Theo đó, hai bên ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô và khởi động chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ năm 2023.
Tại buổi lễ, Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các chương trình hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam.
Trong đó, việc Cục Công nghiệp và Công ty Toyota Việt Nam cùng đồng hành và thực hiện dự án hợp tác hỗ trợ và phát triển các nhà cung cấp nội địa trong ngành ô tô đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và sự hưởng ứng, học tập kinh nghiệm từ các doanh nghiệp quốc tế khác.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương và Công ty Toyota Việt Nam đã cùng đồng hành và thực hiện dự án hợp tác hỗ trợ và phát triển các nhà cung cấp nội địa trong ngành ô tô thông qua một số hoạt động cụ thể như triển khai các khoá đào tạo tập trung ngắn hạn về cải tiến sản xuất. Tổ chức các buổi tham quan nhà máy tại Công ty Toyota Vĩnh Phúc và các nhà cung cấp cấp 1 của Toyota; xây dựng lộ trình và hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến tại hiện trường; tổ chức các buổi thảo luận, kết nối và tìm kiếm những nhà cung ứng tiềm năng mới…
Các chương trình hợp tác đã và đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và sự hưởng ứng, học tập kinh nghiệm từ các doanh nghiệp quốc tế khác.
“Việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác thông qua biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Công ty Toyota Việt Nam là một trong những mục tiêu quan trọng và hành động thiết thực nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Sau 3 năm triển khai (2020-2022), Chương trình đã kết nối cho Toyota hơn 60 doanh nghiệp Việt Nam, trong đó Toyota đã tuyển dụng được một số nhà cung cấp và lựa chọn thêm 7 nhà cung ứng tiềm năng.
Với định hướng đến năm 2030 Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao, nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới, Bộ Công Thương hy vọng sự hợp tác giữa Cục Công nghiệp và Công ty ô tô Toyota Việt Nam sẽ luôn vững mạnh, không ngừng củng cố mạng lưới nhà cung cấp trong nước, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp Việt Nam.
Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á Công ty Toyota Tiền Quốc Hào bày tỏ niềm tự hào vì Toyota Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam đóng góp không ngừng cho ngành công nghiệp ô tô nói chung, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô nói riêng và mong đợi đối với chương trình hợp tác giữa hai bên.
Thông qua việc thực hiện các hoạt động trong biên bản ghi nhớ, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển năng lực, nâng cao kỹ năng, đạt trình độ sản xuất toàn cầu từ đó tham gia vào chuỗi cung ứng.
Theo Toyota Việt Nam, đặc biệt, trong năm nay, chương trình hợp tác sẽ triển khai mở rộng cho các nhà cung cấp thuần Việt. Do đó, Toyota sẽ hỗ trợ phát triển một số nhà cung cấp đạt trình độ để trở thành các công ty nòng cốt, tiếp tục triển khai nhân rộng những kiến thức đã được Toyota đào tạo để lan tỏa sự hỗ trợ tích cực tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác, qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ, cũng như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Đại diện doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến năm 2023, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây lắp & Thiết bị công nghiệp MEKAMIC Mai Mạnh Hiên đánh giá, sự quan tâm từ các cơ quan Nhà nước cũng như doanh nghiệp đa quốc gia đã hỗ trợ phát triển năng lực cho các doanh nghiệp nội địa. Thay mặt cho các đơn vị tham gia chương trình, ông cũng bày tỏ mong muốn quyết tâm thay đổi, cải tiến doanh nghiệp.
Dựa trên những kết quả đạt được của dự án hợp tác, Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp và Công ty Toyota Việt Nam hi vọng thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ và triển khai dự án, sẽ hỗ trợ các nhà cung cấp nâng cao năng lực, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành ô tô Việt Nam.