Quỹ BHXH sinh lời thấp vì ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn
Theo Bộ LĐTB&XH, quy mô Quỹ BHXH tăng nhanh qua các năm, dự kiến đến cuối năm 2022, quy mô các quỹ đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng, gấp khoảng 175 lần quy mô đầu tư năm 1998, gấp 2,1 lần quy mô các quỹ năm 2016 (năm đầu thực hiện Luật BHXH năm 2014).
Quy mô Quỹ BHXH tăng nhanh nhưng tốc độ sinh lời từ hoạt động đầu tư còn hạn chế và có xu hướng giảm dần (lãi suất đầu tư bình quân giảm từ 8,99% năm 2014 còn 7,25% năm 2017 và còn 5,8% năm 2019) và lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm mạnh từ mức trung bình khoảng 8-9%/năm còn khoảng 2,8-2,5% năm vào năm 2021.
Bộ LĐTB&XH lý giải, Luật BHXH năm 2014 không quy định phải có chiến lược đầu tư dài hạn và kế hoạch đầu tư trung hạn. Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an toàn quỹ đi đôi với sinh lời; danh mục đầu tư chủ yếu là đầu tư trái phiếu Chính phủ, cho ngân sách nhà nước vay và gửi tiền tại các ngân hàng thương mại; chưa quy định hình thức ủy thác đầu tư.
Ngoài ra, hiện nay chưa quy định cụ thể về quản trị rủi ro đối với cơ quan bảo hiểm và quản lý rủi ro trong quá trình đầu tư đối với các sản phẩm đầu tư để phòng ngừa rủi ro.
Nhằm nâng cao tốc độ sinh lời, Bộ LĐTB&XH đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng bổ sung mục riêng về đầu tư Quỹ BHXH gồm 3 điều. Trong đó, quy định về nguyên tắc đầu tư, danh mục đầu tư và phương thức đầu tư, quản lý hoạt động đầu tư. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nâng cao hiệu quả đầu tư Quỹ BHXH trong thời gian tới.
Giải quyết chế độ cho người lao động bị chậm đóng, trốn đóng
Bộ LĐTB&XH cũng thông tin về tình trạng DN chậm đóng BHXH, trốn đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Theo đó, số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH phải tính lãi đến hết năm 2022 là 8.560 tỷ đồng, tăng 121 tỷ đồng so với năm 2021, chiếm 2,69% trên số phải thu BHXH. Có khoảng 26.670 đơn vị đã phá sản, đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và không có người đại diện theo pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 206.468 người.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN chậm đóng, trốn đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế thế giới có nhiều sự bất ổn, bước vào thời kỳ suy thoái, các DN Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, phải cho người lao động nghỉ việc, ngừng việc do thiếu đơn hàng, khó khăn tài chính.
Trong khi đó, cơ quan BHXH chưa xác định, quản lý được hết đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Luật BHXH. Một số địa phương triển khai các giải pháp đôn đốc thu chưa quyết liệt, hiệu quả dẫn đến chậm đóng, trốn đóng kéo dài.
Để hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, Bộ LĐTB&XH đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTB&XH đã có Công văn số 1025/LĐTBXH-BHXH chỉ đạo BHXH Việt Nam với nguyên tắc thu BHXH đến đâu, ghi nhận đến đó và giải quyết kịp thời quyền lợi đối với 206.400 người lao động. Theo đó, xem xét, giải quyết hưởng các chế độ BHXH với các trường hợp đủ điều kiện (lương hưu hàng tháng, bảo hiểm xã hội một lần,…) và các trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng các chế độ BHXH thì xác nhận thời gian đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới.
Về lâu dài, trên cơ sở ý kiến tham gia đóng góp từ các Bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân, Bộ LĐTB&XH đang tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật BHXH (sửa đổi), trong đó sửa đổi, bổ sung nhiều chế tài, biện pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.