Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Chợ Bình Tây tạm ngừng hoạt động từ ngày 8/7

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là Quyết định của UBND quận 6, TP Hồ Chí Minh vào chiều nay 7/7. Chợ Bình Tây còn có tên gọi Chợ Lớn Mới là điểm tham quan, du lịch mỗi năm đón 120.000 lượt khách quốc tế.

Theo đó từ ngày mai 8/7, chợ Bình Tây tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cho đến khi có thông báo mới. Lý do tạm ngừng hoạt động, qua test nhanh có 10 người ở chợ dương tính với virus SARS-CoV-2.  
Chợ Bình Tây hay còn gọi là Chợ Lớn Mới, diện tích 25.000m2, số 57A đường Tháp Mười, phường 2, quận 6. Chợ do ông Quách Đàm, người Hoa làm nghề mua bán ve chai, lông vịt và các loại nguyên liệu phế thải để kiếm sống qua ngày. Nhờ tích cóp, ông trở thành người giàu có.
 Chợ Bình Tây phải tạm ngừng hoạt động từ ngày mai 8/7, để phòng chống dịch Covid-19.
Khi được chính quyền tỉnh Chợ Lớn thời Pháp thuộc đồng ý, vào năm 1928 ông Quách Đàm xây chợ theo lối kiến trúc Trung Quốc và áp dụng kỹ thuật xây dựng hiện đại của Pháp thời bấy giờ. Thời điểm đó, chợ quá lớn nên người dân Nam bộ gọi là Chợ Lớn Mới, đến nay trên nhiều bản đồ cũ vẫn dùng từ Cho Lon để gọi chợ Bình Tây. Sau khi chợ xây dựng xong, gia đình ông Quách Đàm dựng tượng ông bằng đồng ở giữa chợ (Thuê đúc ở nước Pháp. Hiện nay, tượng được lưu giữ và bảo quản tại Viện Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh).
Sau khi chợ được đưa vào hoạt động, với lợi thế về giao thông về đường thủy và bộ, Chợ Lớn Mới nhanh chóng trở thành khu kinh doanh sầm uất, là đầu mối buôn bán khắp Nam kỳ lục tỉnh, trong nước và các nước láng giềng cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975.
Sau ngày thống nhất đất nước, chợ được đổi tên thành chợ Bình Tây, phục vụ hàng hóa cho cả nước và các nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc. Năm 1992, UBND quận 6 tổ chức sửa chữa nâng cấp nhà lồng chợ thêm một tầng lầu. Đến năm 2006, tiếp tục cải tạo sửa chữa với 2.358 quầy sạp, nên vẫn được xem là một trong những chợ lớn của TP Hồ Chí Minh.
Khu vực nhà lồng chợ có 1.446 sạp, tầng trệt 698 sạp, tầng lầu có 748 sạp. Khu vực ngoài nhà lồng có 912 sạp, trong đó đường Trần Bình có 408 sạp, đường Lê Tấn Kế có 328 sạp, đường Phan Văn Khoẻ có 176 sạp. Các ngành hàng được bố trí, sắp xếp hợp lý, tập trung theo từng khu vực kinh doanh nhằm phát huy thế mạnh của từng ngành hàng.
Hiện nay, mặc dù có sự cạnh tranh quyết liệt của các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại. Nhưng với lối kiến trúc cổ xưa và bề dày lịch sử lâu năm nên chợ Bình Tây trở thành địa điểm du lịch, tham quan với lượng khách nước ngoài lên tới hơn 120.000 lượt khách/năm.