Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Putin cảnh báo ông Biden

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã điện đầm trực tiếp trong gần 1 giờ vào cuối ngày 30/12, giữa bối cảnh ngày càng căng thẳng về vấn đề an ninh biên giới Nga - Ukraine.

Hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ đã có cuộc điện dầm kéo dài 50 phút hôm 30/12 về vấn đề Ukraine. Ảnh: Alarabiya News
Yuri Ushakov - cố vấn đối ngoại của Tổng thống Putin - cho biết, nhà lãnh đạo Joe Biden đã tái khẳng định cảnh báo của Mỹ về các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, trong trường hợp nước này leo thang hoặc tấn công Ukraine. Ông chủ Điện Kremlin đã đáp trả rằng hành động như vậy của Mỹ có thể dẫn đến sự rạn nứt hoàn toàn trong quan hệ song phương.

"Đó sẽ là một sai lầm lớn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng... Tổng thống Putin đã nói với ông Biden rằng Nga sẽ hành động như Mỹ nếu vũ khí tấn công được triển khai gần biên giới của Mỹ" - Ông Ushakov nói với báo chí.

Tổng thống Putin được cho đã yêu cầu cuộc điện đàm thứ 2 với Tổng thống Biden trong tháng này, trước cuộc hội đàm dự kiến ​​giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Nga vào ngày 9 - 10/1 tới tại Geneva, tiếp sau đó là cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO vào ngày 12/1 và các cuộc đàm phán tại Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu ở Vienna vào ngày 13/1.

Nga đã nói rõ yêu cầu muốn có một cam kết bằng văn bản rằng Ukraine sẽ không bao giờ được phép gia nhập NATO, và thiết bị quân sự của liên minh sẽ không được bố trí ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ - yêu cầu mà chính quyền Biden đã bác bỏ.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo nhất trí có những lĩnh vực mà hai bên có thể đạt được tiến bộ có ý nghĩa, nhưng cũng có những khác biệt có thể không thể giải quyết.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng Tổng thống Biden "kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng với Ukraine" và "nói rằng Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ đáp trả một cách dứt khoát nếu Nga tiếp tục xâm lược Ukraine".

Các quan chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden đã nói rõ rằng Mỹ có thể mang đến những thiệt hại kinh tế đáng kể với Nga thông qua các lệnh trừng phạt nếu ông Putin quyết định hành động quân sự ở Ukraine.

Dự thảo các tài liệu an ninh mà Moscow đệ trình - yêu cầu NATO từ chối tư cách thành viên của Ukraine và các nước thuộc Liên Xô cũ khác, đồng thời lùi các hoạt động triển khai quân sự của mình ở Trung và Đông Âu - dự kiến sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán ở Geneva, nhưng hiện vẫn chưa rõ rằng chính quyền Biden sẽ đồng ý thỏa hiệp điều gì.

Steven Pifer, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine dưới thời chính quyền Bill Clinton, cho biết, Tổng thống Biden có thể tham gia vào một số nội dung trong dự thảo văn kiện của Nga nếu Moscow nghiêm túc về các cuộc đàm phán.

Trong khi đó, các thành viên chủ chốt của NATO đã nói rõ rằng họ không muốn mở rộng liên minh trong tương lai gần. Mỹ và các đồng minh cũng có thể đồng tình với dự thảo tài liệu của Nga về việc kêu gọi thiết lập các cơ chế tham vấn mới, chẳng hạn như Hội đồng Nga - NATO và đường dây nóng giữa 2 bên.

Tuần trước, Nga đã phóng thử tên lửa siêu thanh Zircon - một động thái được phương Tây cho là khiêu khích, trong khi các quan chức Nga cho là nhằm giúp nước này thúc đẩy các đảm bảo an ninh.

Trong tuần này, quân đội Mỹ đã thực hiện các chuyến bay giám sát trong không phận Ukraine, bao gồm một chuyến bay hôm 30/12 bằng máy bay E-8C JSTARS của Lực lượng Không quân, được trang bị để cung cấp thông tin tình báo về lực lượng mặt đất.

Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, hôm 30/12 hạ thấp mối đe dọa về bất cứ cuộc tấn công ngay lập tức nào của Nga vào lãnh thổ nước này.

"Các chuyên gia của chúng tôi nói rằng Liên bang Nga về mặt thực tế không thể tiến hành một cuộc xâm lược lớn vào lãnh thổ của chúng tôi" - Danilov nói - "Điều đó cần một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị".

Về phần mình, Nga kiên quyết phủ nhận bất cứ ý định tấn công xâm lược nào, đồng thời cáo buộc Ukraine đang ấp ủ kế hoạch cố gắng giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ bằng vũ lực. Kiev đã bác bỏ cáo buộc này.