Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tốc độ tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi rất chậm, cần đẩy nhanh

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tốc độ tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi rất chậm, được khoảng gần 1 triệu mũi tiêm mặc dù đã triển khai hơn nửa tháng. Chúng ta còn rất ít thời gian nên cần phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ tại Hội nghị trực tuyến quán triệt việc 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 do liên Bộ Y tế - Bộ Công an tổ chức kết nối đến hơn 11.000 điểm cầu trên toàn quốc sáng 26/4.

Theo thông tin của Bộ Y tế, đến ngày 25/4, cả nước đã tiêm hơn 212,6 triệu mũi vaccine Covid-19. Tuy nhiên, khoảng 7,6 triệu mũi chưa được nhập lên hệ thống.

Bên cạnh đó, trong số hơn 73,4 triệu người có CCCD/CMND, còn 43.491.814 mũi tiêm đã xác minh nhưng còn sai thông tin gồm số định danh, ngày sinh, họ tên và thông tin khác. Với hơn 8,8 triệu người không có CCCD/CMND hoặc sai định dạng CCCD/CMND, 3.364.726 mũi tiêm không xác định được với cơ sở dữ liệu về quốc gia về dân cư.

Học sinh lớp 6 quận Thanh Xuân được tiêm phòng vaccine Covid-19. Ảnh: Hồng Thái
Học sinh lớp 6 quận Thanh Xuân được tiêm phòng vaccine Covid-19. Ảnh: Hồng Thái

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua với sự giúp đỡ của Bộ Công an, Bộ TT&TT, một số đơn vị liên quan, Bộ Y tế đã tích cực triển khai được dữ liệu phần mềm tiêm chủng quốc gia. Phần mềm đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai cũng nảy sinh nhiều vấn đề và còn những hạn chế nên kết quả chưa đạt được như mong muốn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, mặc dù Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ TT&TT đã nhiều lần chỉ đạo đẩy mạnh việc cập nhật phần mềm tiêm chủng nhưng vẫn còn hơn 43 triệu mũi tiêm mà chưa đồng bộ được vấn đề tiêm chủng với dữ liệu dân cư quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn những thông tin chúng ta nhập vào còn thiếu, chưa phù hợp, chưa đúng và chưa đảm bảo được việc liên thông dữ liệu này. Đây chính là khó khăn, hạn chế không chỉ của các địa phương mà còn Trung ương. Ngay kể cả các bộ phận kỹ thuật chưa có thể kết nối được.

Việc liên thông dữ liệu, xác thực các thông tin không những chỉ phục vụ cho việc tiêm chủng Covid-19 có ý nghĩa mà còn có lợi ích, ý nghĩa quan trọng về lâu dài khi triển khai những ứng dụng khác như: Quản lý sức khỏe toàn dân. Bởi muốn quản lý sức khỏe thì phải thông qua hệ thống liên thông dữ liệu mới có thể quản lý được.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng thời gian tới cần đẩy nhanh tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh việc chuyển đổi số với ngành y tế như: Khám chữa bệnh không dùng sổ y bạ giấy mà dùng bệnh án điện tử... “Nếu chúng ta không có nền tảng ngay từ bây giờ thì rất khó triển khai đồng bộ. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy nhanh chuyển đổi số với ngành y tế, ứng dụng công nghệ thông tin với ngành y tế, tạo mọi tiện ích cho người dân trong vấn đề tiếp cận các dịch vụ y tế” - GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Đồng thời chia sẻ, hiện nay chúng ta đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, thời gian gần đây tốc độ tiêm chủng đang chậm lại. Việc tiêm mũi 1, mũi 2 với người lớn cơ bản đã hoàn thành 100% nhưng việc tiêm mũi 3 hiện đang chậm. Trong khi không có tình trạng thiếu vaccine tại các địa phương. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine, phải hoàn thành tiêm mũi 3, việc tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II. Hiện nay, tốc độ tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5 - 11 tuổi rất chậm, được khoảng gần 1 triệu mũi tiêm mặc dù đã triển khai hơn nửa tháng. “Chúng ta còn rất ít thời gian nên cần phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.