, HĐND TP để nâng mức xử phạt theo quy định của Luật Thủ đô lên gấp đôi.
Gia hạn thêm 24 tháng, sử dụng 48 tháng
Tiếp tục đặt câu hỏi đến Giám đốc Sở TNMT, ĐB Trần Thế Cương nêu dự án trường THPT Dân lập Trần Quang Khải (xã Yên Ninh, huyện Thanh Trì) đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 nhưng đến nay chưa triển khai gì. Đề nghị Sở TNMT cho biết nguyên nhân và cho biết có thu hồi dự án này hay không?

Về dự án chậm triển khai như Trung tâm bồi dưỡng đào tạo GTVT tỉnh Hà Tây (huyện Thanh Oai) cũng đang “đắp chiếu”, Sở cho biết kế hoạch cụ thể về việc thu hồi dự án này và tiến độ thời gian thực hiện?

ĐB Nguyễn Minh Tuân (tổ Tây Hồ) hỏi về nội dung trả lời của Giám đốc Sở TNMT, có cho biết việc triển khai sau khi gia hạn thu hồi các dự án, ĐB băn khoăn về dự án đầu tư xây dựng khai thác bể bơi của Trung tâm Thể thao quận Tây Hồ đã được gia hạn từ 1/7/2014, sử dụng thêm 24 tháng, đến nay đã 48 tháng.

"Vậy Giám đốc Sở cho biết khó khăn gì khiến chúng ta không thực hiện được các quy định của pháp luật, và kế hoạch biện pháp tiếp theo để giải quyết vấn đề này?".

Bên cạnh đó, một trong những hạn chế được chỉ ra trong quá trình giám sát là công tác theo dõi phối hợp xử lý các dự án vốn ngân sách có sử dụng đất là do thiếu cơ sở dữ liệu thông tin - nội dung này đã được đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP kiến nghị từ năm 2012, đề nghị UBND TP chỉ đạo sớm hoàn thành việc ứng dụng CNTT xây dựng CSDL đất đai và HĐND TP đã ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện, song vẫn chậm tiến độ. Vậy Sở TNMT là chủ đầu tư triển khai dự án, đồng chí cho biết nguyên nhân chậm, bao giờ hoàn thành dự án này?

 ĐB Hoàng Thị Thúy Hằng đặt câu hỏi

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân (tổ đại biểu quận Hoàng Mai) chất vấn về việc KĐT Mỹ Hưng (Mỹ Hưng - Thanh Oai) được UBND TP giao quyết định đầu tư đến nay đã hơn 10 năm nhưng chưa được triển khai. Nhân dân tại đây cho biết, Dự án treo này đã khiến việc sản xuất của họ gặp rất nhiều khó khăn. Sở TNMT có biện pháp để triển khai và đẩy nhanh tiến độ triển khai KĐT này?

Thanh tra kiểm tra dự án tại Trung tâm Thể thao quận Tây Hồ

Trả lời câu hỏi ĐB Nguyễn Minh Tuân, Giám đốc Sở TNMT cho biết, đối với dự án ở quận Tây Hồ đã được gia hạn từ năm 2014, Sở sẽ cho Thanh tra kiểm tra và chỉ đạo xử lý kiên quyết.

Về cơ sở dữ liệu đất đai, sau khi TP phê duyệt dự án, Sở đang triển khai tích cực triển khai 27/27 gói thầu của 27 quận huyện, đo đạc được 70%, song song với việc cập nhật dữ liệu và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giám đốc Sở TNMT cũng cho biết, do khối lượng dữ liệu khổng lồ, Sở cùng các đơn vị tư vấn sẽ thực hiện thận trọng và cố gắng thực hiện xong trong năm 2018.

Về Dự án trường DL Trần Quang Khải, Giám đốc Sở TNMT dự án chưa được nhà nước giao đất. Vì thế, Sở kiến nghị với Sở KHĐT tới đây trong quá trình rà soát các dự án, nếu dự án chưa được giao đất thì thu hồi giấy chứng nhận.

 Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân chất vấn

Về trung tâm đào tạo ở tỉnh Hà Tây trước đây, Sở sẽ thực hiện thanh tra kiểm tra trong quý III và trình kết quả với UBND TP.

