Đó là thông tin buổi gặp gỡ báo chí và công bố Lễ tôn vinh Doanh nhân, Doanh nghiệp Thăng Long 2022, chiều ngày 12/10, tại Hà Nội do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) và Sở KH&ĐT, Sở Công Thương, Sở VH&TT, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội phối hợp tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
Tham dự chương trình có Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng, đại diện các sở, ban ngành.
Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh chia sẻ: Chương trình Lễ tôn vinh Doanh nhân, Doanh nghiệp Thăng Long 2022 nhằm tôn vinh những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia các hoạt động của Hiệp hội và phong trào an sinh xã hội, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
Năm nay, gần 200 doanh nghiệp đại diện cho hơn 351.000 doanh nghiệp Thủ đô đón nhận những phần thưởng cao quý cấp Nhà nước trao tặng: Huân chương Lao động; Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Khen thưởng cúp Thăng Long; Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua của TP Hà Nội; Bằng khen của UBND TP Hà Nội; Bằng khen của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Dự kiến, chương trình sẽ diễn ra vào ngày 10/11 tại Nhà hát lớn Hà Nội, có sự hiện diện của lãnh đạo T.Ư, các Đại sứ quán, tham tán thương mại các nước, đại biểu TP, sở ngành, hiệp hội các tỉnh thành, các đơn vị tài trợ và đại diện doanh nghiệp Thủ đô.
Điểm đổi mới của chương trình năm nay, ban tổ chức sẽ thêm tiêu chí tôn vinh các doanh nghiệp có văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp, góp phần thống nhất về nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Từ đó tạo nền tảng hình thành và phát triển văn minh kinh doanh của TP Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung.
Theo đó, các doanh nghiệp có nhiều chương trình từ thiện ủng hộ đồng bào và các hoạt động khác nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua sản xuất kinh doanh, chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế.
“2021 là một năm nhiều khó khăn và thách thức. Dịch Covid-19 đã khiến các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, du lịch, giải trí, nhà hàng, khách sạn… bị ảnh hưởng nặng nề” - ông Mạc Quốc Anh nói.
Bước sang năm 2022, mặc dù dịch Covid - 19 vẫn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Tuy nhiên, đã có nhiều doanh nghiệp phục hồi hoạt động một cách ngoạn mục. Trong đó, văn hoá doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh có vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức trong một thế giới thay đổi nhanh và khó dự đoán, là yếu tố giúp doanh nghiệp đứng vững trước sự cố.
Doanh nhân, với vai trò là người thủ lĩnh của doanh nghiệp, chính là chủ thể mang tính hạt nhân quyết định, thúc đẩy quá trình này. Theo ông Mạc Quốc Anh, để xây dựng văn hoá kinh doanh, các doanh nghiệp cần tạo sự đồng nhất về tư tưởng, nhận thức trong giới doanh nhân cũng như toàn xã hội về các giá trị đạo đức mà doanh nhân cần tuân thủ, bắt đầu bằng việc xây dựng và khuyến khích thực hành quy tắc đạo đức doanh nhân.
Tại buổi gặp gỡ, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: Làm văn hóa trong doanh nghiệp đầu tiên là làm ra sản phẩm tốt, có thị trường để tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ để kết nối giữa sản phẩm và khách hàng một cách bền vững. Từ đó, doanh nghiệp xây dựng, mô hình quản trị, văn hóa nền tảng cho sản phẩm… Sản phẩm văn hóa tinh thần mà các doanh nghiệp gửi gắm trí tuệ, sự tâm huyết là cốt lõi. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng chuỗi kinh tế khép kín, tuần hoàn, cùng với đó là việc xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Trước đó, Toạ đàm văn hoá doanh nghiệp đã diễn ra trong khuôn khổ sự kiện với sự tham gia của TS Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ VHTT&DL; Viện trưởng viện Văn hóa Dương Thị Liễu cùng nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn...
Các ý kiến cho rằng, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu. Không một thương hiệu mạnh nào không được xây dựng trên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp ngày càng vững chắc và hấp dẫn. Nói rộng ra, văn hoá chính là nền tảng phát triển của doanh nghiệp, khi nền tảng văn hoá vững thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững. Văn hóa tạo nên hình ảnh và thể hiện qua hình ảnh, diện mạo, thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp.
Lễ Tôn vinh Doanh nhân, Doanh nghiệp Thăng Long 2021 với sự đồng hành và hỗ trợ từ phía các đơn vị: Tập đoàn T&T, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), Tập đoàn Stavian, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH), Tập đoàn Geleximco, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Minh Tiến, Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest, Tập đoàn Tân Á Đại Thành, Tập đoàn Sunhouse, Tập đoàn Inox Hoàng Vũ, Công ty CP Sản xuất thương mại dệt may Nam Dương, Công ty CP 22, Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh, Công ty TNHH Trung Thành, Công ty CP ứng dụng và dịch vụ công nghệ cao Astec, Công ty CP Máy tính - Truyền thông - Điều khiển 3C, CLB C&D, CLB HCA, CLB VBCA tại TP HCM, Công ty CP Công nghệ thiết bị Tân Phát, Công ty CP Koffman Việt Nam, Công ty CP Đầu tư Thương mại Mai Thị, Công ty CP Tập đoàn ĐT nước sạch và môi trường Hùng Thành, Công ty SX Thương mại Thu Hà, Tập đoàn Century Hoàng Minh và các đơn vị đồng hành khác.