Chiều 26/11, UBND TP Hồ Chí Minh chính thức công bố Đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn nhìn đến 2025”. TP thông minh sẽ tạo ra một sự khác biệt rất lớn, trực tiếp mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị công bố Đề án "Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2010, tầm nhìn đến năm 2025". Ảnh: SGGP |
4 chủ thể đô thị thông minh hướng tới
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trước mắt TP sẽ thí điểm tại Quận 1 và 12. Đề án đô thị thông minh hướng đến 4 chủ thể chính của đô thị gồm: Chính quyền, người dân, DN và các tổ chức xã hội.
Đối với chính quyền, TP thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn, và thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các lĩnh vực.
Người dân sẽ được cung cấp các tiện ích hỗ trợ để ra quyết định tối ưu. Việc tương tác giữa người dân với chính quyền sẽ dễ dàng; đồng thời tham gia giám sát, quản lý và xây dựng TP.
DN sẽ có môi trường minh bạch, đơn giản, thuận tiện hoạt động và được cung cấp nhiều thông tin để có quyết định kinh doanh chính xác. Đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kết nối phản hồi thông tin để họ tham gia một cách hiệu quả vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.
Người dân sẽ thụ hưởng môi trường sống tiện ích
Cũng theo ông Trần Vĩnh Tuyến, việc xây dựng TP thông minh hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích, dịch vụ như sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỉ lệ tội phạm thấp… TP thông minh giúp chính quyền sử dụng nguồn tài nguyên tối ưu, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân,đảm bảo lợi ích cho các thế hệ tương lai…
Trong lĩnh vực giao thông, người dân sẽ được sử dụng hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, vé điện tử liên thông. Giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi và đỗ xe. Dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông giúp người dân tìm lộ trình di chuyển phù hợp…
Đối với lĩnh vực y tế, các bệnh viện sẽ có bệnh án điện tử cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế... Hệ thống lưu trữ dữ liệu về tình hình sức khỏe, lịch sử khám chữa bệnh của người dân… những thay đổi này sẽ giúp đội ngũ bác sĩ truy cập dễ dàng rút ngắn thời gian, người bệnh không phải tìm lại các kết quả xét nghiệm… sự thay đổi sẽ giúp chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao.
Về lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng là một trong những trụ cột của đề án xây dựng thành phố thông minh. Đối với thành phố thông minh, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các thông tin liên quan đến thực phẩm như cấp phép… Các giải pháp ứng dụng sẽ cho phép người dân có thể truy xuất được nguồn gốc của nhiều loại thực phẩm.
Đối với lĩnh vực an ninh trật tự, cái lợi mà TP thông minh mang lại là người dân và DN được sinh sống, làm việc trong môi trường an toàn. Các cơ sở dữ liệu được số hóa giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khi không còn phải photo nhiều giấy tờ như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, điền tay và thực hiện nhiều thủ tục… Các dữ liệu mở về quy hoạch đô thị giúp cho người dân có thể truy cập và tìm thông tin một cách nhanh chóng trong các giao dịch, đẩy mạnh tính minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân.