Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Cần có phong trào hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất, đặc biệt là dịch vụ

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/3, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng năm 2019; phát động phong trào thi đua yêu nước năm 2020 và phát động đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân và các lãnh đạo chính quyền thành phố đã đến dự.

  Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Huy Chương

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã chia sẻ sự quan tâm, lo lắng, cũng như áp lực rất lớn của hệ thống chính trị TP trước các diễn biến, tác động ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Bí thư Thành ủy bày tỏ cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ TP Hồ Chí Minh đã cùng chung sức trong phòng, chống bệnh dịch Covid-19 thời gian qua.

Ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, giai đoạn tiếp theo sẽ càng thách thức hơn và lúc này là lúc càng phải phát huy vai trò thi đua. Do đó, đề nghị từ nay đến 30/4/2020, TP phải làm sao để học sinh đi học lại được mà an toàn. Nếu trong tuần sau khối lớp 12 đi học trở lại cũng phải làm sao để thầy cô và các em đi học an toàn, dạy học an toàn.

Sau khi kiểm soát dịch bệnh Covid-19, các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng, như du lịch và nguồn hàng xuất khẩu sang các nước cần phải được quan tâm. TP cần có phong trào hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất, đặc biệt dịch vụ.

“Dịch bệnh khiến khách hàng bên ngoài giảm đi, do đó TP phải khuyến khích thương mại, dịch vụ để phục vụ cho người dân trong nước, thúc đẩy du lịch trong nước. Đồng thời, tập trung phát triển hàng thay thế nhập khẩu. Nếu nhập khẩu phụ thuộc vào một hai nước khi có tác động sẽ bị động”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: “Làm sao từ đây đến tháng 10, mỗi một ngành có một cuộc gặp để đối thoại về phát triển ngành đó, chúng tôi sẽ xin đăng ký tham dự lắng nghe”.

Cũng tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 8 tập thể; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tặng Cờ thi đua của TP cho 9 tập thể; UBND TP tặng Bằng khen cho 100 tập thể đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019, góp phần tích cực trong phong trào thi đua của TP.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã đại diện Trung ương trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 8 tập thể. Ảnh: Huy Chương

Tại Hội nghị, bà Ngô Thị Hoàng Các - Phó Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng TP Hồ Chí Minh cho biết: Sau một năm nỗ lực thực hiện phong trào “Cả TP chung sức xây dựng nông thôn mới”, toàn TP đã có 3/5 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gồm Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè; 54/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí mới. Qua cả 2 giai đoạn thực hiện phong trào này đã huy động được cả hệ thống chính trị, người dân tại 5 huyện và 56 xã xây dựng nông thôn mới, với nguồn kinh phí hỗ trợ lên tới hơn 2.800 tỷ đồng.

Đối với phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, TP đã tổ chức có hiệu quả hơn 200 chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước, bao gồm các sự kiện hội chợ - triển lãm thương mại, diễn đàn/hội thảo về kết nối doanh nghiệp,…

Bên cạnh đó là hệ thống đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền TP tổ chức hiệu quả qua 2 hình thức: Đối thoại qua trang thông tin điện tử (tiếp nhận hơn 1.500 câu hỏi của doanh nghiệp) và Hội nghị đối thoại trực tiếp (13 cuộc).

Thông qua đối thoại, ngoài bổ sung nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư kinh doanh, TP còn tích cực cải thiện môi trường đầu tư, cơ chế một cửa điện tử, một cửa liên thông theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính về thuế, hải quan, xuất nhập khẩu,…

Cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp cũng hiến kế 665 mô hình, giải pháp, sau đó được đăng ký và thực hiện hoàn tất theo tiến độ đạt hiệu quả, hiệu lực cụ thể trong công tác quản lý. Hiện nay, có 251 sáng kiến, giải pháp đang được áp dụng tại Sở, ban ngành, quận/huyện và các cấp cơ sở.