Rằng, đã đến lúc TTVN phải hướng đến Asiad và thậm chí là Olympic thay vì hài lòng với thứ hạng ở SEA Games.
Tại Asiad 2014, đoàn TTVN có thứ hạng rất thấp, xếp 21/45 đoàn tham dự. Đáng nói, chúng ta chỉ giành được một tấm HCV ở môn thể thao mang tính biểu diễn là Wushu trong khi trắng tay ở nhiều môn thể thao được cho là mũi nhọn. Đặc biệt, hàng loạt niềm hy vọng huy chương của Việt Nam - những nhà vô địch SEA Games đã không thể mang về vinh quang cho Tổ quốc khi thua kém các đối thủ ở một khoảng cách rất xa.
Thắng ở “ao làng” Đông Nam Á và thua ở biển lớn châu lục, đó là điều thường thấy ở TTVN. Thế nhưng, đáng nói ở chỗ, những nước có nền thể thao bị cho là xếp dưới Việt Nam ở đấu trường SEA Games lại có được thành tích ấn tượng tại Asiad như: Malaysia, Philippines và Myanamr. Họ giành được số HCV nhiều hơn và trong đó, có nhiều tấm huy chương thuộc các môn thể thao Olympic.
Thêm một lần nữa, ngành thể thao Việt Nam đứng được việc phải hoạch định một hướng đi khi SEA Games đang đến gần. Trước tình hình đó, một số chuyên gia am hiểu thể thao đã đặt vấn đề với Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng là "nên chăng TTVN dám bỏ qua mục tiêu lọt vào Top 3 SEA Games để dành cơ hội chuẩn bị cho Olympic 2016".
Các chuyên gia tính toán rằng, để có được thành tích tại Olympic 2016 thì ngay bây giờ, ngành thể thao phải dồn sức cho những môn thể thao mũi nhọn. Ngay tại SEA Games 28 được tổ chức vài tháng tới đây, các VĐV trẻ vốn được quy hoạch cho sân chơi lớn sẽ phải được ra trận để trui rèn bản lĩnh. Ngân sách của ngành thể thao cũng được dồn cho vài chục VĐV tài năng thay vì đầu tư dàn trải như trước đây. Ngành thể thao phải có được những kế hoạch bài bản, chấp nhận tốn kém như đã từng đầu tư cho Ánh Viên thời gian qua. Bởi, chỉ có như vậy, các VĐV tài năng của Việt Nam mới sớm nâng cao được trình độ.
Muốn ra biển lớn, phải thay đổi hướng đi, cách làm. Thế nhưng, cái khó của ngành thể thao là nếu không có thành tích, họ sẽ phải đối diện với rất nhiều sức ép từ dư luận. Thậm chí, nhiều người còn lo ngại rằng, nếu không có thành tích, các môn thể thao sẽ chẳng nhận được sự đầu tư. Vậy nên, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc ngành thể thao phải chấp nhận rủi ro, thất bại tại SEA Games để hoàn thành cái đích lớn trong tương lai. Bởi, cứ mải mê và hài lòng với đấu trường khu vực thì mãi mãi TTVN sẽ chẳng bao giờ có thể tìm được con đường đi đến thế giới phát triển.