Phát biểu trong một tuyên bố trước người dân Nga qua sóng truyền hình vào sáng 21/9, Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây đang muốn tiêu diệt Nga và biến người dân Ukraine thành "bia đỡ đạn".
Nhà lãnh đạo đã ký sắc lệnh, yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga trao quy chế pháp lý cho những người tình nguyện chiến đấu trong vùng Donbass, miền Đông Ukraine, đồng thời cho biết ông ủng hộ các cuộc trưng cầu dân ý tại các khu vực đang thuộc quyền kiểm soát của Moscow về việc sáp nhập Nga.
"Chúng tôi đang nói về việc huy động một phần, tức là chỉ những công dân hiện đang trong lực lượng dự bị mới phải nhập ngũ. Và trên hết vẫn là sự tham gia của những người từng phục vụ trong lực lượng vũ trang có chuyên môn quân sự nhất định, có kinh nghiệm liên quan" - Tổng thống Putin cho biết.
Ông Putin cũng chính thức đáp trả các tuyên bố của một số đại diện cấp cao tại các quốc gia hàng đầu NATO về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân hủy diệt hàng loạt để chống lại Nga. “Đối với những người tự cho phép mình tuyên bố như vậy về Nga, tôi muốn nhắc các bạn rằng đất nước chúng tôi cũng có nhiều phương tiện hủy diệt khác nhau… hiện đại hơn so với các nước NATO. Và khi sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, để bảo vệ người dân và quốc gia Nga, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện theo ý mình” - ông Putin tuyên bố.
Bài phát biểu được đưa ra một ngày sau khi các chính quyền được Moscow hậu thuẫn kêu gọi các cuộc trưng cầu dân ý ở 4 tỉnh Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia - đại diện cho khoảng 15% lãnh thổ Ukraine - để trở thành một phần của Nga. Các cuộc trưng cầu dân ý dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 23/9 tới. Giới chức Nga đã lên tiếng ủng hộ đề xuất này, như một tối hậu thư của Moscow đối với phương Tây về khả năng chấp nhận lãnh thổ sáp nhập của Nga trong tương lai, hoặc sẽ đối mặt với cuộc chiến toàn diện với một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh của Putin, nói trên mạng xã hội: "Xâm phạm lãnh thổ Nga sẽ là hành vi phạm tội cho phép chúng tôi sử dụng tất cả các lực lượng tự vệ".
Động thái phối hợp đồng bộ này đã bị các nhà lãnh đạo phương Tây và các đồng minh khác của Ukraine lên án là "một sự bịa đặt". Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Washington đã biết về các báo cáo rằng Tổng thống Putin có thể cân nhắc ra lệnh điều động quân, nhưng nhấn mạnh rằng điều đó sẽ không làm suy yếu khả năng của Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga, và cho biết thêm rằng Washington bác bỏ bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào về vấn đề sáp nhập.
Phát biểu trước Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 77 đang diễn ra tại New York (Mỹ), Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Đây là lý do tại sao chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ nền hòa bình nào do Nga dẫn dắt, và đây là lý do tại sao Ukraine phải có khả năng chống đỡ cuộc tấn công của Nga".
Về phía Kiev, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba nói với các phóng viên tại LHQ trước thềm phiên họp toàn thể ngày 21/9: "Người Nga có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Nhưng nó sẽ không thay đổi được bất cứ điều gì". Trong một dòng tweet, ông nói thêm: "Ukraine có toàn quyền giải phóng các vùng lãnh thổ của mình, và sẽ tiếp tục hành động bất chấp những gì Nga có thể nói".
Liên quan đến lệnh huy động quân đội, theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, chỉ những người có kinh nghiệm chiến đấu và phục vụ liên quan mới được điều động. Ông Shoigu xác nhận, tính đến nay, 5.937 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc xung đột Ukraine, thấp hơn nhiều so với các ước tính của phương Tây rằng Nga đã mất hàng chục nghìn người.
Trong một tín hiệu khác cho thấy Nga đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine, Hạ viện nước này đã hôm 20/9 đã bỏ phiếu để ban hành luật chống lại việc đào ngũ của quân đội Nga, với các mức án tù cứng rắn hơn. Nếu được Thượng viện thông qua và sau đó được Tổng thống Nga ký ban hành, đạo luật sẽ củng cố quyền lực của các chỉ huy quân đội để chống lại sự nhụt chí của các binh sĩ.