Trả lời chất vấn đại biểu Quân, Giám đốc Sở TNMT cho biết, KĐT Mỹ Hưng là một trong 3 KĐT đối ứng giao cho Cicenco5 làm chủ đầu tư. Hiện, phần dự án Thanh Hà A và Thanh Hà B nằm trong Dự án đã được chủ đầu tư GPMB và đang triển khai. Phần Dự án tại xã Mỹ Hưng- Thanh Oai Chủ đầu tư gặp khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, năm 2018, Thành phố đã thực hiện cho DN ứng vốn đối ứng để thực hiện giải phóng mặt bằng, Hiện, các cơ quan ban ngành Thành phố tiếp tục đôn đốc giải phóng mặt bằng đúng tiến độ.

Dự án chậm triển khai ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người dân

Tiếp tục đặt câu hỏi, ĐB Đoàn Việt Cường (Mê Linh) đặt câu hỏi với Giám đốc Sở KH&ĐT về việc qua báo cáo giám sát của HĐND TP tháng 5/2018 cho thấy trách nhiệm về quản lý đầu tư còn hạn chế, đề nghị đồng chí cho biết nguyên nhân, biện pháp khắc phục?

 ĐB Vũ Ngọc Anh chất vấn

ĐB Vũ Ngọc Anh cho rằng, qua báo cáo giám sát của Ban Đô thị HĐND TP về tình hình thực hiện quy hoạch các điểm, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP thời điểm tháng 6/2017 đã chỉ rõ: Có nhiều dự án đã có chủ trương đầu tư, nhiều dự án được TP giao cho nghiên cứu lập dự án đầu tư, tuy nhiên đến nay tiến độ triển khai các dự án rất chậm, và kết quả thực hiện cũng rất chậm so với kết quả giám sát của Ban. Điều này dẫn đến nhiều hộ dân thuộc phạm vi quy hoạch dự án không được thực hiện cải tạo điều chỉnh, sửa chữa nhà ở, nhiều khu đất trống, bỏ hoang, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Đề nghị Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện báo cáo giám sát của Ban Đô thị, cụ thể là với những dự án chậm triển khai, làm rõ với những dự án có sự sai phạm thì đến nay đã thu hồi được bao nhiêu dự án và tới đây tiếp tục thu hồi bao nhiêu dự án; đồng thời TP có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án này theo quy hoạch?

ĐB Phạm Đình Đoàn (tổ ĐB Hoàng Mai) cho rằng có nhiều dự án được TP chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chậm hoàn thành thủ tục để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chủ trương đầu tư dự án đến 10 năm nay nhưng chưa hoàn thành thủ tục đất đai, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đề nghị sở KHĐT biện pháp khắc phục trong thời gian tới? 

Ngoài ra, theo báo cáo của Sở TNMT, trong 161 dự án có dấu hiệu vi phạm, có 47 dự án chậm tiến độ thực hiện dự án trong 24 tháng theo tiến độ được phê duyệt. Với chức năng, nhiệm vụ của Sở KHĐT đã tham mưu cho TP giải quyết những tồn tại trên thế nào?

 ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ ĐB Thanh Xuân) đặt câu hỏi đến Giám đốc sở TNMT về các dự án công viên chậm triển khai

ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ ĐB Thanh Xuân) hỏi Giám đốc sở TNMT về các dự án công viên chậm trễ, nhất là dự án hồ điều hòa KĐT Tây Nam - Hà Nội (Cầu Giấy) do Công ty TNHH T&T làm chủ đầu tư đã được giao đất từ tháng 4/2013 với quy mô 10 hecta và đã hoàn thành GPMB, nhưng cho đến nay vẫn chưa triển khai dự án để hoang hóa…Đề nghị Giám đốc sở TNMT cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp giải quyết dự án này trong thời gian tới?  

Một số chủ đầu tư không hào hứng trong triển khai Dự án

Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo giải trình một số nội dung chất vấn của các đại biểu. Theo ông Quyền, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các Dự án chậm triển khai, chậm tiến độ nhiều năm liền.

Đó là việc rà soát, hoàn thiện và điều chỉnh lại quy hoạch từ quy hoạch chung Thủ đô đến các quy hoạch phân khu sau thời điểm Hà Nội mở rộng. Ngoài ra, sự thay đổi của các cơ chế, chính sách cũng là một nguyên nhân một số Dự án chậm triển khai.

 Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo giải trình một số nội dung chất vấn của các đại biểu

Ngoài ra, giai đoạn 2012- 2017, sự suy giảm của thị trường bất động sản khiến một số chủ đầu tư không hào hứng trong triển khai Dự án hoặc khó khăn trong triển khai Dự án. Với nhóm nguyên nhân này, Sở KHĐT đang cùng các cơ quan liên quan rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN hoặc có giải pháp mạnh hơn với các chủ đầu tư chậm triển khai.

