"Nếu Ukraine gia nhập NATO và cố gắng lấy lại Crimea bằng các biện pháp quân sự, chắc chắn các nước châu Âu sẽ bị cuốn vào cuộc xung đột quân sự với Nga. Sẽ không có người chiến thắng" - Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong buổi họp báo với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron sau cuộc hội đàm dài 5 giờ ở thủ đô Moscow hôm 7/2.
Theo Reuters, người đứng đầu Điện Kremlin nói rằng một số đề xuất của Tổng thống Macron đưa ra tại cuộc hội đàm có thể giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng Ukraine. “Một số ý tưởng, đề xuất của nhà lãnh đạo Pháp là khả thi, và có thể tạo cơ hội giúp hạ nhiệt căng thẳng Nga-Ukraine, ” Tổng thống Putin nói.
Theo Tổng thống Putin, Nga tuyên bố không có ý định tấn công bất cứ ai và không chấp nhận chiến tranh với Ukraine, nhưng có thể thực hiện hành động quân sự nếu các yêu cầu an ninh của họ không được đáp ứng. Một trong những yêu cầu an ninh của Nga là NATO không kết nạp Ukraine, điều mà Mỹ và NATO gọi là không thể chấp nhận được.
Cũng trong cuộc hội đàm, Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng giới chức Ukraine cần tôn trọng thỏa thuận Minsk về xung đột ở miền đông và hy vọng tình hình căng thẳng hiện nay có thể được giải quyết hòa bình.
Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết những ngày sắp tới sẽ rất quan trọng trong nỗ lực giảm căng thẳng tại Ukraine. Nhà lãnh đạo Pháp cũng khẳng định cần đảm bảo nền độc lập của Ukraine, Moldova và Belarus.
Tổng thống Macron lưu ý thêm rằng đẩy mạnh hoạt động ngoại giao giữa các bên sẽ mang lại kết quả. “Tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt được thành quả, dù điều đó không dễ dàng", nhà lãnh đạo Pháp nói.
Trong diễn biến liên quan, tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 7/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục cảnh báo trừng phạt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 nếu Nga tấn công Ukraine. Cụ thể, ông Biden nhấn mạnh rằng nếu quân đội, vũ khí Nga vượt biên giới sang Ukraine, tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ không còn tồn tại, Mỹ và đồng minh sẽ đặt dấu chấm hết cho dự án này.
Về phần mình, Thủ tướng Scholz nói rằng Mỹ và Đức thống nhất quan điểm về biện pháp đáp trả trong trường hợp Nga can dự quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, ông Scholz không khẳng định cụ thể “đóng băng” dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là một bước đi mà chính phủ Đức sẽ sẵn sàng áp đặt để trừng phạt Nga.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Scholz là một phần trong chuỗi các hoạt động ngoại giao nhằm xuống thang khủng hoảng ở Ukraine.
Quan hệ Nga với Ukraine và phương Tây đã leo thang căng thẳng thời gian gần đây khi Mỹ và NATO cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Tuy nhiên, Moscow bác cáo buộc và khẳng định mọi động thái đều nhằm tự vệ.
Phản ứng trước những nhận định của phương Tây thời gian qua, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy ngày 6/2 cho rằng việc đánh giá khả năng Nga tấn công Ukraine là “điên rồ và hù dọa”.
Trong các cuộc gặp hồi tháng 1 vừa qua, cả Mỹ và NATO đã bác yêu cầu của Nga cấm Ukraine gia nhập NATO và rút các lực lượng đồng minh và hệ thống vũ khí khỏi Đông Âu, đồng thời bày tỏ sẵn sàng thảo luận các biện pháp kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin.