Hướng tới minh bạch và hiệu quả quản lý tài sản công
Thông tin từ Bộ Tài chính, tổng kiểm kê tài sản công trên toàn quốc là nhiệm vụ trọng điểm trong giai đoạn 2024 - 2025, hướng tới nâng cao hiệu quả quản lý, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời tạo cơ sở dữ liệu chính xác phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 1/3/2024, cuộc kiểm kê bao gồm các tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (trừ tài sản thuộc lực lượng vũ trang và bí mật quốc gia) và các tài sản kết cấu hạ tầng quan trọng như đường bộ, đường sắt, sân bay, hệ thống cấp nước, thủy lợi, chợ, khu công nghiệp, khu công nghệ cao cùng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp cơ sở. Thời điểm chốt số liệu kiểm kê là 0 giờ ngày 1/1/2025.
Mục tiêu của cuộc kiểm kê nhằm đánh giá đầy đủ số lượng, giá trị, cơ cấu và tình trạng sử dụng tài sản công, làm cơ sở để hoàn thiện chính sách quản lý và sử dụng tài sản công. Kết quả này sẽ hỗ trợ việc lập báo cáo tài chính quốc gia, minh bạch hóa nguồn lực và tăng hiệu quả đầu tư công.
Để triển khai, Bộ Tài chính đã phát triển phần mềm kiểm kê tài sản công nhằm hỗ trợ thống kê, báo cáo, và tổng hợp số liệu. Các biểu mẫu, chỉ tiêu kiểm kê được xây dựng rõ ràng, đồng thời tổ chức các hội nghị tập huấn cho tất cả bộ, ngành, địa phương dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Bộ cũng phát hành các video hướng dẫn nghiệp vụ, cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ các đơn vị, đảm bảo thống nhất quy trình thực hiện.
Đến nay, 44/45 bộ, cơ quan trung ương và toàn bộ 63 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê, ban hành kế hoạch chi tiết. Hầu hết các đơn vị đã hoàn tất tập huấn, sẵn sàng triển khai đúng tiến độ đề ra.
Thách thức lớn đi kèm quyết tâm cao
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong giai đoạn chuẩn bị, cuộc tổng kiểm kê vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, khối lượng công việc rất lớn với gần 100.000 đơn vị thuộc phạm vi kiểm kê. Đặc biệt, nhiều tài sản kết cấu hạ tầng như đê điều, công trình công cộng lâu đời thiếu tài liệu, hồ sơ bàn giao, gây khó khăn trong việc xác định giá trị và hiện trạng.
Ngoài ra, việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính ở một số địa phương cũng dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý, chuyển giao tài sản. Một số tài sản công như đất đai chưa được định giá chính xác hoặc chưa có quy định đầy đủ để đánh giá, gây khó khăn trong việc tổng hợp số liệu.
Để khắc phục, Bộ Tài chính đã ban hành hướng dẫn chi tiết, yêu cầu các cơ quan báo cáo ngay tình trạng tài sản dôi dư, không sử dụng. Đồng thời, Bộ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hỗ trợ các đơn vị quản lý, theo dõi tài sản công hiệu quả hơn.
Phát biểu tại họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Nguyễn Tân Thịnh nhấn mạnh: “Tổng kiểm kê tài sản công không chỉ là nhiệm vụ hành chính mà còn là bước đi chiến lược nhằm minh bạch hóa, phòng chống tham nhũng, lãng phí và tối ưu hóa nguồn lực quốc gia. Kết quả kiểm kê sẽ giúp các cơ quan, tổ chức xây dựng kế hoạch quản lý hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững”.
Sau khi hoàn tất, Bộ Tài chính dự kiến sử dụng dữ liệu kiểm kê để hoàn thiện các chính sách định giá, quản lý và sử dụng tài sản công, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả và minh bạch trong quản lý tài sản. Đây là nền tảng quan trọng để tối ưu hóa nguồn lực, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.