Tại buổi lễ nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc trước Quốc hội vào sáng 10/5, cựu công tố viên Yoon Suk Yeol, đến từ Đảng Sức mạnh Quốc dân (PPP), đã thề sẽ bảo vệ đất nước và 52 triệu dân bằng cách tôn trọng hiến pháp. Hơn 40.000 người đã tham dự, bao gồm các phái đoàn từ Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, cùng chứng kiến khởi đầu nhiệm kỳ 5 năm sắp tới của vị lãnh đạo Nhà Xanh thứ 20.
Ông Yoon, 61 tuổi, lên nắm quyền sau khi giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử hồi tháng 3 vừa qua, trước cựu Thống đốc tỉnh Gyeonggi Lee Jae Myung của Đảng Dân chủ.
Lễ nhậm chức của tân Tổng thống Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang ráo riết thử nghiệm tên lửa, làm dấy lên những lo ngại mới về an ninh trên bán đảo. Bắc Hàn đã phóng một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hôm 7/5 vừa qua, sau khi tiến hành thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trước đó 2 ngày.
Chỉ 10 ngày sau khi nhậm chức, ông Yoon Suk Yeol sẽ tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm 3 ngày tại Hàn Quốc. Chương trình nghị sự của 2 nhà lãnh đạo dự kiến tập trung vào các vụ thử tên lửa tầm xa gần đây của Triều Tiên, ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc và kế hoạch xây dựng một nhà máy bán dẫn trị giá 17 tỷ USD của Samsung Electronics ở Texas (Mỹ).
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời Giám đốc tình báo Hàn Quốc hôm 7/5 cho biết, Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân trong chuyến thăm Hàn Quốc của ông Biden. Giới phân tích nhận định, căng thẳng quanh bán đảo Triều Tiên đang leo thang nhanh chóng sẽ buộc Chính phủ mới của Hàn Quốc phải tăng cường các biện pháp phòng thủ.
"Chính phủ mới rất tập trung vào mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Họ đang thảo luận cởi mở về các khả năng phòng thủ tên lửa bổ sung trên bán đảo, bao gồm việc triển khai thêm THAAD (hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo của Mỹ)" - Victor Cha, Phó chủ tịch cấp cao và Chủ nhiệm vấn đề Hàn Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định - "Như thể đang bước sang trang hoàn toàn mới".
Về đối ngoại, lời hứa tranh cử của ông Yoon Suk Yeol đã nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ đồng minh của Hàn Quốc với Mỹ và có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Đại diện Đảng bảo thủ cũng đã nói về việc sửa chữa mối quan hệ của quốc gia với Nhật Bản, sau khi quan hệ song phương xấu đi dưới thời tiền nhiệm Moon Jae In do những bất đồng về lịch sử thời chiến đầy khốc liệt của 2 nước.
Ngoài ra, giống như nhiều nền kinh tế khác trên toàn cầu, Hàn Quốc cũng đang vật lộn với lạm phát tăng nhanh và chi tiêu trong nước sụt giảm. Chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã chứng kiến mức cao kỷ lục trong 13 năm rưỡi vào tháng 4/2022, tăng 4,8% so với 1 năm trước đó. Các nhà kinh tế cho rằng lạm phát có thể tiếp tục tăng do giá dầu thô cao và chuỗi cung ứng căng thẳng kéo dài.
Trong một phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng trước, Thống đốc mới của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) Rhee Chang Yong nói rằng ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là ổn định giá tiêu dùng. Các nhà phân tích dự báo, BOK có khả năng sẽ tăng lãi suất cơ bản vào cuối tháng 5 này, để ngăn chặn lạm phát, sau khi đã tăng lên 1,5% hồi tháng trước.
Tờ Nikkei Asia dẫn lời chuyên gia kinh tế Park Seok Gil tại JPMorgan nói rằng: "Ý định của BOK là tăng lãi suất liên tục để nâng lãi suất chính sách thực tế lên, trừ khi các sự kiện bất ngờ làm gián đoạn triển vọng kinh tế và sự biến động của thị trường tài chính... Các biện pháp cốt lõi và lạm phát vẫn sẽ nâng cao cho đến hết quý 3 năm 2022".