GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nói khi chia sẻ với Báo Kinh tế & Đô thị.
Đã có nhiều năm gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công việc, cảm xúc, ấn tượng nào về Tổng Bí thư mà ông luôn nhớ mãi?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Với cá nhân tôi, trong mấy chục năm được biết, được làm việc cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt trong công tác nghiên cứu lý luận, tôi nhận thấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong mọi hoàn cảnh luôn là người người cộng sản có bản lĩnh, trí tuệ và kiên định lập trường chính trị. Cả cuộc đời của đồng chí luôn giữ gìn, nêu cao và lan tỏa phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng. Ở đồng chí có tính tiền phong, gương mẫu và cực kỳ liêm khiết. Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã thể hiện rõ vai trò là hạt nhân lãnh đạo, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, qua đó đã tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị với tinh thần "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt". Đồng chí đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, với những dấu ấn nổi bật.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người rất tình cảm. Đồng chí sống rất gắn bó với anh em và quan tâm đến từng việc nhỏ một. Lần nào gặp những đồng nghiệp cũ, đồng chí cũ, đều quan tâm hỏi thăm gia đình, cha mẹ, vợ con.
Trong công việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cực kỳ nghiêm khắc. Tôi nhớ có lần vào đầu những năm 90, đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch một hội đồng nghiệm thu một đề tài cấp Bộ ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền, do người viết chuẩn bị chưa kỹ nên còn một số lỗi kỹ thuật như sai chính tả, vài nội dung trùng lắp giữa hai phần nên xin lỗi với lý do quá vội. Lúc đó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở: "Làm khoa học phải hết sức nghiêm túc, nếu không để ý đến những lỗi nhỏ thì sẽ dẫn đến lỗi lớn và chuyện đó không thể thanh minh được. Và khi có lỗi thì phải nhận lỗi để sửa, không nên viện vào lý do nào khác".
Đồng chí luôn nhắc nhở chúng tôi, nói đến khoa học, tức là nói một công việc vô cùng nghiêm túc, nghiêm cẩn. “Cái gì nghiên cứu kỹ, thấy thật sự rõ rồi hãy đưa ra áp dụng vào thực tế, tổ chức thực hiện cho thật tốt; nếu còn thấy chưa rõ, còn có nghi ngờ thì cần phải nghiên cứu tiếp cho rõ hãy làm!”.
Trong cuộc sống đời thường, đồng chí là người rất giản dị, liêm khiết, chuyên cần, gần gũi với người dân. Không chỉ riêng mình, đồng chí còn truyền những giá trị tốt đẹp đó cho cả gia đình, để thực sự là một gia đình gương mẫu. Chị Ngô Thị Mận - vợ của đồng chí, là một cán bộ công an đã về hưu, rất cần mẫn, chăm chỉ việc nhà, chăm lo, sắp xếp để chồng yên tâm công tác. Hai người con của đồng chí đã có gia đình riêng, bản thân các cháu và con dâu, con rể đều được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn tốt, hiện đang làm những công việc với vị trí bình thường ở các cơ quan nhà nước. Quan điểm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về con cái rất nghiêm khắc. Luôn yêu cầu các con phải tự lực cánh sinh, tự chịu trách nhiệm với bản thân và tự khẳng định mình. Khi làm Chủ tịch Quốc hội, Văn phòng đề nghị thay xe mới theo chế độ, đồng chí nói “Xe vẫn chạy tốt, sao phải thay làm gì cho tốn kém!”. Và đồng chí vẫn sử chiếc xe Toyota Cressida cũ.
Chính lối sống giản dị, liêm khiết, gần gũi, chia sẻ với mọi người, trở thành một tấm gương mẫu mực của người cộng sản, đã để lại những tình cảm rất sâu sắc, rộng lớn trong các tầng lớp Nhân dân cả nước.
