Tổng thống Pakistan Zardari bác khả năng từ chức

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 7/1, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã lên tiếng bác bỏ khả năng rời nhiệm sở và nói rằng không ai yêu cầu ông từ chức. Đây là phản ứng của ông Zardari trước những tin đồn rằng giới quân sự nước này muốn ông phải ra đi.

Tổng thống Zardari đang phải đối mặt với khủng hoảng chính trị lớn nhất đối với ông kể từ khi nhậm chức năm 2008 liên quan đến một bức thư mật được cho là gửi đến Lầu Năm Góc tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ để hạn chế quyền lực của giới quân sự Pakistan.

Theo tiết lộ của một doanh nhân Mỹ, ông ta đã chuyển một bức thư mật từ Đại sứ Pakistan tại Mỹ Husain Haqqani, người thân cận với ông Zardari , gửi tư lệnh quân đội Mỹ mang nội dung đề nghị Washington giúp ngăn chặn một âm mưu đảo chính tại Pakistan do giới quân sự tiến hành. Chính phủ Pakistan khẳng định bức thư này là bịa đặt và yêu cầu Ủy ban An ninh Quốc gia của Quốc hội điều tra.
Trong khi đó, các chỉ huy quân đội và tình báo cho rằng bức thư là có thật và cũng yêu cầu tiến hành điều tra. Đại sứ Pakistan tại Mỹ Haqqani đã từ chức và về nước để phục vụ công tác điều tra.

Vụ việc trên càng làm nổi bật căng thẳng giữa chính phủ dân sự với giới quân sự đã nắm giữ quyền lực lâu năm ở Pakistan. Nó cũng làm tăng sức ép lên các quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Pakistan với Mỹ.

Trong khi đó, ngày 7/1, Liên minh các đảng tôn giáo ở Pakistan tuyên bố phản đối mọi quyết định mà chính phủ nước này có thể đưa ra nhằm khôi phục tuyến tiếp vận cho lực lượng NATO ở Afghanistan đi qua lãnh thổ Pakistan.

Trong một tuyên bố đưa ra tại cuộc họp báo chung ở Islamabad, các nhà lãnh đạo liên minh chính trị-tôn giáo có tên "Bảo vệ Pakistan" nhấn mạnh "hội đồng lên án và bác bỏ những nỗ lực mở lại tuyến tiếp tế của NATO".

Theo họ, việc phong tỏa tuyến tiếp tế của NATO và Mỹ rút khỏi căn cứ không quân Shamsi là những bước đi đúng đắn. Do đó, việc khôi phục tuyến tiếp tế này sẽ lại là lời "mời gọi" các hoạt động tấn công và khủng bố nhằm vào Pakistan. Các nhà lãnh đạo liên minh cũng hối thúc Chính phủ Pakistan thoát khỏi cái gọi là "cuộc chiến chống khủng bố" và không dính dáng đến cuộc chiến này.

Pakistan đã phong tỏa tuyến tiếp tế cho lực lượng 150.000 binh sĩ NATO do Mỹ cầm đầu ở Afghanistan một ngày sau sự kiện ngày 26/11/2011, máy bay tiêm kích và trực thăng NATO oach tạc các chốt kiểm soát của Pakistan trên biên giới khiến 24 binh sĩ nước này thiệt mạng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Ahmad Mukhtar gần đây nói rằng Islamabad đang xem xét đánh thuế đối với các xe tải của NATO, ám chỉ khả năng mở lại tuyến tiếp vận này.

Truyền hình nhà nước Pakistan PTV ngày 7/1 đưa tin nước này đã trả tự do cho 179 ngư dân người Ấn Độ và 1 công dân Ấn Độ khác đã mãn án tại một nhà tù ở thành phố cảng Karachi ở miền Nam Pakistan. Các ngư dân này bị bắt khi đánh cá tại vùng biển của Pakistan trong vài tháng qua.

Tất cả những tù nhân được thả đã lên các xe buýt tới thành phố Lahore ở miền Đông và sau đó được bàn giao cho nhà chức trách Ấn Độ tại cửa khẩu biên giới. Ấn Độ và Pakistan thường xuyên bắt giữ các ngư dân của nhau vì hai nước chưa xác định rõ hải giới./.