TP Hồ Chí Minh còn 444 trường mẫu giáo chưa dạy học trực tiếp

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là số liệu được Sở GD&ĐT báo cáo tại buổi khảo sát của HĐND TP Hồ Chí Minh diễn ra hôm nay 4/3.

Gần 50.000 học sinh, giáo viên nghi nhiễm F0 trong 2 tuần

Ngày 4/ Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh đã có buổi khảo sát về tình hình học sinh đi học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục (trường học) các cấp trên địa bàn.

Ông Trịnh Duy Trọng cho biết có 3.689 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 45.380 học sinh nghi nhiễm Covid-19 qua hai tuần học trực tiếp.
Ông Trịnh Duy Trọng cho biết có 3.689 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 45.380 học sinh nghi nhiễm Covid-19 qua hai tuần học trực tiếp.

Theo ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng Công tác Chính trị Sở GD&ĐT, từ ngày 18/2 đến 4/3, số học sinh học trực tiếp có tăng. Bậc học mầm non có 2.584/3.028 trường, mẫu giáo, lớp/nhóm mầm non, mẫu giáo độc lập tổ chức dạy trực tiếp (85,34%) với số trẻ đến trường đạt 70,51%. Khối tiểu học có 510/510 trường dạy học trực tiếp với số trẻ đến lớp đạt 96,01%; Bậc THCS có 285/285 trường dạy học trực tiếp với số học sinh đến lớp đạt 96,89%, khối THPT có 203/203 trường dạy học trực tiếp với 98,93% học sinh đến lớp.

Lý do một số trường thuộc khối mầm non chưa tổ chức dạy trực tiếp vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo và nhân sự chưa đủ, đặc biệt ở trường mầm non ngoài công lập. Số học sinh đến lớp học trực tiếp chưa đạt 100% do phụ huynh chưa đồng thuận, nhiều em chưa trở lại TP Hồ Chí Minh và bị F0, F1.

Về ca nghi nhiễm trong trường khi tổ chức học trực tiếp từ sau Tết Nguyên đán đến nay, ông Trịnh Duy Trọng cho biết, số ca nghi nhiễm trong ngành giáo dục TP từ ngày 7/2 đến 4/3 tăng dần. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên nghi nhiễm Covid-19 là 3.689 ca, phát hiện tại trường 381 ca. Số học sinh nghi nhiễm là 45.380 ca, phát hiện tại trường 2.160 ca.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, vẫn gặp nhiều khó khăn như: Cơ sở y tế nhiều nơi không phối hợp kịp thời trong việc kiểm soát dịch tại các trường. Phần lớn các trường khó khăn về thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch, xử lý tình huống khi có ca nghi hoặc đã nhiễm và tầm soát F1 trong trường học. Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã phối hợp Sở Y tế cấp kit xét nghiệm nhanh đợt 1 về các trường công lập, nhưng chỉ được dùng để tầm soát F0. Việc xét nghiệm cho F1 vẫn còn là vấn đề lớn, do nhiều nơi y tế cơ sở chưa thực hiện đúng theo quy định việc sử dụng kít xét nghiệm của cơ sở y tế để xét nghiệm F1.

“Vai trò nhân viên phụ trách y tế trường học trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng. Nhưng nhiều trường thiếu nhân viên y tế chuyên trách, giáo viên vừa dạy vừa kiêm nhiệm, gây khó khăn trong việc thực hiện phòng, chống dịch tại trường. Một số cha mẹ học sinh không khai báo y tế khi có con em đang nhiễm Covid-19 trong thời gian học trực tiếp tại trường, gây cản trở công tác khoanh vùng xử lý F1. Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm đang tăng trở lại, số lượng trường và học sinh tổ chức dạy và học trực tiếp với quy mô toàn TP là rất lớn”, ông Trịnh Duy Trọng nói.

Từ những khó khăn nêu trên, Sở GD&ĐT kiến nghị với HĐND TP Hồ Chí Minh quan tâm đến chế độ, chính sách cho giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý trường học, nhân viên y tế trường học, nhằm tăng cường lực lượng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường học trong giai đoạn hiện nay.

Đề xuất nhân viên y tế trường học được chủ động lấy mẫu

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ ngày 7/2 đến 2/3,  các địa phương có số học sinh và giáo viên nghi nhiễm F0 cao nhất, gồm: Quận 1 (4.005 ca), Bình Thạnh (3.483 ca), TP Thủ Đức (3.303 ca), quận 12 (3.222 ca) và quận Tân Phú (2.871 ca).

Ở khối THPT có 7.051/228.433 học sinh nghi nhiễm Covid-19 sau 2 tuần học trực tiếp. Ảnh minh họa.
Ở khối THPT có 7.051/228.433 học sinh nghi nhiễm Covid-19 sau 2 tuần học trực tiếp. Ảnh minh họa.

