Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: 138 nhân viên y tế của Bệnh viện Trưng Vương nghỉ việc

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thực trạng tại Bệnh viện Trưng Vương kể từ khi được chỉ định làm nơi chữa trị bệnh nhân Covid-19. Do tâm lý ám ảnh dịch, lượng người đến khám, chữa bệnh giảm sâu khiến doanh thu thấp, dẫn đến thu nhập kém nên 138 nhân viên xin nghỉ việc.

Trang thiết bị công nghệ đã lạc hậu

Ngày 9/11, Đoàn giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh do ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện đề án “Y tế thông minh” giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 tại Bệnh viện Trưng Vương.

Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Trưng Vương - Bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Ngọc Hớn cho biết, bệnh viện là một trong những đơn vị đi đầu tại TP xây dựng hệ thống quản lý bệnh viện điện tử (HIS) từ năm 2004 và vận hành khai thác cho đến nay. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các máy chủ và thiết bị lưu trữ trang bị cho bệnh viện đã hết khấu hao, các máy chủ và thiết bị lưu trữ trang bị mới và cũ không đồng bộ, làm cho hệ thống bị phân mảnh, không phát huy được hết tài nguyên của từng thiết bị.

Lãnh đạo các Ban của HĐND TP Hồ Chí Minh thăm khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương.
Lãnh đạo các Ban của HĐND TP Hồ Chí Minh thăm khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương.

Trước thực trạng này, bệnh viện phối hợp với một công ty phần mềm xây dựng hệ thống HIS. Hệ thống HIS đã xây dựng được các phân hệ, như: Quản lý bệnh nhân ngoại trú, khám bệnh. Số hóa toàn bộ đơn thuốc thay thế vì bác sĩ kê đơn thuốc bằng viết tay. Khám chữa bệnh ngoại trú áp dụng máy phát số tự động, màn hình thông báo điện tử, hiển thị thông tin nhận bệnh, thứ tự khám bệnh, thứ tự nhận thuốc BHYT, đặt lịch khám trực tuyến qua tổng đài điện thoại, app…

Đối với việc quản lý bệnh nhân nội trú cũng được số hóa các chỉ định điều trị, giấy tờ chuyên môn, hồ sơ bệnh án..., giúp bệnh viện giám sát và kiểm soát đuợc chi phí điều trị, giúp bác sĩ và điều dưỡng tiết kiệm thời gian thay vì phải thực hiện bằng thủ công.

Cũng theo bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn, bệnh viện còn ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý người bệnh BHYT, xây dựng và lưu trữ các chứng từ, giấy tờ liên quan đến BHYT, đẩy dữ liệu tự động lên cổng BHYT, làm cơ sở dữ liệu thanh quyết toán BHYT. Ứng dụng hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt bằng máy POS…

“Hiện nay bệnh viện đang triển khai bệnh án điện tử, dự kiến áp dụng vào cuối năm 2023 cùng với đề án bệnh viện thông minh. Đang xây dựng đề án chữ ký số áp dụng thí điểm ở Khoa Xét nghiệm và Khoa Chẩn đoán hình ảnh. Bệnh viện cũng đang triển khai thí điểm hệ thống RIS/PACs, đã thể hiện tính ưu việt trong thời gian bệnh viện chuyển đổi công năng sang điều trị Covid-19”, bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn nói.

Chuẩn bị về hưu vẫn chưa thấy hình hài bệnh viện mới

Mặc dù có một số thuận lợi trong quản lý nhưng bệnh viện vẫn gặp hàng loạt khó khăn. Cụ thể, bệnh viện đang trong quá trình xây dựng mới, các khoa phòng không thể sửa chữa lớn, đường đi bị chia cắt, do đó hạ tầng mạng cũng bị ảnh hưởng theo. Nhân sự phòng CNTT chỉ có 10 người nhưng thường xuyên thay đổi do nghỉ việc vì lương thấp, ảnh hưởng đến thời gian triển khai các phân hệ mới.

