Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng Thư ký Liên hợp quốc thăm chính thức Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Liên hợp quốc ra đời năm 1945, ngay sau sự tàn phá khốc liệt của Chiến tranh thế giới lần thứ II.

KTĐT - Liên hợp quốc ra đời năm 1945, ngay sau sự tàn phá khốc liệt của Chiến tranh thế giới lần thứ II. Bản thân sự ra đời của Liên hợp quốc vào thời điểm đó, với sứ mệnh cao cả là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới đã phản ánh khát vọng cháy bỏng của các dân tộc trên toàn thế giới về một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển toàn diện.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 28-30/10/2010.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Ban Ki-moon kể từ khi nhậm chức Tổng Thư ký Liên hợp quốc năm 2007.

Chuyến thăm diễn ra vào dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Liên hợp quốc và 33 năm Việt Nam gia nhập tổ chức quốc tế rộng lớn nhất hành tinh này.

Liên hợp quốc ra đời năm 1945, ngay sau sự tàn phá khốc liệt của Chiến tranh thế giới lần thứ II. Bản thân sự ra đời của Liên hợp quốc vào thời điểm đó, với sứ mệnh cao cả là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới đã phản ánh khát vọng cháy bỏng của các dân tộc trên toàn thế giới về một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển toàn diện.

Bởi vậy, Hiến chương Liên hợp quốc đã ghi rõ 4 mục tiêu thành lập và hoạt động của tổ chức này là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc; thúc đẩy hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, nhân đạo và bảo đảm quyền con người. Các quốc gia cũng trao cho Liên hợp quốc vai trò là trung tâm điều hòa các hành động của các dân tộc và các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.

Trải qua 65 năm ra đời và phát triển, Liên hợp quốc không ngừng lớn mạnh cả về tổ chức và hoạt động, tác động tích cực đến đời sống quốc tế và từng quốc gia. Từ 51 quốc gia thành viên, đến nay Liên hợp quốc đã có hơn 190 quốc gia thành viên, trở thành một hệ thống toàn diện, với hàng chục cơ quan, tổ chức chuyên môn, các quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế-xã hội...

Với những thành tựu quan trọng đã đạt được trong giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, tăng cường luật pháp quốc tế, Liên hợp quốc đã chứng tỏ và được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế, là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.

Riêng trong lĩnh vực phát triển, Liên hợp quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao đời sống của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho những tiến bộ về kinh tế và xã hội trên toàn thế giới; đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự đồng thuận quốc tế trong những nỗ lực thúc đẩy phát triển.

Từ năm 1960, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đề ra các chiến lược phát triển cho từng thập kỷ nhằm huy động hợp tác quốc tế cho các mục tiêu phát triển chung, nhất là ở các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, các tổ chức Liên hợp quốc đã có sự hỗ trợ trực tiếp về vốn, tri thức cho các nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế của các nước này.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Thiên niên kỷ (9/2000), các nhà lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ nhằm xóa bỏ đói nghèo, thúc đẩy giáo dục, bình đẳng giới, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, cải thiện sức khỏe bà mẹ, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác, bảo đảm bền vững về môi trường và tăng cường quan hệ đối tác phát triển.

Việc tạo môi trường kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế bình đẳng và quan tâm thích đáng đến lợi ích của các nước đang phát triển là ưu tiên trong hoạt động của Liên hợp quốc, trong đó có việc thúc đẩy Vòng đàm phán Doha về thương mại vì phát triển.

Trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, thông qua các nỗ lực của Liên hợp quốc, các quốc gia đã xây dựng và ký kết nhiều điều ước quốc tế quan trọng nhằm xây dựng một thế giới an toàn hơn và công bằng hơn cho tất cả mọi người.

Năm 1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền, đưa ra những quyền và tự do cơ bản của con người. Văn kiện này đã làm cơ sở cho việc ra đời hơn 80 công ước và tuyên bố quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước về quyền dân sự và chính trị. Những quyền cơ bản này của người dân được Liên hợp quốc chú trọng bảo đảm thực hiện trên toàn thế giới.

Ngày nay, đứng trước những thay đổi và thách thức toàn cầu mới trong giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế, trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như nghèo đói, chênh lệch phát triển, suy thoái môi trường sống, dịch bệnh nguy hiểm, tội phạm xuyên quốc gia... Liên hợp quốc với tư cách là tổ chức hợp tác đa phương lớn nhất thế giới cần phát huy vai trò của mình trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển và tiến bộ trên toàn cầu.