Giải phóng mặt bằng cũng là một nguyên nhân quan trọng. Luật đất đai 2013 quy định, trước năm 2013 thực hiện thu hồi đất rồi GPMB. Sau 2013, GPMB rồi mới thu hồi đất. Tin thần luật là bám sát vào thị trường. "Kết quả giám sát của HĐND giúp cho chúng tôi có các phương pháp nghiên cứu, tháo gỡ và đề xuất giải pháp với các Dự án vi phạm"- ông Quyền cho biết.

Về giải pháp cụ thể, sau phiên giải trình này, Sở KHĐT sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá từng nhóm Dự án để có giải pháp. Sở sẽ tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư, tăng cường thanh kiểm tra, xây dựng rõ quy trình nội dung, gắn trách nhiệm cụ thể của các ngành các cấp. Triển khai giám sá đánh giá chưa có hệ thống đồng bộ. Ông Quyền cũng nhấn mạnh đến việc phối hợp, liên thông cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan liên quan như Sở TNMT, Sở KHĐT, Cục Thuế.... để xem xét và rà soát các Dự án tốt hơn.

Về trách nhiệm của Nhà đầu tư, qua quá trình theo dõi, Giám đốc Sở TNMT cho hay, các dự án chậm tiến độ có thể do nguyên nhân từ việc nhà đầu tư khó khăn, hồ sơ năng lực tài chính không đảm bảo. "Các năm tiếp theo, chúng ta phải có giải pháp phải để làm sao nâng cao chất lượng nhà đầu tư, đôn đốc, sớm đẩy nhanh công trình đưa vào sử dụng"- ông Quyền nói.

Liên quan đến việc thực hiện các bãi đỗ xe công cộng thực hiện còn chậm. Thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND và các Sở ngành địa phương quan tâm. Với sự gia tăng, chúng ta đang rất cần. Tiến độ triển khai thực hiện chưa đáp ứng. Đén nay, có 57 Dự án đang đầu tư hoặc đã, đang triển khai qua giám sát tại thời điểm đó có 48 dự án đang triển khai, 9 dự án chậm thực hiện, Sở tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư.

Trả lời chất vấn ý kiến đại biểu Nguyễn Minh Đức- Tổ đại biểu Thanh Xuân, Giám đốc Sở KHĐT cho biết, Dự án Công viên Hồ điều hòa Tây Nam Hà Nội trên địa bàn quận Cầu Giấy chậm trể, hiện nhà đầu tư đang đề nghị đều chỉnh quy hoạch nội dung này,. Nhà đầu tư đã có tích cực hồ sơ điều chỉnh quy hoạch. Sở KHĐT tiếp thu và tới đây liên quan đến xem xét sau quy hoạch đầu tư, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án này.

Trách nhiệm của UBND quận để xử lý sai phạm và đẩy nhanh dự án?

Tái chất vấn, ĐB Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm), về dự án hồ điều hòa KĐT Tây Nam – Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy làm rõ trách nhiệm của UBND quận để xử lý sai phạm và đẩy nhanh dự án?

ĐB Vũ Thùy Dương (Cầu Giấy) nêu việc thiếu trường học gây bức xúc trong cử tri nhân dân. Trong 161 dự án chậm, có 7 dự án trường học ở quận Hoàng Mai và 6 dự án ở quận Long Biên. Đề nghị Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai và Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục?

ĐB Lê Thị Thu Hằng (Hà Đông) đề nghị làm rõ trách nhiệm của UBND huyện Thanh Trì với dự án bệnh viên Hoài Châu tại xá Tứ Hiệp.

ĐB Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín) cho rằng, nhu cầu về những khu vui chơi giải trí của nhân dân Thủ đô rất cao, nhưng dự án Công viên giải trí quốc tế Kim Quy (xã Tiên Dương, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) với diện tích 101ha do Cty CP tập đoàn Mặt trời làm chủ đầu tư, với tổngmức đầu tư giai đoạn I là 4.600 tỷ đồng, đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 11/2016 và dự án đã được động thổ tháng 9/2016, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong quý 4/2018, song hiện tiến độ chậm so với cam kết. Đề nghị UBND TP cho biết nguyên nhân, tiến độ và trách nhiệm triển khai dự án?