TS.BS Phạm Ngọc Huy Tuấn - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương tâm tư đến khi ông về hưu không biết bệnh viện mới đã xây xong chưa.
TS.BS Phạm Ngọc Huy Tuấn - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương tâm tư đến khi ông về hưu không biết bệnh viện mới đã xây xong chưa.

Bác sĩ Huỳnh Ngọc Hớn cũng kiến nghị được tiếp nhận và thực hiện đề án “Xây dựng cơ sở hạ tầng bệnh viện thông minh”; được quan tâm chi phí bảo trì, bảo dưỡng hàng năm sau khi kết thúc đề án, hoặc cơ cấu chi phí CNTT vào giá viện phí; đuợc chuyển chi phí in, lưu trữ bệnh án giấy, in phim sang chi phí đầu tư CNTT. Đặc biệt, việc xây dựng khối nhà A của bệnh viện chậm tiến độ khoảng 5 tháng kéo theo hàng loạt sự chậm trễ khác, trong đó có việc xây dựng tầng mạng.  

Ngoài việc máy móc lạc hậu theo thời gian, theo TS.BS Phạm Ngọc Huy Tuấn - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương, trong thời gian bệnh viện chuyển sang điều trị bệnh nhân Covid-19, các máy móc còn bị tàn phá và hư hỏng bởi mỗi lần có bệnh nhân tử vong vì Covid-19, buộc phải xịt thuốc khử khuẩn dẫn đến ẩm và hư.

“Dù đã có 30 năm trong nghề, tôi cũng không thể tưởng tượng về sự mất mát con người cũng như hư hao cơ sở vật chất (CSVC) sau mùa dịch Covid-19. Do đó, cần có chế độ riêng phục hồi CSVC để người dân yên tâm khi tới khám, chữa bệnh. Khi trang thiết bị không hiện đại, bệnh nhân sẽ đi nơi khác, dẫn đến nguồn thu của bệnh viện giảm khiến doanh thu của bệnh viện giảm và nhiều người phải bỏ việc. Người ở lại bị áp lực rất nặng vì phải gánh việc của người đã nghỉ. Chưa kể, đối với thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của HĐND TP luôn bị chậm trễ, không có thực thì làm sao vực được đạo? Cái đau ở đây là khi nhân viên bệnh viện bỏ đi thì người thiệt thòi chính là bệnh nhân”, TS.BS Phạm Ngọc Huy Tuấn trăn trở.

TS.BS Phạm Ngọc Huy Tuấn tâm tư: “Tôi vào nghề năm 1992, đã nghe nói Bệnh viện Trưng Vương xây mới. Đến nay khi tôi sắp về hưu vẫn chưa xây xong. Hiện nay chỉ mới xây khối nhà A, nhưng không biết khi nào hoàn thành. Có lẽ phải đến đời con cháu tôi mới có diễm phúc vào bệnh viện mới”.

Tại buổi giám sát, đại diện Sở Nội vụ cho biết, thời gian qua Sở đã tham mưu UBND TP cho phép Sở Y tế lập thêm phòng CNTT để làm trung tâm kết nối với các phòng CNTT của các bệnh viện. Về việc đầu tư hệ thống wifi trong các bệnh viện trong TP, đã đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông cần giải quyết nhanh. Vì triển khai từng gói thầu rất lâu, phải xây dựng kế hoạch, thẩm định, qua nhiều tầng, trong khi hàng ngày các bệnh viện đều có bệnh nhân và họ chính là người chịu thiệt thòi.

