70 năm giải phóng Thủ đô

Tổng thống Joe Biden khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong phát biểu tại Đại hội đồng LHQ

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Joe Biden trong bài phát biểu dài 30 phút hôm 21/9 tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã đưa ra một tầm nhìn chi tiết trong dẫn dắt nước Mỹ bước vào một “kỷ nguyên ngoại giao mới”.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 21/9. Ảnh: Reuters
Kỷ nguyên ngoại giao không ngừng nghỉ
Tổng thống Mỹ trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên hợp quốc đã mô tả một thế giới Mỹ dẫn dắt, thay vì sức mạnh quân sự, sẽ đóng vai trò là động lực để giải quyết các vấn đề nhức nhối như Covid-19, biến đổi khí hậu và chiến tranh không gian mạng.
Đó là một thông điệp hoàn toàn khác với người tiền nhiệm Donald Trump. Thay vào đó, ông Biden đã đưa ra một bài phát biểu truyền thống hơn ca ngợi sứ mệnh đa phương của Liên hợp quốc và tuyên bố một chương mới bắt đầu với quyết định kết thúc chiến tranh ở Afghanistan của mình.
Ông Biden gọi 10 năm tới là "thập kỷ quyết định đối với thế giới của chúng ta" sẽ là tương lai của cộng đồng toàn cầu, và tuyên bố hành tinh này đang đứng ở một “bước ngoặt lịch sử".
Tổng thống Biden cũng cho rằng việc cộng đồng toàn cầu đối phó với những thách thức cấp bách như khủng hoảng khí hậu và đại dịch Covid-19 sẽ "vang dội trong nhiều thế hệ sau". Đồng thời cũng cho biết những thách thức cần phải được giải quyết thông qua đổi mới công nghệ và hợp tác toàn cầu, thay vì chiến tranh.
"Chúng ta đã kết thúc 20 năm xung đột ở Afghanistan, và khi chúng ta khép lại thời kỳ chiến tranh không ngừng này, chúng ta đang mở ra một kỷ nguyên mới của ngoại giao không ngừng nghỉ, sử dụng sức mạnh của viện trợ phát triển để đầu tư vào những cách thức mới, nâng cao chất lượng con người trên khắp thế giới, "Biden nói.
Mỹ không muốn Chiến tranh lạnh 2.0
Bài phát biểu đề cập tới nhiều chủ đề ông Biden đã chia sẻ kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1/2021, theo đó định hình tương lai của các mối quan hệ toàn cầu là dân chủ so với chuyên quyền và nhấn mạnh các kế hoạch của Mỹ nhằm tăng cường mối quan hệ với các đồng minh.
 
Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh nước Mỹ phản đối cách hành xử cá lớn nuốt cá bé, nước mạnh hơn lấn lướt nước yếu hơn. Ông tuyên bố Washington không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh lạnh mới và sẵn sàng làm việc với các nước thượng tôn, kiên trì theo đuổi các giải pháp hòa bình.
"Mỹ sẽ cạnh tranh, và sẽ cạnh tranh mạnh mẽ cũng như dẫn đầu bằng các giá trị và sức mạnh của mình", ông Biden nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ khẳng định nước này sẽ "đứng lên vì các đồng minh và bạn bè của mình, phản đối các quốc gia mạnh hơn lấn lướt những nước yếu hơn".
Theo Hãng tin Reuters, các phát biểu này đang nhắm tới Trung Quốc dù ông Biden không trực tiếp nêu tên Bắc Kinh. "Chúng tôi không tìm kiếm - tôi nhắc lại - chúng tôi không tìm kiếm một cuộc Chiến tranh lạnh mới hay một thế giới bị chia tách thành những khối cứng nhắc.
Mỹ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ và theo đuổi giải pháp hòa bình đối với những thách thức chung, ngay cả khi chúng ta có bất đồng gay gắt trong các lĩnh vực khác. Bởi vì tất cả chúng ta đều phải gánh chịu hậu quả cho sự thất bại của chính mình", ông Biden nêu quan điểm.
Theo Tổng thống Biden, những cơ chế và tổ chức mà Mỹ đang tiếp xúc như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Liên minh châu Âu, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và quan hệ đối tác "Bộ tứ" gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản nhằm giải quyết những thách thức và đe dọa của "hôm nay và mai sau".
Không nêu tên Trung Quốc, ông Biden cho biết Mỹ không muốn có một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với quốc gia đông dân nhất thế giới, nhưng thay vào đó ông nói rằng ông đang tìm cách "cạnh tranh mạnh mẽ" với các chế độ chuyên quyền trên thế giới. Ông cho biết Mỹ đang chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đang "tập trung vào việc dành nguồn lực của mình cho những thách thức nắm giữ chìa khóa cho tương lai chung của thế giới.
"Sức mạnh quân sự của Mỹ phải là công cụ cuối cùng của chúng ta, không phải là phương án đầu tiên của chúng ta và không nên được sử dụng như một câu trả lời cho mọi vấn đề mà chúng ta thấy trên toàn thế giới", Biden nói. "Thật vậy, ngày nay nhiều mối quan tâm lớn nhất của chúng ta không thể được giải quyết hoặc thậm chí giải quyết thông qua vũ khí. Bom và đạn không thể chống lại Covid-19 hoặc các biến thể trong tương lai của nó."
Tổng thống Biden cũng tập trung nhiều vào đại dịch Covid-19 trong bài phát biểu lần này. Ông chỉ ra việc Mỹ đã "làm lành" với Tổ chức Y tế thế giới và phối hợp chặt chẽ với cơ chế COVAX để "cứu mạng sống trên toàn cầu".
Tổng thống Mỹ cũng cam kết chính quyền của ông sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để "tăng gấp đôi ngân sách hỗ trợ các nước đang phát triển" chống lại biến đổi khí hậu.