“Chúng tôi thực sự cần phải hoàn tất một cuộc đàm phán mới với Iran về Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015” - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Hội đồng Đại Tây Dương ở Paris hôm 4/2.
Tổng thống Macron cam kết "sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ bất kỳ sáng kiến nào từ phía Mỹ nhằm tham gia trở lại một cuộc đối thoại” và “cố gắng trở thành trung gian trong cuộc đối thoại này".
Tổng thống Pháp đã nỗ lực nhiều lần, song không thành công trong việc thuyết phục cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lại Thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung, gọi tắt là JCPOA.
Hồi năm 2019, Tổng thống Macron đã đề nghị làm trung gian trong đàm phán giữa Washington và Tehran về thỏa thuận JAPOA.
Trong bài phát biếu hôm 4/2, Tổng Macron nhấn mạnh rằng hiện cần phải tiến hành một cuộc đàm phán mới với Iran vì nước này tiến gần hơn đến khả năng có thể sản xuất vũ khí hạt nhân, cần phải đối phó với chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran và thúc đẩy ổn định khu vực.
Ông Macron cũng ủng hộ các cuộc đàm phán mới về những giới hạn đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, bao gồm cả với Israel và Ả Rập Saudi vì đây là "những đối tác quan trọng của khu vực". Hai quốc gia này đã phản đối quyết liệt JCPOA và ủng hộ quyết định rút khỏi thỏa thuận của Mỹ.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây tuyên bố Mỹ sẽ quay lại JCPOA nếu Iran quay trở lại tuân thủ "nghiêm ngặt" các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân đa phương.
Các nhà ngoại giao châu Âu và phương Tây cho biết Anh, Pháp và Đức đã đề xuất trình tự dỡ bỏ trừng phạt Iran để Iran tuân thủ trở lại các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Hiện chưa chắc chắn liệu Washington có đồng ý dỡ bỏ trước các lệnh trừng phạt đối với Iran hay không.
Iran mong muốn Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt do ông Trump áp đặt trước các cuộc đàm phán. Thỏa thuận JCPOA, được Iran ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức).
Năm 2018, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.
Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani. Iran khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu urani ở độ tinh khiết 90% - mức để chế tạo vũ khí hạt nhân./.