Khám BHYT như dịch vụ sẽ có đông bệnh nhân tới khám

Bà Trương Lê Mỹ Ngọc - Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP đồng tình với trăn trở của TS.BS Phạm Ngọc Huy Tuấn, do đó đề nghị các sở cần quan tâm. Đối với dự án khối nhà A, diện tích khuôn viên bị thu hẹp nên phải tính toán làm sao vẫn đủ khả năng cấp cứu ban đầu tại bệnh viện. Các sở cần quan tâm đến việc thực hiện và chất lượng các dự án tại bệnh viện để phục vụ bệnh nhân một cách tốt nhất. Khu vực xung quanh có khá nhiều bệnh viện, do đó phải cải tiến thật nhanh để Bệnh viện Trưng Vương thu hút được người bệnh.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng Ban VH-XH HĐND TP cho rằng Bệnh viện Trưng Vương cần chọn ngành mũi nhọn để vươn lên.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng Ban VH-XH HĐND TP cho rằng Bệnh viện Trưng Vương cần chọn ngành mũi nhọn để vươn lên.

Tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban VH-XH HĐND TP Nguyễn Minh Nhật nói: “Trước khi có dịch Covid-19, bệnh viện có thương hiệu trong lòng người dân TP và các tỉnh lân cận. Giai đoạn sau khi chuyển sang điều trị Covid-19, cho thấy sự hy sinh của y bác sĩ bệnh viện nhưng TP quan tâm chưa đúng mức. Bệnh viện đã nỗ lực vượt khó để cấp cứu bệnh nhân, nhưng nay phải vượt khó để cứu chính mình trong đầu tư CNTT. Bệnh viện từng có những khoa đầu ngành tạo nên thương hiệu, do đó để thu hút lại bệnh nhân, cần ổn định đội ngũ y bác sỹ trước rồi mới tính đến bệnh viện thông minh. Hiện nay, đa số người đến khám chữa bệnh tại bệnh viện theo BHYT, vì vậy cần nâng cao chất lượng khám BHYT ngang như khám dịch vụ, từ đó người dân sẽ tự tới khám đông trở lại”.

Còn bà Thi Thị Tuyết Nhung, nguyên Trưởng Ban VH-XH HĐND TP cho rằng bệnh viện đang xây dựng khối nhà A, do đó giai đoạn 2021-2025 chỉ nên tập trung đầu tư trang thiết bị cho khối nhà này. Trong phạm vi chỉ 5km2 nhưng có rất nhiều bệnh viện, để cạnh tranh lành mạnh cần chọn ngành mũi nhọn để vươn lên.

“Tôi đồng ý với BS Huy Tuấn cần tăng kinh phí để đầu tư lại trang thiết bị vì trong thời điểm dịch đã hao mòn, thay vì thiết bị dùng 3 năm thì nay còn 2 năm. Đối với BHYT TP khi phân lược số thẻ cho Bệnh viện Trưng Vương cũng cần hạn chế bệnh nhân có bệnh mãn tính, từ đó tiết kiệm được hiệu suất của giường bệnh. BHYT TP cần quan tâm đặc biệt bệnh viện này, vì được chỉ định chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19, dẫn đến tâm lý người dân ít nhiều vẫn sợ dịch nên không dám tới khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, việc chậm trễ xây dựng CSVC đã làm giảm đi bộ mặt của bệnh viện. Do vậy, cần làm rõ vì sao nhà thầu thi công quá lâu. Cần xem vướng chỗ nào để giải quyết ngay, nếu không thì còn lâu mới xây xong”, bà Tuyết Nhung nói.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban VH-XH HĐND TP Cao Thanh Bình đánh giá cao những cống hiến của bác sĩ, điều dưỡng, người lao động tại Bệnh viện Trưng Vương trong đợt dịch Covid-19. Trong việc thực hiện đề án “Y tế thông minh” bệnh viện đã chủ động thực hiện nhiều sáng kiến. Đối với các kiến nghị của bệnh viện, đề nghị các sở ngành phải đeo bám. Về thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03, Sở Y tế cần thống kê tất cả bệnh viện trong toàn TP chưa được hưởng Nghị quyết này và báo cho Ban VH-XH để trình lên HĐND TP Hồ Chí Minh.