Là nhà lãnh đạo gánh vác những trọng trách đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là nhà lý luận xuất sắc, gắn bó cả cuộc đời mình với công tác lý luận chính trị của Đảng, nhận thức rõ lý luận là "bó đuốc" dẫn đường cho cách mạng. Ông có thể phân tích sâu hơn về những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư trong công tác lý luận của Đảng?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, đã gánh vác nhiều trọng trách, từ lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đến Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư. Bất cứ ở vị trí công tác nào, đồng chí đều là người có nhiều đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, nhằm thực hiện công việc theo chức trách của mình một cách tốt hơn, hiệu quả hơn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong số ít những đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước đồng thời là một nhà lý luận.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng và những đóng góp của đồng chí vào công tác lý luận của Đảng là rất to lớn. Theo tôi có thể nhìn nhận trên mấy khía cạnh như sau.
Cả cuộc đời của đồng chí gắn bó với hoạt động lý luận.
Từ khi rời ghế trường đại học, đồng chí về làm việc tại tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) và có 29 năm làm việc, nghiên cứu lý luận ở cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ trách nhiệm của một cán bộ biên tập cho đến khi trở thành Tổng Biên tập. Từ cuối năm 1996, đồng chí trở thành ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khóa I; đến khóa II của Hội đồng Lý luận Trung ương, đồng chí làm Bí thư Thành ủy Hà Nội xong vẫn được Bộ Chính trị phân công làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, người chủ trì việc nghiên cứu tổng kết 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Khi làm Chủ tịch Quốc hội, đồng chí được Bộ Chính trị phân công phục trách công tác lý luận của Đảng, là Phó thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XI của Đảng, người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, tổng kết, chuẩn bị nội dung cho Cương lĩnh chính trị bổ sung, phát triển năm 2011. Khi trở thành Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí tiếp tục phụ trách chỉ đạo công tác lý luận của Đảng. Cho đến những năm cuối đời, do công việc nặng nề và một phần là sức khỏe, đồng chí không trực tiếp phụ trách công tác lý luận, nhưng lúc nào đồng chí cũng quan tâm đến công tác lý luận, đến hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và đóng góp lớn cho công tác lý luận chính trị của Đảng qua các bài viết, bài nói của mình.
Về mặt tổ chức, chỉ đạo nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người có vai trò, trách nhiệm và đóng góp rất quan trọng. Cuối năm 1996, đồng chí là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương ngay từ khóa đầu tiên 1996 - 2001. Từ năm 2001 đến giữa năm 2006, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, song đồng chí vẫn được Bộ Chính trị phân công làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - đây là điều rất đặc biệt, hạn hữu khi một cán bộ vừa công tác tại địa phương vừa đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, thể hiện năng lực chuyên môn trong nghiên cứu và sự tín nhiệm đồng chí trong Đảng và giới nghiên cứu lý luận chính trị. Với trách nhiệm này, đồng chí là người chủ trì triển khai, tổ chức thực hiện việc tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn của 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Chính những kết quả của cuộc tổng kết này đã góp phần xây dựng các cơ sở khoa học, thực tiễn quan trọng, chuẩn bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng bổ sung phát triển Cương lĩnh chính trị của Đảng sau 20 năm thực hiện.
Tháng 6/2006, đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Vừa thực thi trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan lập pháp của Nhà nước với nhiều đổi mới trong tổ chức, điều hành các hoạt động của Quốc hội, đồng chí vừa gánh vác trách nhiệm thay mặt Bộ Chính trị phụ trách công tác lý luận của Đảng. Đặc biệt, đồng chí là người được Bộ Chính trị giao trách nhiệm làm Phó thường trực Tiểu ban Văn kiện, trực tiếp chỉ đạo toàn bộ việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn, chuẩn bị nội dung cho báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội XI của Đảng và bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội – xây dựng nên Cương lĩnh năm 2011.
