Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 17/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm và làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là buổi làm việc có ý nghĩa quan trọng trong không khí toàn ngành Giáo dục chuẩn bị bước vào năm học mới 2012-2013.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, các Bộ, ngành cùng tham gia buổi làm việc này.

Công tác giáo dục và đào tạo đã có bước chuyển tích cực

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ngành Giáo dục và Đào tạo bước đầu đã có chuyển tích cực.

Với phương châm quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng và các Nghị quyết Trung ương Đảng, vấn đề nào đã rõ thì triển khai thực hiện ngay, ngành tích cực chuyển sang phát triển theo chất lượng, chú trọng hiệu quả và đáp ứng nhu cầu xã hội, coi việc nâng cao chất lượng và tuân thủ quy hoạch phát triển nhân lực là mục tiêu của phát triển giáo dục đào tạo.

Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc triển khai đồng bộ các lĩnh vực công tác, lấy đổi mới quản lý là khâu đột phá. Làm thay đổi nhận thức về đổi mới tư duy quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo theo hướng: tách bạch quản lý nhà nước với quản lý chuyên môn của các cơ sở giáo dục đào tạo; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thủ trưởng các cơ sở giáo dục; cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp, không làm thay nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, giao chính quyền các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương; tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ảnh 1
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo Ban Đảng TW chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đổi mới toàn diện trong toàn ngành, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho rằng chất lượng giáo dục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của xã hội. Một số vấn đề bức xúc kéo dài vẫn chưa được giải quyết triệt để là tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, thu góp đầu năm học, tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, sự suy thoái về đạo đức trong một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn chậm, chất lượng chưa đáp ứng tốt yêu cầu quản lý trong bối cảnh thực tiễn đang có nhiều thay đổi nhanh chóng.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận báo cáo với Tổng Bí thư về tiến độ và tình hình chuẩn bị Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (tháng 10/2012).

Nhiều ý kiến tại buổi làm việc cho rằng, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn như hiện nay, thu nhập bình quân đầu người còn thấp thì những thành tựu giáo dục phổ thông, đại học thông qua những giải thưởng rất cao ở các kỳ thi quốc tế xứng đáng được xã hội nhìn nhận thiện chí, công bằng và khách quan hơn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ những thành quả của ngành Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua, trong đó có việc triển khai cho vay để học (Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên); đề án kiên cố hóa trường lớp học. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng ngành Giáo dục cần tiếp tục triển khai công tác quy hoạch đội ngũ giảng viên, giáo viên trên toàn quốc và phải xử lý dứt điểm những bức xúc của xã hội về dạy thêm, học thêm ở các thành phố lớn.

Nỗ lực cần được ghi nhận, tồn tại hạn chế cần sớm khắc phục

Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương toàn ngành Giáo dục đã thực hiện rất tốt chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về giáo dục và đào tạo.

Tổng Bí thư nêu rõ, từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ngành Giáo dục đào tạo đã có nhiều nỗ lực và được ghi nhận qua kết quả trên các cấp học, các kỳ thi quốc gia đã tạo được niềm tin trong xã hội. Từ những thành tựu đó, chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá khách quan đối với những đóng góp của ngành Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh những mặt được, Tổng Bí thư chỉ rõ những tồn tại, hạn chế mà ngành cần sớm khắc phục đó là: chất lượng giáo dục và hiệu quả đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được mong muốn của xã hội; chưa giải quyết được mối quan hệ giữa tăng quy mô giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục; đào tạo phải gắn chặt với nhu cầu xã hội; khả năng tự học, tự nghiên cứu, trình độ ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, khả năng thực hành, khả năng giao tiếp trong công việc của người học còn hạn chế; phương pháp dạy học còn lạc hậu, xa rời thực tiễn; tình trạng thương mại hóa giáo dục; tình trạng đào tạo chạy theo thành tích, không thực chất và chuộng bằng cấp.

Tổng Bí thư yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung thảo luận để đưa ra giải pháp nhằm nâng cao giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh bên cạnh những việc dạy chữ cho học sinh.

Đồng thời, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh toàn ngành Giáo dục đào tạo cần thảo luận, học tập, quán triệt nghiêm túc có chất lượng cao về Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.