Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Iran Rouhani đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz

Nguyễn Phương (Theo Reures, DW)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo với Mỹ nước này có thể đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz nếu Washington tiếp tục khiêu khích Tehran.

Phát biểu trong buổi tiếp các đại sứ, trưởng phái bộ ngoại giao của Iran ở nước ngoài tại Tehran ngày 22/7, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh: "Chúng tôi luôn đảm bảo an ninh cho eo biển này".
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. 
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Iran cũng cảnh báo nếu nước này không thể xuất khẩu dầu của mình, các nước khác trong khu vực cũng sẽ không thể xuất khẩu dầu của họ. "Tổng thống Trump, ngài đừng đùa với chiếc đuôi của sư tử bởi hành động này sẽ khiến ngài hối hận", ông Rouhani nói.
Tổng thống Rouhani trước đó đã lên tiếng đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz để trả đũa lệnh trừng phạt của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu dầu của Iran. Bởi, eo biển Hormuz là một trong những tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng nhất trên thế giới và kết nối vùng Vịnh Ba Tư giàu dầu mỏ với Ấn Độ Dương.
Hãng tin ISNA của Iran cho hay, Tổng thống Iran cũng cảnh báo Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc theo đuổi các chính sách khiêu khích đối đầu với Tehran và cho rằng “đối đầu với Iran là mẹ của mọi loại chiến tranh”. Tuy nhiên, ông Rouhani không hề đưa ra bất kỳ kế hoạch hòa bình nào giữa hai nước.
Tổng thống Rouhani cũng nhấn mạnh, Mỹ nên duy trì quan hệ hòa bình với Iran bởi đây là việc làm quan trọng đối với các chính sách của Mỹ.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ sau một ngày Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Hosseini Khamenei khẳng định ủng hộ đề nghị của Tổng thống Rouhani về việc Iran sẽ phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu mỏ ở vùng Vịnh trong trường hợp hoạt động xuất khẩu của nước này bị cấm.
Cả Tổng thống Rouhani và Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei đều bác lời kêu gọi đàm phán lại Thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Trump.
Iran hiện đang đối mặt với các lệnh trừng phạt và gây sức ép từ phía Mỹ sau khi Tổng thống Trump quyết định rời khỏi thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với Nhóm P5+1 gồm Mỹ, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc từ năm 2015.
Động thái của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích từ phía Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh và Liên minh châu Âu. Sau khi Mỹ rút khỏi văn kiện quan trọng này, các cường quốc vẫn cam kết tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Mối quan hệ giữa WashingtonTehran liên tục xấu đi kể từ tháng 5 vừa qua khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran và liên tục áp đặt biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Tehran.