Từ năm 2011 - 2016 (khóa XI), đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng thời cũng là người thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp phụ trách công tác lý luận của Đảng. Đồng chí yêu cầu 6 tháng một lần làm việc với Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, dù rất bận với công việc của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, nhưng không bao giờ đồng chí lỗi hẹn hoặc thay đổi lịch làm việc. Mỗi một lần làm việc là một lần đồng chí kiểm tra, đánh giá công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, nhắc nhở, động viên ban lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương trong công việc chuyên môn và gợi ý những vấn đề mới đặt ra mà Hội đồng Lý luận Trung ương cần tập trung nghiên cứu, tổng kết.
Từ nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, do yêu cầu công việc chung, đồng chí Nguyễn Phú Trọng giao công việc phụ trách trực tiếp công tác lý luận của Đảng cho đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Mặc dù không trực tiếp phụ trách nhưng đồng chí vẫn thường xuyên theo dõi các hoạt động nghiên cứu tổng kết lý luận, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, gợi ý những vấn đề mới cần quan tâm nghiên cứu, hoặc giao nhiệm vụ nghiên cứu, tìm ra lời giải về cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn.
“Trên hết, chúng ta nhận thấy tư tưởng lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội Việt Nam thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ, danh dự, đạo đức, nhân cách của người cách mạng, với trái tim sục sôi bầu nhiệt huyết, luôn đau đáu một lòng vì Đảng, vì nước, vì dân của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và đất nước” - GS. TS Tạ Ngọc Tấn
Với hoạt động không mệt mỏi và liên tục của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thực sự có đóng góp rất to lớn cho quá trình đổi mới nhận thức lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Chính những bước chuyển to lớn về nhận thức lý luận của Đảng là tiền đề cho việc đổi mới chủ trương, chính sách, tạo nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong xây dựng, phát triển đất nước, giúp cho nước ta chưa bao giờ có được “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Ông có thể nói rõ hơn về ý nghĩa to lớn từ nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa xã hội Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một di sản rất quý báu để lại cho dân tộc, đối với con đường phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Có thể khẳng định, những đóng góp về lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chủ nghĩa xã hội Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam không chỉ có ý nghĩa như cơ sở khoa học phục vụ quá trình hoạch định đường lối đổi mới, mà còn trở thành di sản quý báu, có ý nghĩa lâu dài trong cả sự nghiệp xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Di sản lý luận chính trị to lớn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng bao gồm các vấn đề rộng lớn, bao gồm nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cụ thể riêng có của Việt Nam, cơ sở để hình thành nên mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam, đến các vấn đề lý luận về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Bất cứ vấn đề nào cũng có những dấu ấn nổi bật của đồng chí.
Một điều rất quý, rất đáng trân trọng là, di sản lý luận to lớn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã được hòa quyện trong thành tựu lý luận chung của Đảng ta, đã trở thành cơ sở cho việc xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Đến lượt nó, mô hình ấy trở thành cơ sở, căn cứ định hướng cho quá trình hoạch định chính sách, xây dựng hệ thống pháp luật, triển khai trên thực tế, mang lại kết quả tích cực. Một khi thực tế đã chứng minh hiệu quả thực sự của di sản, thành tựu lý luận đó, cũng có thể khẳng định chắc chắn rằng, đó sẽ không chỉ là cơ sở cho việc đề ra các chính sách giải pháp phục vụ xây dựng, phát triển đất nước thời gian tới, mà còn là nền tảng, cơ sở cho việc tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh, điều kiện mới.
Cùng với đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xuất bản gần 40 cuốn sách, hàng trăm bài báo khoa học, bài viết, bài nói có hàm lượng khoa học cao, bao quát hầu hết các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Và mặc dù có những đóng góp to lớn về lý luận chính trị như vậy, nhưng đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện là một người rất khiêm nhường. Khi nói về các thành tựu lý luận - đồng chí luôn nói “đây là những thành tựu lý luận của Đảng”.
Xin trân trọng cảm ơn ông!