Ngày 11/8, Thanh tra TP Hồ Chí Minh báo cáo Thanh tra Chính phủ kết quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.
Gần 20 năm qua Khu công nghiệp Phong Phú vẫn còn dang dở, thậm chí còn phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật về xây dựng. |
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn ngành đã triển khai 185 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra trách nhiệm thủ trưởng trong thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cùng 4.656 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua đó, phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 36 tỷ đồng và 23 căn nhà, ban hành 4.869 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 38,6 tỷ đồng; xử lý kỷ luật hành chính 39 tổ chức và 128 cá nhân. Đáng chú ý, cơ quan thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra 4 vụ việc.
Cụ thể, gồm: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Phong Phú (xã Phong Phú, Bình Chánh); Tổng công ty TNHH MTV công nghiệp in - bao bì Liksin; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, xây dựng tại ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, Hóc Môn và quản lý, sử dụng kinh phí trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở Hóc Môn.
Trong đó, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, hồi tháng 8/2019, Sở Xây dựng TP đã kiểm tra hiện trạng tại dự án, phát hiện dự án có gần 60 công trình xây dựng không có giấy phép.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, Công ty CP KCN Phong Phú sử dụng đất sai mục đích, tự ý ký hợp đồng cho phép các tổ chức, cá nhân khai thác mặt bằng tại phần đất thực hiện dự án để kinh doanh, sau đó các tổ chức, cá nhân lấn chiếm thêm, xây dựng trái phép, gây mất mỹ quan, mất an ninh trật tự tại dự án, có khả năng dẫn đến khiếu nại, tố cáo, tranh chấp hợp đồng giữa các đơn vị.
Từ ngày 1/4/2019, Thanh tra TP Hồ Chí Minh quyết định thanh tra việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Phong Phú nhưng đến nay chưa công bố kết luận.
Đồng thời, tại Tổng công ty công nghiệp in - bao bì Liksin - TNHH MTV (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước), năm 2019 Thanh tra TP Hồ Chí Minh có kết luận doanh nghiệp này sai phạm trong chuyển nhượng đất, tài sản gây thiệt hại ngân sách nhà nước.
Cụ thể, năm 2007 UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt bán cho Tổng công ty Liksin vị trí nhà đất ở số 51 - 53 An Dương Vương (quận 5, có diện tích đất hơn 2.410m2, diện tích sàn sử dụng gần 5.000m2) với giá hơn 272 tỷ đồng. Đến năm 2009, khi hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư An Đông kinh doanh dự án, Tổng công ty Liksin thẩm định giá nhà đất trên hơn 380 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến năm 2015 (sau 8 năm TP Hồ Chí Minh phê duyệt bán), Hội đồng thẩm định giá (Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh) duyệt giá khu đất chỉ hơn 257 tỷ đồng. Thanh tra TP Hồ Chí Minh kết luận, giá này không hợp lý, chưa sát giá thị trường và phản ánh đúng lợi thế địa lý, thương mại khu đất (ở trung tâm quận 5, sát chợ An Đông), làm giảm giá trị tài sản, giảm nguồn thu của đơn vị.
Căn cứ bảng giá đất do TP Hồ Chí Minh ban hành năm 2007, vị trí nhà đất trên có giá là 21,2 triệu đồng mỗi m2, còn theo bảng giá đất năm 2014, 2015 là 58,2 triệu đồng, tăng 37 triệu đồng mỗi m2, tương đương tỷ lệ tăng 174% so với năm 2007.
Ở khu đất số 7-7A Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) rộng 10.200 m2, năm 2013, TP Hồ Chí Minh duyệt giá khởi điểm để đấu giá hơn 35,7 tỷ đồng. Tổng công ty Liksin báo cáo không có khách hàng tham gia đấu giá và đề nghị xác định lại giá khởi điểm.
Đến năm 2015, Sở Tài chính có văn bản gia hạn thời gian bán đấu giá khu đất trên. Sở này vẫn áp giá bán khởi điểm hơn 35,7 tỷ đồng của năm 2013 mà không thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định để xác định lại giá khởi điểm.
Kết quả, Công ty TNHH thương mại sản xuất Đại Thắng Lợi trúng đấu giá khu đất với số tiền chỉ cao hơn 32 triệu đồng so với giá khởi điểm.