Trước yêu cầu đó, Liên hợp quốc cần cải tổ một cách toàn diện và có hệ thống, trong đó tập trung vào ba nội dung chính: cải tổ bộ máy, đổi mới phương thức làm việc và đổi mới các hoạt động phát triển, đầu tư các nguồn lực cho phát triển.

Cụ thể, Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế cam kết mạnh mẽ hơn, đặc biệt các nước giàu và các thể chế tài chính cần xem xét xóa nợ cho các nước nghèo, các nước phát triển dành 0,7% GDP cho ODA, thúc đẩy tự do hóa thương mại, sớm kết thúc vòng đàm phán Doha... tạo môi trường kinh tế quốc tế bình đẳng và giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc ngày 20/9/1977, kể từ đó quan hệ của Việt Nam với Liên hợp quốc ngày càng phát triển. Ngay sau khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước thành viên, đồng thời tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của Liên hợp quốc phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Liên hợp quốc trở thành một diễn đàn để Việt Nam triển khai các yêu cầu của chính sách đối ngoại, chủ động và tích cực phối hợp với các nước không liên kết, các nước đang phát triển để bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển.

Bước vào giai đoạn mới, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh quan hệ với Liên hợp quốc và nâng cao hơn nữa hiệu quả việc sử dụng nguồn hỗ trợ của Liên hợp quốc nhằm phục vụ trực tiếp các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Thực hiện chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam chủ trương tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và tổ chức quốc tế.

Hoạt động nổi bật nhất của Việt Nam là đã hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực thương lượng và trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học; là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện; trở thành thành viên Hội nghị giải trừ quân bị...

Việt Nam cũng tham gia đầy đủ và thực chất vào các cơ chế hoạch định chính sách của Liên hợp quốc, như phục vụ việc Việt Nam giữ chức Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Thống đốc IAEA, tham gia Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc... Việt Nam cũng được coi là hình mẫu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), là nước đi đầu thực hiện Sáng kiến Một Liên hợp quốc nhằm tăng cường hiệu quả hỗ trợ của Liên hợp quốc cho Việt Nam và các nước đang phát triển nói chung.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc đang tích cực phối hợp xây dựng Kế hoạch chung giai đoạn 2012-2016, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm là chất lượng tăng trưởng, bảo trợ xã hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội; tăng cường tiếng nói và nâng cao quản trị công, với các chủ đề xuyên suốt gồm: quyền con người, bình đẳng giới, HIV và biến đổi khí hậu.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên Liên hợp quốc, cũng như về vai trò của Liên hợp quốc trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo.

Tuy tổng số tiền viện trợ của Liên hợp quốc dành cho Việt Nam trong hơn 30 năm qua chỉ hơn 2 tỷ USD nhưng đã có ý nghĩa hết sức to lớn vì Liên hợp quốc tập trung hỗ trợ nhiều lĩnh vực thiết yếu về phát triển kinh tế, xây dựng thể chế, pháp luật, giải quyết nhiều vấn đề xã hội cấp bách, có tác dụng tích cực, đáp ứng được yêu cầu phát triển của Việt Nam trong từng giai đoạn. Nhưng kết quả hợp tác tốt đẹp đó giữa hai bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác, hỗ trợ tích cực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới.

Đánh giá về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ: "Trong 33 năm qua, Việt Nam đã thể hiện là một thành viên có trách nhiệm và thường xuyên thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc. Trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã đóng góp đáng kể cho hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam cũng rất tích cực tham gia mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và đang đáp ứng hầu hết các mục tiêu do Liên hợp quốc đề ra đến năm 2015. Một trong những đóng góp nổi bật của Việt Nam là việc tham gia các diễn đàn do Liên hợp quốc tổ chức và đưa ra nhiều sáng kiến mới."

Đánh giá rất cao những đóng góp đó của Việt Nam, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng bày tỏ hài lòng về mối quan hệ mạnh mẽ giữa Liên hợp quốc với Việt Nam; đồng thời mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa Liên hợp quốc với Việt Nam và với ASEAN, đặc biệt trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và trong vấn đề nhân quyền.

Mang theo nhiều tình cảm tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam, chuyến thăm của Tổng thư ký Ban Ki-moon sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao hơn nữa hiệu quả của mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc./.