Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tôi muốn kể câu chuyện lịch sử không khô khan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng kiến mọi diễn biến trước, trong và sau ngày 30/4/1975 lịch sử, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963 - 1964) Nguyễn Hữu Thái - người cùng anh bộ đội Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, đã quyết định cùng gia đình kể lại câu chuyện về ngày 30/4/1975 một cách trung thực và không khô khan trong cuốn sách “30/4/1975 Saigon - sự kiện & đối thoại”.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với ông về những suy nghĩ, cảm xúc sau 40 năm nhìn lại.Tôi muốn kể câu chuyện lịch sử không khô khan - Ảnh 1

Sau 2 cuốn sách “Chuyện ít biết về Ngày Giải phóng Sài Gòn 30/4/1975”, “Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình” (2013), lý do gì thôi thúc ông và gia đình tiếp tục cho ra đời cuốn “30/4/1975 Saigon – sự kiện & đối thoại”?

- Do các con cháu trong gia đình mong muốn biết rõ sự kiện 30/4/1975, tôi cùng cả gia đình hình thành cuốn sách trong một thời gian rất ngắn. Phần rất “đời thường” nhưng độc đáo nhất của cuốn sách là cuộc đối thoại giữa thế hệ cha mẹ 4x và các con tuổi 7x (nay trên 40 tuổi). Lớp già chúng tôi phải trả lời 40 câu hỏi mà các cháu đặt ra. Lớp trẻ có lý khi cho rằng, sách vở nhà trường và báo chí cả trong lẫn ngoài nước đều trình bày sự kiện lịch sử trọng đại này quá phiến diện, khô khan và không hấp dẫn.

Chứng kiến mọi diễn biến trước, trong và sau ngày 30/4/10975 lịch sử, theo ông, những ngày trước 30/4, người dân có tin tưởng cuộc chiến này sẽ dẫn đến một thay đổi triệt để?

- Thật lòng, người dân có ý thức và nhóm tướng Minh đều e ngại tướng “cowboy” Nguyễn Cao Kỳ, linh mục chống Cộng Trần Hữu Thanh sẽ tổ chức đảo chính và lập phòng tuyến tử thủ ở Sài Gòn và Cần Thơ. Điều này có khả năng xảy ra vì cũng còn khá nhiều người muốn tiếp tục chống cự do thật sự lo sợ Cộng sản vào sẽ có cuộc “tắm máu” một triệu người như tuyên truyền lâu nay. Ai cũng muốn có hòa bình, hết chiến tranh. Người dân dễ dàng đứng về phía cách mạng nếu họ tạo lập được trật tự đó. Nói về ngày 30/4/1975, nhà báo Đức Borrie Gallasch gọi đây là “thời khắc số 0” đối với TP Hồ Chí Minh và nhà sử học Nguyễn Nhã gọi đây là thời điểm “đổi đời” của người dân miền Nam.
Tôi muốn kể câu chuyện lịch sử không khô khan - Ảnh 2
Ông đã làm gì để chuẩn bị cho cá nhân mình và gia đình vào thời điểm đó? Ông có nghĩ mình có thể bị nguy hiểm trong tình hình rối ren khi ấy?

- Vào lúc đó, không ai có thì giờ nghĩ cho cá nhân hoặc gia đình mình, mà chỉ biết lo cho cái chung, không kể hiểm nguy. So sánh với người chiến sĩ giải phóng mà tôi chứng kiến từ năm 1965 ở các chiến khu cách mạng, hàng giờ phải đối mặt với cái chết, thấy mình hoạt động cách mạng ở TP sung sướng và an toàn hơn nhiều.

Ngày 30/4/1975, khi xe tăng tiến vào cổng Dinh Độc Lập, ông và nội các Dương Văn Minh đang ở đâu và mọi người có thái độ ra sao? 

- Tôi cùng GS Huỳnh Văn Tòng (ở Pháp về, dạy báo chí) và nhà báo Cung Văn Nguyễn Vạn Hồng (TTX Việt Nam Cộng hòa) đã vào Dinh Độc Lập sau khi nghe lời kêu gọi bàn giao chính quyền của Tổng thống Dương Văn Minh, lúc ấy khoảng 8 giờ (theo giờ ngày nay, giờ Sài Gòn lúc ấy là 9 giờ). Tôi vào Dinh cùng người bạn là Tổng trưởng thông tin Lý Quí Chung (tôi đã trốn ở nhà Chung cả tháng trước) sử dụng công xa có cắm cờ chạy ra chiếm các đài phát thanh và truyền hình một cách hợp pháp (vì các đài này có cảnh sát dã chiến trấn giữ), để phát đi sớm tiếng nói cách mạng. Mọi người chung quanh tướng Minh đều ở trong tình trạng chờ đợi quân giải phóng đến bàn giao chính quyền, ông Minh ra lệnh mở cửa Dinh và không cho bất kỳ binh sĩ bảo vệ Dinh nào mang vũ khí hoặc chống cự.
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh chuẩn bị thu âm lời đầu hàng (Nguyễn Hữu Thái thứ hai từ phải, tay cầm kẹp giấy) - (ảnh do nhân vật cung cấp).
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh chuẩn bị thu âm lời đầu hàng (Nguyễn Hữu Thái thứ hai từ phải, tay cầm kẹp giấy) - (ảnh do nhân vật cung cấp).
Những bộ đội trên xe tăng đi vào đầu tiên có bắt các quân lính và sĩ quan đang ở trong Dinh phải tập hợp lại một chỗ, hay bắt trói, còng tay những người này không?

