Tổng thống Putin: Nga coi vũ khí hạt nhân là biện pháp phòng vệ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, chiến dịch quân sự tại Ukraine là một quá trình lâu dài mà Moscow đã đạt được một số mục tiêu và Nga sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình bằng mọi phương tiện sẵn có.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Tass đưa tin, phát biểu tại phiên họp hàng năm của Hội đồng Nhân quyền Nga hôm 7/12, người đứng đầu Điện Kremlin nêu rõ: "Về thời gian của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tất nhiên, đó có thể là một quá trình dài. Trước hết, chúng tôi sẽ tập trung vào các biện pháp hòa bình, nhưng nếu không còn gì khác, chúng tôi sẽ bảo vệ mình bằng mọi phương tiện có sẵn".

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga không khởi động "cuộc chiến" ở Ukraine, đồng thời cáo buộc Kiev tiến hành một cuộc đảo chính vào năm 2014, khi Crimea sáp nhập với Nga.

Theo nhà lãnh đạo Nga, Moscow không có cơ hội nào để giải quyết tình hình ở Ukraine, ngoài việc buộc phải lựa chọn tiến hành chiến dịch quân sự để bảo vệ các nước cộng hòa tự xưng ở vùng Donbass, gồm Donetsk và Lugansk, cùng với với 2 tỉnh Kherson và Zaporozhye, những khu vực đã bỏ phiếu đồng ý sáp nhập vào Nga hồi tháng 9.

Cũng trong bài phát biểu, ông Putn tuyên bố, Ba Lan - nước láng giềng của Ukraine, hy vọng sẽ giành quyền kiểm soát các lãnh thổ ở phía tây Ukraine. "Nga có thể là nước duy nhất bảo đảm cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, song điều đó tùy thuộc vào các nhà lãnh đạo mới của nước này" – người đứng đầu Điện Kremlin cho hay. 

Tổng thống Putin cũng cảnh báo, nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang tăng lên, nhưng Nga sẽ không đe dọa sử dụng loại vũ khí này một cách liều lĩnh. “Nga xem vũ khí hủy diệt hàng loạt, vũ khí hạt nhân là biện pháp phòng vệ và sẽ không sử dụng các loại vũ khí này một cách tùy tiện. Chúng tôi, nước Nga chỉ sử dụng trong trường hợp đáp trả một cuộc tấn công" – Tass dẫn phát biểu của Tổng thống Putin.

Theo RT, Tổng thống Putin cho biết, Nga mới triển khai một nửa lực lượng 300.000 quân mới động viên ra chiến trường, và nửa còn lại vẫn đang trong lực lượng dự bị và đang được huấn luyện tại các trung tâm trên khắp nước Nga. Vì vậy, việc đề cập huy động thêm quân sẽ không có ích gì.

Theo nhà lãnh đạo Nga, không có ích gì khi nói về một số biện pháp huy động bổ sung, cả Nhà nước và Bộ Quốc phòng đều không cần điều đó hiện nay.

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 10 song chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 6/12 cho biết, Nga hiện không thấy triển vọng cho bất cứ cuộc đàm phán nào để đạt được hòa bình lâu dài ở Ukraine. Trả lời câu hỏi liệu điều gì dẫn đến triển vọng đàm phán, ông cho biết, Nga phải đạt được tất cả mục tiêu trong chiến dịch quân sự.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần