TP Hồ Chí Minh: Báo động dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng gia tăng

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến tháng 6/2022, TP Hồ Chí Minh có 11.722 ca sốt xuất huyết (SXH), trong đó 7.007 ca điều trị nội trú và 4.715 ca điều trị ngoại trú, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021. Số ca SXH nặng là 209, số trường hợp tử vong tích lũy là 7 ca.

Đảm bảo thuốc phục vụ điều trị và phòng chống dịch

Sáng 29/6, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Cũng tại hội nghị, chính quyền TP Hồ Chí Minh đồng thời thông tin về một loạt các vấn đề đang được người dân quan tâm.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.

Theo đó, về công tác phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19, chăm lo đời sống Nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện nhất quán phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” gắn với các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, lâu dài và bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ sở y tế cơ bản đã phục hồi, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn và tỉnh/thành lân cận. Các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo thực hiện hai chức năng chăm sóc và điều trị cho người bệnh Covid-19 và không Covid-19; Đảm bảo cung ứng thuốc, đặc biệt thuốc quý hiếm phục vụ nhu cầu điều trị và phòng, chống dịch.

Về việc tiêm vaccine phòng Covid-19, TP Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm đảm bảo bao phủ liều nhắc lại lần 1 (mũi 3), liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Thông qua chiến dịch "tiêm chủng mùa xuân", TP tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12 - 17 tuổi; Tổ chức tiêm tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển; Tiếp tục tổ chức tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi... 

Về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) Dengue, theo báo cáo của Sở Y tế là "đáng báo động". Tính đến đầu tháng 6/2022, số ca SXH tích lũy là 11.722 ca, trong đó 7.007 ca điều trị nội trú và 4.715 ca điều trị ngoại trú, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021. Số ca SXH nặng là 209, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. SXH tử vong tích lũy là 7 ca, tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Bệnh tay chân miệng đến đầu tháng 6/2022 số ca tích lũy là 4.768 ca, giảm 50,3% so với cùng kỳ 2021 (9.597 ca). Không có ca tử vong, nhưng bệnh có xu hướng tăng cao so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số dịch bệnh mới nổi khác như: Đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân… cũng có xu hướng gia tăng tại các nước trên thế giới.

TP Hồ Chí Minh đã khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành, mới nổi, nhằm huy động các chuyên gia và thống nhất các giải pháp hành động trong toàn ngành y tế. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tập huấn về phát hiện, điều trị, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn giám sát tạm thời về bệnh đậu mùa khỉ trong thời gian chờ hướng dẫn của Bộ Y tế.

Người dân TP Hồ Chí Minh vứt bỏ đồ phế thải có nguy cơ làm chỗ cho muỗi sinh sản, tạo ổ dịch sốt xuất huyết.
Người dân TP Hồ Chí Minh vứt bỏ đồ phế thải có nguy cơ làm chỗ cho muỗi sinh sản, tạo ổ dịch sốt xuất huyết.

Không để lây lan dịch bệnh SXH

UBND TP Hồ Chí Minh nhận định, tình hình dịch bệnh được TP Hồ Chí Minh tiếp tục kiểm soát tốt, đồng thời từng bước kiểm soát hoạt động y tế cơ sở. TP đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn hiệu quả, an toàn. Việc củng cố chiến lược y tế đã được triển khai thực hiện, gắn chiến lược y tế với các hoạt động chiến lược, kế hoạch khác.

Từ những ngày cuối quý I/2022 đến nay, dịch bệnh trong nước và tại TP Hồ Chí Minh đã thuyên giảm và cơ bản được kiểm soát, số ca nhiễm liên tục giảm dần, song các hoạt động phòng, chống dịch vẫn chưa dừng lại, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, nhất là đối với các biến chủng mới.

Do đó, TP Hồ Chí Minh tiếp tục bảo đảm "thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"; Tăng cường công tác điều trị, đặc biệt là các trường hợp nặng; Tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 (mũi 4) cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Đẩy nhanh tiến độ các nội dung đề án, chương trình nhánh nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở (gồm cả đội ngũ cán bộ, y bác sĩ và cơ sở vật chất), đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chăm sóc nâng cao sức khỏe thể chất và đời sống tinh thần cho các tầng lớp Nhân dân, người lao động, nhất là các đối tượng nạn nhân ảnh hưởng trực tiếp dịch Covid-19.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức tập trung triển khai cao điểm ra quân thực hiện chiến dịch mùa hè phòng, chống SXH trên địa bàn, không để lây lan phát sinh thêm, hạn chế thấp nhất các tổn thất, thương vong liên quan đến SXH. Sẵn sàng kịch bản ứng phó cho mọi tình huống dịch bệnh. Khẩn trương hoàn thiện đề án phát triển công nghiệp dược trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.