Việc chống ngập của TP Hồ Chí Minh lâu nay trông chờ vào việc thực hiện quy hoạch thoát nước và quy hoạch thuỷ lợi nhưng trên thực tế do thiếu vốn, gần 20 năm thực hiện mới chỉ hoàn thành chưa đến 1/3 khối lượng công việc. Trong khi đó, nhờ những điều chỉnh kịp thời, việc chống ngập được đánh giá đang đi đúng hướng nhưng thiết nghĩ đã đến lúc cần đẩy nhanh các dự án chống ngập.
Bài 1: Bó tay trước những trận “siêu mưa”Không kể đến cơn mưa lớn nhất trong lịch sử diễn ra ngày 25/11 do cơn bão số 9 gây ra, trong năm 2018 còn có trận “siêu mưa” diễn ra tối ngày 19/5/2018 cũng khiến gần như toàn bộ TP bị “tê liệt”. Vấn đề đặt ra, làm thế nào để ứng phó với các trận mưa “siêu lớn” đang có dấu hiệu ngày một thường xuyên hơn?
|
Một cơn mưa nhấn chìm cả TP, trong ảnh, đường Phan Huy Ích, nước ngập gần cả mét. Ảnh. Ngọc Tiến. |
Một trận “siêu mưa” là TP “tê liệt”Từ đầu mùa mưa 2018 đến nay, cứ vài tuần lại xảy ra một vụ ngập nước do mưa với nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau. Cho đến thời điểm hiện nay, một trong 2 trận mưa lớn nhất trong năm 2018 là trận “siêu mưa” vào chiều ngày 19/5 gây ngập 32 tuyến đường. Một số tuyến đường bị nhấn chìm trong biển nước. Tuyến đường Phan Huy Ích, quận Tân Bình có điểm ngập đến ngực người lớn… làm giao thông bị tê liệt. Một số tuyến đường khác, sau khi mưa chấm dứt 5 giờ đồng hồ nước vẫn chưa rút, gây khó khăn cho giao thông, đời sống người dân.
|
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet. |
Ngay sau trận “Đại hồng thủy” do “siêu mưa” gây ra tối ngày 19/5 gây bức xúc cho dư luận, ngày 22/5, UBND TP phải triệu tập một cuộc họp có đầy đủ 24 quận huyện và các sở ngành để xem xét các chương trình chống ngập. Theo giải thích của Trung tâm điều hành các chương trình chống ngập (TTCN), trận mưa chiều tối ngày 19/5/2018 có vũ lượng vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước theo Quy hoạch tổng thể thoát nước TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 được ban hành theo Quyết định 752/TTg ngày 19/6/2001 của Thủ tướng Chính phủ (còn được gọi là quy hoạch 752). Theo quy hoạch 752, hệ thống thoát nước được thiết kế tương ứng với mưa có vũ lượng trong 3 giờ là 95,91 mm (đối với thoát nước theo kênh rạch – Thoát nước cấp 2); 85,36 mm (cống cấp 2); 75,88 mm (cống cấp 3) ứng với mực nước triều 1,32 m.
Theo TTCN, vũ lượng của cơn “siêu mưa” chiều ngày 19/5/2018 đã đạt 119,3 mm trong vòng 2 giờ, vượt gần gấp đôi tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay. Kết luận về nguyên nhân gây ngập cho rằng nguyên nhân chính là nước thoát không kịp nên gây ngập. Nhìn chung, hiện nay nếu ngập do mưa chủ yếu là do lượng mưa quá lớn, vượt thiết kế của hệ thống thoát nước. Nói cách khác, hệ thống thoát nước được thiết kế theo quy hoạch thoát nước đến năm 2020, trên thực tế là chưa hoàn thành nhưng đã lạc hậu, mất tác dụng khi gặp mưa lớn.
Trong khi các kế hoạch chống ngập vẫn còn đang tiếp tục bàn thảo thì Trận “siêu mưa” lớn nhất trong lịch sử diễn ra chiều 25/11/2018 đã phá vỡ mọi kỷ lục. Số liệu quan trắc trên địa bàn quận 1 cho thấy chỉ trong vòng 90 phút vũ lượng đã đạt 204mm, khiến cho 59 tuyến đường bị ngập nặng, trên thực tế gần như toàn bộ TP bị tê liệt vì ngập nước mưa. Một số khu vực bị ngập nặng như Thảo Điền (quận 2), Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), phường 15 (quận Tân Bình), phường Đông Hưng Thuận (quận 12)… phải dùng đến bè, mảng để đi lại, 2 ngày sau trận mưa nước vẫn chưa rút hết...
Hàng chục ngàn tỷ đồng vô ích trước một trận mưaTrận “siêu mưa” ngày 25/11/2018 theo đánh giá là trận mưa phá vỡ mọi kỷ lục, có nơi vũ lượng đạt đến 400mm. Theo thống kê của TTCN, trong quá khứ gần, trên địa bàn TP cũng đã có những cơn “siêu mưa” gây ra các trận “đại hồng thủy” như cơn mưa ngày 26/8/2016 đạt tới 149 mm; trong năm 2017 là 206,2mm (ngày 12, 13/10) và trong năm 2018 có đến 2 cơn “siêu mưa” gây ngập trên diện rộng.
Sau cơn “siêu mưa” do bão số 9 gây ra, TTCN đã có báo cáo gửi cho TP, theo đó, vũ lượng của trận mưa chiều ngày 25/11 đã vượt xa tần suất thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay. Báo cáo của TTCN có nội dung không khác là mấy so với báo cáo của TTCN sau trận “siêu mưa” ngày 19/5, nguyên nhân gây ngập vẫn là do… trời mưa quá to, làm hệ thống thoát nước trở nên vô dụng.
Chỉ tính riêng các dự án thoát nước nhằm giải quyết tình trạng ngập nước và cải thiện ô nhiễm môi trường thuộc 2 quy hoạch thoát nước đến năm 2020 (quy hoạch 752) và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP Hồ Chí Minh (còn được gọi là quy hoạch 1547) đã ngốn một nguồn vốn khổng lồ lên đến 73.000 đồng. Sau gần 20 năm triển khai các quy hoạch, bất chấp những nỗ lực của TP trong công tác chống ngập, hàng chục ngàn tỷ đồng đã đổ vào các dự án, công trình chống ngập nhưng chỉ cần một trận “siêu mưa” những công trình này trở nên bất lực. Tiền vẫn cứ đổ ra, mưa xuống ngập vẫn hoàn ngập.