TP Hồ Chí Minh: Cụ thể hóa công tác chống dịch Covid-19 từ ngày 16 đến 30/9

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ y tế có Công điện gửi Ban chỉ đạo phòng chống dich Covid-19 các tỉnh, thành yêu cầu thực hiện một số biện pháp phòng chống dịch trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội, trong đó yêu cầu khoanh vùng giãn cách phạm vi nhỏ nhất có thể.

Giãn cách trong phạm vi nhỏ nhất
19 giờ ngày 15/9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch trên địa bàn; biện pháp phòng chống dịch sẽ thực hiện trong hai tuần giãn cách tiếp theo.
 Phó Chỉ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình (đứng) phát biểu tại buổi họp báo tói ngày 15/9
Ông Phạm Đức Hải – Phó ban, người phát ngôn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, hôm qua, Hội nghị Thành ủy đã bàn chủ trương, quyết sách sẽ áp dụng sau ngày 15/9. Hôm nay, Bộ Y tế đã có Công điện 1409 về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội.
Theo ông công điện của Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài tại nhiều địa phương, đặc biệt với biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn, khả năng phát tán mầm bệnh cao và lây lan nhanh chóng (nồng độ vi rút trong dịch hầu họng gấp khoảng 1.000 lần so với các chủng SARS-CoV-2 trước). Trong thời gian qua nhiều tỉnh, thành đã thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và đã đạt được một số kết quả nhất định trong hạn chế tốc độ lây lan của dịch. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch vẫn còn một số tồn tại như thực hiện chưa nghiêm việc giãn cách, chưa xác định được mục tiêu, phạm vi, thời gian, các giải pháp kiểm soát dịch, nhất là công tác xét nghiệm, dẫn đến phải thực hiện giãn cách kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.
Cũng theo công điện, tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, Bộ Y tế (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia) đề nghị Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các Công điện, Kết luận của Thủ tướng và tập trung một số nội dung sau:
Khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội (giãn cách) phải xác định được phạm vi, quy mô giãn cách theo nguyên tắc ở phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể (thôn, xóm, tổ, ấp, khu phố…).
Xác định mục tiêu thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể (trong thời gian 14 ngày) và triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp bao gồm: (1) Thực hiện nghiêm việc giãn cách; (2) Đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để thiếu ăn, thiếu mặc; (3) Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về y tế như xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; (4) Đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; (5) Tuyên truyền, vận động và huy động người dân tham gia công tác phòng, chống dịch.
Thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch. Đối với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách ngay các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời.
Có thể kết hợp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm Realtime RT-PCR (RT-PCR). Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần. Thực hiện việc gộp mẫu theo điều kiện thực tiễn, theo hộ gia đình, phòng ở và các hộ liền kề. Khi xét nghiệm RT-PCR phải đảm bảo trả kết quả trong thời gian 12 giờ. Thực hiện xét nghiệm dứt điểm theo từng địa bàn và đảm bảo không để lây nhiễm chéo khi thực hiện lấy mẫu.
Tập trung lực lượng lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; chia nhỏ điểm lấy mẫu, tổ chức nhiều đội lấy mẫu; việc lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể được thực hiện bởi tình nguyện viên hoặc người dân.
Khẩn trương điều động lực lượng ở các địa bàn đang ở mức bình thường mới để tập trung hỗ trợ lấy mẫu cho các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao. Trường hợp vượt quá khả năng, kịp thời trao đổi với các tỉnh, TP lân cận để được hỗ trợ hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Thành lập và triển khai ngay các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao; địa điểm có thể lựa chọn tại trường học, nhà văn hóa, khu công sở... trên địa bàn theo nguyên tắc gần dân nhất.
Về nhân lực, trang thiết bị, thuốc và hoạt động thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Chuẩn bị sẵn sàng về địa điểm, trang thiết bị, nhân lực đối với các xã, phường, thị trấn ở mức có nguy cơ và bình thường mới để kịp thời triển khai khi nâng mức nguy cơ.
Thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
 TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục giãn cách đến cuối tháng 9, kiểm soát người đi đường chặt chẽ.
Kiểm soát dịch bệnh, thực hiện lộ trình trở lại bình thường
Ông Lê Hoà Bình - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã trình bày văn bản của UBND TP vừa ký, triển khai các biện pháp sau ngày 15/9.
Theo ông Bình, nhằm tiếp tục phấn đấu kiểm soát dịch và thực hiện lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới của TP, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch trên toàn địa bàn theo tinh thần Chỉ thị 16, kế hoạch số 2715 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP và Chỉ thị 11 của Chủ tịch UBND TP từ 0 giờ ngày 16/9 đến hết 30/9.
TP áp dụng phương châm triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp phòng, chống dịch trên từng địa bàn cụ thể. Tiếp tục thực hiện việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng được phép lưu thông. Các giấy đi đường do Công an TP đã cấp có hiệu lực đến hết ngày 30/9.
Về việc đảm bảo cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cho người dân, TP tiếp tục thực hiện theo kế hoạch số 2798/KH-UBND ngày 21/8 và Công văn số 2994/UBND-ĐT ngày 7/9 của UBND TP.
Đối với các địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ; các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn các quận, huyện này và Khu Công nghệ cao được thực hiện thí điểm các hoạt động sau: Người dân đi chợ 1 lần/tuần theo kế hoạch được UBND TP chấp thuận; Bổ sung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động theo kế hoạch của UBND các địa phương, tuân thủ bộ tiêu chí an toàn do UBND TP ban hành.
TP thí điểm triển khai việc thực hiện “Thẻ xanh Covid” gắn với mã QR cá nhân. Việc thí điểm vẫn phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc 5K, xét nghiệm kháng nguyên định kỳ; TP giao Sở TT&TT chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Công an TP, Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP, Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP và các địa phương tham mưu thực hiện.
Shipper được chạy liên quận
Cũng theo ông Lê Hoà Bình, đối với nhân viên giao nhận của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hoá có ứng dụng công nghệ (shipper): Cho phép hoạt động liên quận, huyện và TP Thủ Đức từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày với điều kiện phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần; Ngân sách TP chi trả chi phí xét nghiệm cho lực lượng này đến hết ngày 30/9.
Cho phép các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh) hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày, gồm: Dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập.
Dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi; các cơ sở kinh doanh này hoạt động theo phương thức “3 tại chỗ”, chỉ bán hàng thông qua đặt hàng trực tuyến.
Dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y. Dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải và cung ứng linh kiện, phụ tùng phục vụ hoạt động này. Sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm.
Công trình xây dựng, giao thông được phép thi công
Đối với nhân viên giao nhận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh: chỉ được phép hoạt động trên địa bàn 1 quận, huyện, TP Thủ Đức. Phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần; kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.

Người lao động trực tiếp tại nơi làm việc phải được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng, chống Covid-19 và thực hiện xét nghiệm với tần suất 5 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người; Kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh lĩnh vực nêu phải đăng ký với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn để được cấp Giấy đi đường theo quy định.
Văn bản của UBND TP cũng quy định các công trình xây dựng, giao thông được phép tổ chức thi công công trình trên cơ sở tuân thủ theo Bộ tiêu chí an toàn được UBND TP ban hành; TP giao các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tùy theo tình hình an toàn phòng chống dịch tại địa bàn, đề xuất danh mục các công trình cụ thể; TP giao Sở Xây dựng chủ trì tham mưu, đề xuất UBND TP xem xét, quyết định.