Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, công tác Đại hội khó nhất là chuẩn bị Văn kiện và lần này có nhiều văn kiện, tổng kết nhiệm kỳ khoá XII gắn với nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Công tác chuẩn bị Văn kiện được thực hiện từ 2018, qua 80 lần lấy ý kiến các ngành, các cấp, các cơ quan và lần đầu tiên đăng công khai để toàn dân góp ý kiến.
Công tác nhân sự cũng bắt đầu chuẩn bị từ 2018 đến bây giờ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, công tác chuẩn bị chưa bao giờ làm như lần này, thể hiện sự chu đáo, thận trọng, khách quan, công tâm, làm từng bước, từng việc từ dễ đến khó, từ rộng đến hẹp và lấy ý kiến các cơ quan. Do đó khi ra Đại hội cũng như họp Ban Chấp hành Trung ương khoá mới đạt sự thống nhất rất nhanh. Cùng với đó, công tác tổ chức phục vụ Đại hội cũng rất chu đáo.
Một điểm quan trọng nữa, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là không khí tin cậy lẫn nhau, phấn khởi, hồ hởi và vui mừng khi đất nước phát triển, Đại hội thành công và thành công này không phải tự nhiên có. Đại hội đã tổng kết, rút ra những vấn đề không chỉ trong 5 năm vừa qua, mà còn trong 35 năm đổi mới. Cùng với đó là định hướng cho không chỉ 5 năm tới, mà cho 10 năm, 20 năm, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam phải trở thành nước phát triển ở trình độ cao.
“Thành công không tự nhiên mà có. Thành công không phải thông qua nghị quyết, bầu Ban chấp hành mới và vỗ tay là xong, quan trọng hơn sắp tới đưa nghị quyết vào cuộc sống, biến thành hiện thực thế nào vì vừa qua kiểm điểm cho thấy tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Nghị quyết phải được thể chế hóa, cụ thể hóa thành những chủ trương, chỉ đạo quyết liệt, từ trên xuống dưới thống nhất, thực hiện tốt để làm ra của cải vật chất, nước phải mạnh, dân phải giàu. Thế mới là thành công Đại hội” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nhấn mạnh về vai trò của báo chí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, với đội ngũ báo chí tham gia đưa tin đông đảo, có tâm huyết, nhiệt tình và trình độ, các nhà báo đã đóng góp rất nhiều vào thành công của Đại hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ và mong báo chí truyền tải khí thế của Đại hội để tạo bước tiến mới cho Việt Nam không thua kém quốc gia nào trên thế giới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo T.Ư chủ trì họp báo |
Đề cập đến công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt trong nhiệm kỳ qua, người đứng đầu Đảng và Nhà nước khẳng định: "Sắp tới, nhiệm vụ còn lớn, nhiều, nặng nề và khó khăn phức tạp trong bối cảnh có nhiều diễn biến mà chúng ta thường nói là “chưa lường hết được”.
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước nhấn mạnh, chống tham nhũng là vấn đề rất lớn không chỉ Việt Nam mà ở nước nào cũng có, không chỉ thời nay mà thời nào cũng có, chỉ là nhiều hay ít và quy mô lớn hay nhỏ. "Đây là bệnh của người có quyền, có chức. Người nắm trong tay tiền của rất dễ không chỉ tham nhũng mà còn tiêu cực và lợi ích nhóm. Tham nhũng mới là một vế, chúng ta phải nói đầy đủ là chống tham nhũng và tiêu cực. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát động từ năm 2013, khi tôi được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Đảng. Từ đó đến nay, liên tục có những vụ việc được xử lý liên quan đến Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, thậm chí thu hồi tài sản lên tới hàng triệu USD"- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định, phòng, chống tham nhũng phải “không trừ một ai, không vùng cấm và không ngừng nghỉ”. Theo đó, gần thời điểm diễn ra Đại hội XIII của Đảng, các vụ việc tham nhũng liên quan đến Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Phó Bí thư các thành phố lớn vẫn được đưa ra xét xử. "Xử lý tham nhũng là hoàn toàn nhân văn, nhân đạo. Tôi vẫn nhớ lời Bác Hồ: “Cưa một cành cây mọt, sâu để cứu cả một cái cây”. Xử lý một vài người để răn đe, giáo dục, ngăn ngừa người khác không vi phạm. Để cảnh tỉnh, cảnh báo, răng đe ngăn ngừa là chính chứ không phải là cốt xử cho nhiều, xử cho nặng"- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.
Theo Tổng Bí thư, đấu tranh chống tham nhũng rất phức tạp, khó khăn, do vậy nếu không có bản lĩnh, không có dũng khí, không có tình cảm chân chính thì sẽ không làm được. Ai cũng thích của, thích tiền. Nhưng danh dự mới là điều thiêng liêng cao quý nhất. Đây là cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, quyết liệt. Chúng ta mới hạn chế, ngăn ngừa được một bước đầu. Nếu không rèn luyện tu dưỡng thì khó tránh khỏi cám dỗ.