Số lượng và tỷ lệ ca nghi nhiễm gặp nhiều ở nhóm học sinh khối THPT, THCS và tiểu học. Cụ thể, khối mầm non có 1.742/240.015 trẻ (0,7%), khối tiểu học 17.275/671.087 học sinh (2,6%), khối THCS là 9.701/410.958 học sinh (2,4%), khối THPT có 7.051/228.433 học sinh (3,1%). Tổng số trường hợp nghi nhiễm F0 ở học sinh chung toàn TP trong 2 tuần là 2,3%.

Sở Y tế cũng nêu khó khăn hiện nay là số ca nghi F0 tại trường học gia tăng, số trường trên địa bàn xã/phường khá nhiều đã tạo áp lực công việc cho trạm y tế trong việc theo dõi F0, F1 và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Một số trường có sĩ số học sinh quá đông trong một lớp cũng khiến công tác phòng dịch khó đảm bảo. Bên cạnh đó, phụ huynh thực hiện xét nghiệm tầm soát cho các học sinh không có triệu chứng, dẫn đến lãng phí nguồn lực để xử lý những trường hợp dương tính giả.

Từ tình hình trên, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề xuất Sở GD&ĐT cùng tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát chủ động và thực hiện các quy trình xử lý các trường hợp nghi nhiễm F0 trong trường học; Tăng cường các biện pháp truyền thông cho phụ huynh học sinh; Đảm bảo việc báo cáo kịp thời cho Sở Y tế về những trường hợp cần hỗ trợ đặc biệt. Đơn cử chùm ca F0 hoặc những trường hợp bệnh nhi cần nhập viện chăm sóc y tế…, để Sở Y tế có cơ sở và thông tin, chủ động thực hiện các biện pháp xử lý dịch và điều trị kịp thời. Đề xuất nhân viên y tế trường học được chủ động tham gia phòng chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ Trạm Y tế xử lý dịch tại trường học.

Ngân hàng Quân đội hỗ trợ 100 tỷ đồng mua kit test

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, trước những khó khăn trong đó có kinh phí mua kit test, Sở Y tế đã cung cấp cho Sở GD&ĐT 60.000 kit test nhanh (đợt 1) để phân phối cho các trường công lập, nhưng chỉ được dùng để tầm soát F0. Do đó, HĐND TP Hồ Chí Minh đã liên hệ và được Ngân hàng Quân đội - Chi nhánh Tây Sài Gòn đồng ý hỗ trợ 100 tỷ đồng mua kit test cho các trường. Tuy nhiên, ngành y tế cần xác định tiêu chuẩn của kit test như thế nào, các trường tiếp nhận ra sao để thực hiện đúng quy định.

Cũng trong buổi khảo sát, ông Cao Thanh Bình đề nghị các đơn vị giáo dục và y tế cần phối hợp chặt chẽ hơn, vì ở một vài nơi sự phối hợp chưa nhịp nhàng. Y tế cơ sở tại một số địa phương còn ghi thiếu thông tin trong phiếu xác nhận hoàn thành cách ly đối với F0 dẫn đến gây khó cho việc dữ liệu nhập không đủ, do đó ngành y tế cần nhắc nhở. Một số trường hợp F1 chưa hết thời gian cách ly, khi test nhanh có kết quả âm tính đã đến trường trong khi thời gian ủ bệnh chưa phát. Vì vậy phụ huynh học sinh cần tuân thủ đúng thời gian để an toàn cho các em học sinh khác.

 

Không lạm dụng test nhanh

Tại buổi khảo sát, bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc HCDC chia sẻ một số kinh nghiệm chăm sóc F0, cách xác định F1 để tránh cách ly tràn lan và cách sử dụng đúng kit test.

Theo bà Nga, ngành Y tế và ngành Giáo dục thành phố đã có hướng dẫn khi nghi ngờ nhiễm Covid-19 thì tiến hành test nhanh, đánh giá biểu hiện lâm sàng, nếu cần đưa cấp cứu thì liên hệ cơ sở y tế. Cụ thể, để giáo viên, bảo mẫu, nhân viên y tế học đường thực hiện theo quy trình, hiện nay HCDC đã phối hợp các bệnh viện nhi thực hiện clip hướng dẫn cách quan sát các biểu hiện của trẻ khi học trong lớp để từ đó đưa ra hướng xử lý kịp thời. Trong tuần này, clip hướng dẫn sẽ được đưa lên trang web của HCDC và gửi Sở GD&ĐT để giáo viên thực hiện.

Về việc xác định F1, học sinh nào tiếp xúc với F0 trong khoảng cách chưa tới 2m, thời gian trên 15 phút là F1. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh thường xuyên áp dụng quy tắc 5K, vì 5K không chỉ phòng Covid-19 mà còn phòng các bệnh tay - chân - miệng.

Đối với kit test, cũng không nên lạm dụng. Vì kit test có loại lấy dịch trong mũi, có loại lấy nước bọt trong cổ họng (khả năng không phát hiện Covid-19 vì hàm lượng virus khá thấp). Do vậy, trước khi sử dụng cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất. Bởi test nhanh không chỉ đơn thuần đưa vào ngả hô hấp mà còn phải ngoáy, cạ sát vào hốc mũi.