 ĐB Lê Thị Thu Hằng (Hà Đông) đề nghị làm rõ trách nhiệm của UBND huyện Thanh Trì với dự án bệnh viên Hoài Châu tại xá Tứ Hiệp.

ĐB Phạm Thị Thanh Hương (tổ Ứng Hòa) nêu vấn đề, theo báo cáo giám sát của HĐND TP tại quận Đống Đa có 12 dự án chậm triển khai trong đó có dự án trụ sở giao dịch khách sạn do Công ty TNHH Việt Anh làm chủ đầu tư với diện tích 1901 m2, theo quyết định giao đất từ tháng 11/2014 song qua 4 năm đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện. Vậy Chủ tịch quận cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và quan điểm của quận với dự án này?

ĐB Nguyễn Quang Thắng (tổ Hoàn Kiếm) nêu vấn đề, trên địa bàn Thanh Xuân theo báo cáo giám sát của HĐND TP có 14 dự án chậm triển khai vi phạm Luật Đất đai trong đó có dự án Trung tâm TMDV Cửu Long tại 201 Trường Chinh (phường Khương Mai), với diện tích 2099m2, được giao đất từ năm 3/2005 nhưng đến nay đất được sử dụng sai mục đích, chuyển sang xây dựng nhà hàng ăn uống. Dự án Xây dựng tổ hợp văn phòng dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp bán tại đường Khuất Duy Tiến (phường Thanh Xuân Bắc) do Công ty PTTH Thông tin làm chủ đầu tư với diện tích 11.336m2, quyết định giao đất từ 5/2011, nhưng hiện khu đất cho thuê sử dụng sai mục đích làm bãi trông xe. Đề nghị Chủ tịch UBND quận cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, quan điểm của quận với các dự án này và giải pháp khắc phục?

ĐB Hoàng Thị Tú Anh (huyện Đan Phượng) cho biết, tại quận Nam Từ Liêm qua giám sát có 48 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, trong đó 6 dự án xây trường học, trung tâm dạy nghề và 4 dự án xây bệnh viện. Nhưng đến nay hầu hết chưa được thực hiện GPMB hoặc đã GMMB nhưng còn để đất quây tôn. Vậy đề nghị Chủ tịch UBND quận cho biết nguyên nhân, trách nhiệm quản lý nhà nước của quận và đề xuất với TP, quan điểm và giải pháp của quận trong thời gian tới?

Quận, phường thiếu kiểm tra đôn đốc, giám sát chủ đầu tư

Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho biết việc theo dõi kiểm tra và kiến nghị với TP đối với những dự án vượt thẩm quyền, phát hiện, xử lý những vi phạm, công tác GPMB… là nhiệm vụ nặng nề trên địa bàn quận, các lực lượng địa phương phải thực hiện rất vất vả.

 Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt giải trình vấn đề đại biểu quan tâm

Chủ động nắm số liệu các dự án vi phạm sử dụng đất, quận đang tích cực phối hợp với Sở TNMT, KHĐT triển khai các nhiệm vụ thanh tra,… Quận đã rà soát 265 dự án, phân loại đủ theo từng tình trạng, tới đây sẽ có những kiến nghị với TP để tháo gỡ vướng mắc cho các chủ đầu tư, kiên quyết xử lý những vi phạm về đất đai.

Trong 48 dự án chậm trên địa bàn chậm, có 17 dự án đang GPMB, 31 dự án đã được giao đất. “Quận thừa nhận đây là con số lớn” - Chủ tịch quận Nam Từ Liêm nói. Quận đang tiến hành dự án trong để thời gian tới kiến nghị với TP rà soát nguyên nhân của việc chậm triển khai.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm kiến nghị TP sớm ban hành quy định về các dự án đầu tư ngoài ngân sách, trong đó cần tổ chức đánh giá công tác giám sát đầu tư trên địa bàn TP chặt chẽ và cụ thể hơn.

Chủ tịch Quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu giải trình về các dự án trường học chậm triển khai cho biết, vừa qua, Quận có văn bản báo cáo UBND TP, và được TP chỉ đạo các chủ đầu tư sớm triển khai xây dựng trường. Cùng với đó, Quận làm việc với các nhà đầu tư để có chương trình, kế hoạch triển khai.

