Theo Sở Y tế, hiện nay TP Hồ Chí Minh có 9 bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, với quy mô 3.500 giường.
Tuy nhiên, ngày 23/6, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Củ Chi cho biết, bệnh viện đang điều trị 292 bệnh nhân, trên tổng số công suất 300 giường.
Tương tự, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ cũng cho biết, bệnh viện này cũng đang điều trị hơn 560 bệnh nhân, trên tổng công suất 600 giuờng.
Theo ghi nhận, hiện 5 trong số 9 đơn vị tiếp nhận điều trị Covid-19 của TP sắp hết công suất giường. Số giường điều trị Covid ở TP hiện đạt công suất 3.500. Trong đó, 4 bệnh viện mới tham gia gồm gồm một nửa Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chuyển đổi theo mô hình "tách đôi", khối nhà riêng biệt tại Nhi đồng 2 và hai bệnh viện chuyển đổi công năng hoàn toàn là Điều trị Covid-19 Trưng Vương, Điều trị Covid-19 Củ Chi. 5 bệnh viện chịu trách nhiệm tiếp nhận bệnh nhân trước đó, gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt, Dã chiến Củ Chi, Điều trị Covid-19 Cần Giờ, Nhi đồng TP, Chợ Rẫy..
Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 của TP liên tục tăng, và hiện đã vượt mức 2.000 ca, ngành y tế tiếp tục tạm chuyển đổi công năng của Bệnh viện huyện Bình Chánh và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức thành những bệnh viện chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19.
Đối với Bệnh viện huyện Bình Chánh, sẽ tạm ngừng hoạt động khám, chữa bệnh ngoại trú và nội trú, chuyển đổi công năng của toàn bộ bệnh viện trở thành Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh, dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 25/6.
Sở Y tế phân công Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP hỗ trợ nhân lực chuyên khoa nhiễm và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hỗ trợ nhân lực chuyên khoa hồi sức cấp cứu cho Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh.
Bệnh viện điều trị Covid-19 Bình Chánh có quy mô 500 giường (bao gồm cả giường trẻ em) với 20 giường hồi sức.
Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức vẫn duy trì hoạt động khám chữa bệnh ngoại trú, tạm ngừng toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh nội trú. Bệnh viện chuyển đổi công năng của toàn bộ khu vực điều trị nội trú trở thành Bệnh viện điều trị Covid-19 Thủ Đức theo mô hình "tách đôi bệnh viện", dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 28/6.
Sở Y tế phân công Bệnh viện Lê Văn Việt tạm thời tiếp nhận bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện thành phố Thủ Đức tiếp nhận bệnh nhân đang điều trị tại khoa hồi sức của Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức.
Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hỗ trợ nhân lực chuyên khoa nhiễm và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố hỗ trợ nhân lực chuyên khoa để can thiệp điều trị tại chỗ (khi cần).
Bệnh viện điều trị Covid-19 Thủ Đức có quy mô 1.000 giường (bao gồm cả giường trẻ em) với 25 giường hồi sức.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP, bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng đòi hỏi các can thiệp điều trị chuyên khoa, nhất là kèm các bệnh lý khác như chạy thận nhân tạo... Do đó TP chọn các bệnh viện để chuyển đổi công năng cần có đủ các chuyên khoa nhằm tránh chuyển bệnh nhân Covid-19 đến các bệnh viện không có chức năng cách ly điều trị.
Trong đợt dịch này, TP đã chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó trong tình huống dịch bùng phát 5.000 ca mắc Covid-19 cần điều trị, với 1.000 giường hồi sức, 55 giường đặt trong buồng áp lực tâm và 1.000 máy thở. Khi đó, những ca nặng sẽ được điều trị ở các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 nói trên và tăng cường thêm các bệnh viện dã chiến ở Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), Nhà triển lãm quận 7, Nhà văn hoá thể thao các quận.
Sở Y tế TP nhấn mạnh, ngành y tế vẫn đảm bảo trang thiết bị, máy móc cho điều trị Covid-19. Thành phố hiện có 16 máy ECMO (thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể, là phương tiện quan trọng với trường hợp viêm phổi nặng do Covid-19) nằm rải rác các bệnh viện và hàng trăm máy thở.
TP đang trong đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay, từ 27/4 đến nay ghi nhận hơn 2.000 ca mắc. Một tuần nay, số ca mắc theo ngày của TP liên tục vượt mốc 100, với số ca mắc đạt 137 ca ngày 17/6, các ngày tiếp theo là 149, 135, 137; 166; 138; 151. Trong đó, nhiều ca Covid-19 chưa rõ nguồn lây, phát hiện qua khám sàng lọc bệnh viện.