Cuối tuần qua, TikTok, nền tảng video ngắn với 170 triệu người dùng tại Mỹ đã tạm dừng hoạt động khi chính phủ yêu cầu công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) phải bán ứng dụng hoặc đối mặt với lệnh cấm vì lý do an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ngay sau lễ nhậm chức, ông Trump bất ngờ tuyên bố sẽ “cứu TikTok,” giúp ứng dụng này khôi phục dịch vụ tại Mỹ.
Sắc lệnh cũng chỉ đạo Bộ Tư pháp không áp dụng luật ngay lập tức để đội ngũ của ông có thời gian đưa ra giải pháp phù hợp. Dù vậy, tính pháp lý của sắc lệnh này đang bị nghi ngờ, bởi đạo luật yêu cầu TikTok bán lại đã được Quốc hội thông qua và giữ nguyên bởi Tòa án Tối cao.
Khi ký sắc lệnh, ông Trump nhấn mạnh rằng Mỹ có thể áp đặt thuế quan lên Trung Quốc nếu Bắc Kinh không chấp thuận thỏa thuận liên quan đến TikTok. Ông cũng cho rằng nếu TikTok tiếp tục tạo ra giá trị tại Mỹ, chính phủ nên sở hữu một phần ứng dụng này.
Trung Quốc lần đầu tiên đã tỏ ý sẵn sàng thảo luận về một giao dịch để TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các công ty nên tự quyết định cách vận hành và thực hiện thỏa thuận.
Quyết định của ông Trump được coi là thay đổi lớn so với nhiệm kỳ đầu, khi ông từng nỗ lực cấm TikTok vì lo ngại dữ liệu người dùng bị chia sẻ với Chính phủ Trung Quốc. Trước đây, ông đã phê duyệt một thỏa thuận chia sẻ quyền sở hữu TikTok giữa Walmart và Oracle, nhưng kế hoạch này không thành công.
Một số nhà lập pháp, bao gồm nghị sĩ Frank Pallone, đã chỉ trích sắc lệnh của Trump là “phớt lờ luật pháp về an ninh quốc gia”, vốn được thông qua với sự đồng thuận cao từ lưỡng đảng.