- Binh lính, bảo vệ Dinh Độc Lập đã bị dồn lại tập trung trên bãi cỏ trước Dinh, để tay lên đầu, không ai bị còng tay. Các chỉ huy cấp thấp quân giải phóng cũng có người muốn trói các thành viên trong nội các Dương Văn Minh. Nhưng Chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng xuất hiện, ông khá hòa nhã song cương quyết, chỉ mời Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra đài phát thanh nói lời đầu hàng.

Khi đưa bộ đội lên nóc Dinh Độc Lập để thay lá cờ, hẳn ông đã có rất nhiều suy nghĩ, cảm xúc? Hai người còn lại, họ có thái độ, lời nói và hành động ra sao?

- Cắm cờ mới thay cờ cũ là hành động tượng trưng cho việc thay đổi chủ quyền. Hạ cờ Việt Nam Cộng hòa và kéo cờ Giải phóng lên để xác định, từ nay chủ quyền thuộc về Cách mạng. Khi lá cờ Giải phóng được kéo lên, riêng tôi thấy đây chính là hành động xác định chấm dứt 117 năm thống trị của thực dân đế quốc phương Tây trên đất nước ta. Dinh Độc Lập trước mang tên Dinh Norodom dành cho viên Toàn quyền Đông Dương người Pháp, sau chuyển vào tay các tổng thống Việt Nam Cộng hòa phục vụ đế quốc Mỹ. Nay 3 thanh niên: Bùi Quang Thận quê miền Bắc, Nguyễn Hữu Thái miền Trung, Huỳnh Văn Tòng miền Nam đứng đây tiêu biểu cho 3 miền giành lại chủ quyền dân tộc, mở ra con đường tự do, độc lập và thống nhất đất nước sau bao năm chiến đấu gian khổ của nhiều thế hệ người Việt. Chúng tôi đều không cầm được nước mắt và trong lòng trào dâng niềm hãnh diện và tự hào dân tộc.

Ở đài phát thanh có còn ai trực hay làm việc không?

- Máy đài vẫn còn chạy, nhưng nhân viên đài đã đi đâu hết cả. Nhóm sinh viên cùng bộ đội đã chiếm đài từ sớm, nhưng không ai biết vận hành và không biết phải phát đi nội dung gì. Khi chúng tôi đến và Chính ủy Tùng thảo lời đầu hàng cho Tướng Minh đọc, sinh viên phải chạy đi tìm kỹ thuật viên, nhà ở gần đài đến vận hành. Nội dung phát tôi phụ trách, làm luôn MC, chủ yếu phát đi các lời của Tổng thống Minh, Chính ủy Bùi Văn Tùng cùng Thủ tướng Vũ Văn Mẫu kêu gọi công nhân viên chức bàn giao cho cách mạng và sinh hoạt bình thường. Tôi còn mượn đọc các chính sách 10 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đối với vùng mới giải phóng. Và sau đó là mời đại diện Nhân dân đến chào mừng chính quyền cách mạng và kêu gọi giới mình hợp tác với chính quyền cách mạng mới. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một trong những người nghe lời kêu gọi đó, anh đã đến và hát bài “Nối vòng tay lớn”. Những ai biết hoặc thuộc bài hát này cũng cùng hòa giọng, trong đó có tôi.

Sau 40 năm từ ngày 30/4/75, ông có cảm tưởng gì khi nhớ lại những sự kiện quan trọng đã xảy ra?

- Ấn tượng nhất là cảm giác có được hòa bình, chấm dứt một cuộc chiến tranh đẫm máu 30 năm, kết thúc cuộc chiến mà trông giống như một cuộc đoàn tụ gia đình lớn. Ngay cả những phóng viên nước ngoài còn ở lại cả trăm người cũng không tin vào mắt mình khi nhìn thấy cảnh tượng bộ đội hòa mình vào với Nhân dân Sài Gòn, trông giống như những người anh em đi xa quay về gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi... Cả đêm 30/4 đó, tôi không thể nào ngủ yên. Không phải vì những thao thức về thân phận, toan tính đối phó với kẻ thù, mà suy nghĩ về một ngày mai từ đây phải tươi sáng, vì rõ ràng là từ nay ta đã thực sự làm chủ vận mệnh của chính mình.

Hòa bình đã đến thật rồi! Lớp thanh niên thành phố lúc đó chưa thể hình dung hết cảm giác có một ngày đất nước chấm dứt chiến tranh, hòa bình trở về. Bắt đầu có lẽ là những ấn tượng kỳ lạ, thật khó tin: Bầu trời sao im ắng không một bóng máy bay, trên phố không có tiếng rú còi đoàn xe quân sự, đêm đến không còn ánh sáng hỏa châu, tiếng súng vọng về. Ấn tượng đêm 30/4 đầu tiên là như thế. Tôi thẫn thờ như người đi trong mơ. Không còn chiến tranh, cả nước có hòa bình và thống nhất thật rồi!

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!