Chủ tịch quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho biết, trên đia bàn quận có 14 dự án chậm. Trong đó, ông Lưu cho rằng, trách nhiệm của UBND quận và phường thiếu kiểm tra đôn đốc, giám sát. Trong quá trình thực hiện còn có tư duy coi dự án có sử dụng đất ngoài ngân sách là trách nhiệm của TP, sở ngành. UBND Quận kiến nghị khi xe, xét tờ trình điều chỉnh của chủ đầu tư cần nghiên cứu ngay quy hoạch và có trả lời ngay. Kiến nghị UBND TP chấp thuận để tháng 9/2018 Quận làm việc với chủ đầu tư, sau đó báo cáo UBND TP cho ý kiến chỉ đạo.

 Chủ tịch quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu 

Với câu hỏi của ĐB về dự án Công viên hồ điều hòa khu Tây Nam Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho rằng, đây là dự án đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, đã được đấu thầu từ 2009, sau đó quận đã tạp trung GPMB, với quy mô 11,22ha, đến nay đã GPMB chỉ còn 0,98ha đất nghĩa trang (trước đây có 5.000 mộ và 11 mộ tổ nên nhiều khó khăn). Sau đó TP đã có văn bản phân kỳ dự án đầu tư cho chủ đầu tư và quyết định giao đất cho Công ty THHH VNT từ 2013, đến nay công ty chưa triển khai.

Quận đã hết sức tập trung GPMB đảm bảo tiến độ dự án, quản lý chống lấn chiếm, đổ trộm phế thải bằng cách chỉ đạo quây tôn dự án. Thực tế hiện Công ty đang cho thuê làm sân bóng và trông xe, nên quận đang thúc giục DN kiên quyết xử lý. Quận cũng đã có văn bản đề nghị TP phân kỳ dự án để tiếp tục GPMB đất nghĩa trang. Đối với Sở KHĐT, Giám đốc sở đã báo cáo dự án đang tiếp tục xin điều chỉnh đầu tư, nên quận sẽ tiếp tục cùng các sở ngành đôn đốc dự án.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì trả lời về Dự án Bệnh viện Quốc tế từ năm 2008 nhưng do nhiều thủ tục nên đến năm 2012 sau khi có thỏa thuận của Sở Xây dựng UBND huyện có cấp phép xây dựng thì đơn vị mới xây dựng được hàng rào và tòa 3 tầng khu điều hành, nhưng lúc đó Chủ tịch HĐQT mất nên dự án phải dừng lại từ tháng 5/2013. Hàng năm huyện đã báo cáo UBND TP và từ 2014 huyện cùng đoàn do Sở KHĐT chủ trì kiểm tra các dự án chậm, đầu năm 2018 đã cử người tham gia đoàn kiểm tra của Sở TNMT về dự án chậm. Từ 2018, TP đã chấp thuận dự án được chuyển sang chủ đầu tư khác, vẫn tiếp tục thực hiện xây dựng bệnh viện, sẽ triển khai trong thời gian tới.

Phát biểu kết thúc phần giải trình, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà cho biết, trong một buổi sáng, phiên giải trình đã có nhiều ĐB quan tâm đến những dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi  phạm Luật Đất đai, với tổng cộng 28 lượt ĐB đặt 33 câu hỏi trực tiếp với 3 giám đốc sở, 5 lãnh đạo quận/huyện và 2 câu hỏi với UBND TP.

Từ đó, đã có 3 ủy viên UBND TP và các lãnh đạo quận/huyện trả lời. Trên tinh thần báo cáo giám sát của HĐND TP và nêu các vấn đề đề nghị UBND TP giải trình, UBND TP đã có 2 báo cáo vào ngày 10/8/2018 gửi Thường trực HĐND TP và chúng tôi đã gửi các ĐB. Thường trực HĐND TP rất ghi nhận sự nỗ lực của UBND TP trong công tác chỉ đạo, triển khai các dự án vốn NNS nhất là trong giai đoạn rất khó khăn 2012-2017 đã đạt được rất nhiều kết quả.

Tại phiên giải trình hôm nay, những vấn đề tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn đã được các sở ngành nêu, giải trình làm rõ, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo rất rõ về thực tiễn và công tác quản lý tại địa phương, đã tìm ra được những nguyên nhân tồn tại và làm rõ trách nhiệm của một số đơn vị, cơ quan tham mưu cho UBND TP cũng như các địa phương. Thường trực HĐND TP sẽ có kết luận cụ thể bằng văn bản đề nghị UBND TP và các cơ quan liên quan, các địa phương xem xét tổ chức thực hiện. Các ý kiến mà ĐB nêu hôm nay chưa được giải trình, đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện trả lời trực tiếp bằng văn bản gửi về cho các ĐB HĐND TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần