TP Hồ Chí Minh cam kết người bệnh được điều trị, đảm bảo đủ chỗ cách ly

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 10/7, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan đến một số vấn đề người dân quan tâm trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn TP. Đại diện UBND TP Hồ Chí Minh cam kết người bệnh sẽ được điều trị đầy đủ, TP đảm bảo đủ chỗ cách ly.

Gần 1.000 tỷ đồng đã đến tay các đối tượng được hỗ trợ
Bà Phan Thị Thanh Hương đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh (MTTQ TP) đã có thông báo về kết quả vận động hỗ trợ và phân phối tiền, hàng hóa cho các đối tượng thông qua hệ thống MTTQ.
Theo đó, MTTQ TP đã nhận được tổng cộng 765 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa trị giá 164 tỷ đồng. Đến nay, MTTQ TP đã phân bổ 645 tỷ đồng tiền mặt và 147 tỷ đồng hàng hóa. Ngoài ra, MTTQ TP cũng nhận được cam kết ủng hộ cho quỹ vaccine 2.293 tỷ đồng, thực tế đã nhận là 281 tỷ đồng.
 Quang cảnh buổi họp báo của UBND TP Hồ Chí Minh tối ngày 10/7. Ảnh: Ngọc Huân
MTTQ TP phân bổ cho các địa phương thông qua các gói hỗ trợ như, hỗ trợ cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ cho người khó khăn trong khu phong tỏa... Những trường hợp nằm trong khu phong tỏa, gặp khó khăn sẽ nhận được suất hỗ trợ hàng hóa thiết yếu trị giá 300.000 đồng. Hiện tại trong thời gian giãn cách, những trường hợp khó khăn về lương thực, thực phẩm có thể liên hệ các địa phương để được hỗ trợ, đảm bảo không ai phải chịu cảnh đói khát...
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh thông tin về tình hình thu gom, xử lý rác thải tại các bệnh viện điều trị Covid-19 và các khu cách ly.
“Hiện nay, mỗi ngày các khu cách ly và bệnh viện điều trị Covid-19 thải ra 42 tấn rác. Ngành môi trường phải điều động 200 công nhân để thu gom rác. Rác thải từ các khu cách ly và bệnh viện điều trị sẽ được chuyển cho 2 công ty môi trường xử lý theo đúng quy định. Ngành môi trường xác định các công nhân làm việc trong các khu cách ly là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nên được ưu tiên tiêm vaccine và thường xuyên tầm soát, kiểm tra sức khoẻ đối với các công nhân đang làm công việc nguy hiểm này” - ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết.
40.000 lao động tự do đã được hưởng hỗ trợ
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, TP có 230.000 người là lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Gói an sinh xã hội dành cho đối tượng lao động tự do bị mất việc áp dụng trong khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến 29/6, mỗi người sẽ nhận được 1,5 triệu đồng. Trong đó, có 40.000 người đã nhận được hỗ trợ. Ngoài ra, TP cũng có 60.000 thương nhân đang hoạt động tại các chợ bị ảnh hưởng. Người bị ảnh hưởng sẽ nhận được hỗ trợ 6 tháng.
Theo thống kê của ngành chức năng, TP có 33.000 người làm nghề xe ôm truyền thống, xích lô, ba gác; 20.300 người bán vé số, trong đó có 8.000 người từ các tỉnh khác vào làm việc tại TP... tất cả đối tượng này sẽ nhận được hỗ trợ nếu đảm bảo vấn đề giấy giờ chứng minh như có đăng ký tạm trú, có xác nhận của cảnh sát khu vực...
Theo đại diện Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, TP giao cho Bộ Tư lệnh TP cử người làm giám đốc các khu cách ly do quân đội quản lý. Hiện nay, có 10.000 người phục vụ trong các khu cách ly, bình quân mỗi người phục vụ cho 20 người. Người phục vụ có trách nhiệm phục vụ cơm nước cho người cách ly, còn phải làm nhiều việc khác như nhận chuyển quà từ thân nhân cho người cách ly...
Đại diện Bộ Tư lệnh TP khẳng định: “Đảm bảo cho người cách ly có được cuộc sống cơ bản nhất, tất nhiên không thể thoải mái như ở nhà. Suất ăn theo quy định là 80.000/người/ngày, Bộ Tư lệnh TP đã ký hợp đồng cung cấp suất ăn với Sài Gòn Co.op.
Trả lời báo chí quan tâm về tình trạng phơi nhiễm trong các khu cách ly, đại diện Bộ Tư lệnh TP khẳng định: “Tình trạng phơi nhiễm là có, đã có lây nhiễm đối với người làm nhiệm vụ, thậm chí cả lực lượng y tế trong các khu cách ly. Không thể cung cấp con số cụ thể người bị phơi nhiễm”.
Đại diện của Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện tại theo quy định mỗi phòng cách ly chỉ có 2 người, một toilet dùng chung, người cách ly được phân luồng theo nguy cơ F1 cao hay thấp. Nhân viên phục vụ được chia thành tổ 5 người, làm việc một khu vực, khi có rủi ro sẽ dễ cô lập. Lực lượng phục vụ khu cách ly được trang bị bảo hộ theo quy chuẩn. Trước khi làm nhiệm vụ đã được HCDC tập huấn.
 Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Ngọc Huân
Sẵn sàng cho phương án 50.000 giường điều trị
Phó giáo sư, bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, để chuẩn bị cho kịch bản 50.000 giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19, đến nay ngành chức năng đã chuẩn bị được 36.000 giường.
Đối với công tác chữa bệnh cho bệnh nhân nặng, hồi sức chuyên sâu, hiện tại có 4 trung tâm, với quy mô 1.000 giường. Bệnh viện Chợ Rẫy, có 300 giường, Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh 300 giường... Chuyển đổi Bệnh viện Gò Vấp trở thành một cơ sở của Bệnh viện Nhân dân Gia Định để điều trị chuyên sâu; chuyển đổi Bệnh viện Bình Chánh trở thành một cơ sở của Bệnh viện Nhân dân 115 để điều trị chuyên sâu...
“Bệnh nhân mắc chủng Ấn Độ phần lớn đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tuy nhiên vẫn có những bệnh nhân chuyển đổi trạng thái rất nhanh. 5% bệnh nhân Covid-19 chủng Ấn Độ sẽ có chuyển biến nặng, trong đó 30% (của số 5%) sẽ có tình trạng rất nặng”, bác sĩ Thượng cho biết.
Liên quan đến vấn đề trưng dụng một số dự án bất động sản làm bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly, ông Trần Hồng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TP cho biết, đến nay đã chuẩn bị theo yêu cầu của ngành y tế là 32.900 giường và trong ngày mai (11/7) sẽ có thêm 16.000 giường.
Ông Lê Hòa Bình - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Bà con chẳng may là F0, F1 phải vào khu cách ly, khu điều trị, TP cam kết điều trị đầy đủ, đảm bảo số lượng chỗ cách ly”.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Công an TP Hồ Chí Minh đã cung cấp một số thông tin về công tác đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Lực lượng công an đã kiểm tra gần 52.000 lượt phương tiện giao thông các loại, người ra khỏi nhà... Kết quả đã có 800 trường hợp buộc phải quay lại khi đến chốt kiểm tra.
Để qua được chốt kiểm tra, người dân bắt buộc phải có giấy xác nhận xét nghiệm âm tính, phải có giấy tờ tùy thân. Sau hơn 1 ngày áp dụng giãn cách, lực lượng công an đã xử phạt gần 300 triệu đồng; 22 quận huyện xử phạt vi phạm 841 triệu, tập trung vào hành vi ra khỏi nhà không cần thiết, kinh doanh các mặt hàng bị tạm dừng và tụ tập đông người...
Liên quan đến vấn đề vận tải hàng hóa, chuyên chở công nhân, chuyên gia, ngành giao thông vận tải đã cấp được 8.178 giấy phép cho các đối tượng được phép lưu thông như xe chở công nhân, xe vận tải hàng hoá từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh và ngược lại. Tại chốt kiểm tra, có tổ chức luồng xanh để tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa nhanh chóng. Xe được cấp phép cũng sẽ được lưu thông trong giờ hạn chế trên địa bàn TP.