Ngày 10/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Tổng kết ngành năm 2024 và phương hướng hoạt động ngành năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Hoàng - quyền Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành nông nghiệp TP đã phục hồi và chuyển đổi theo mô hình nông nghiệp đô thị, tập trung vào chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Trong năm 2024, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt hơn 19.900 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Trong đó, việc xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp có nhiều dấu hiệu tích cực giữa bối cảnh còn nhiều khó khăn. Như, xuất khẩu giống cây trồng là hơn 126,77 tấn; cá cảnh là 13 triệu con và gần 6.000 tấm da, sản phẩm từ cá sấu...
Dù vậy, theo ông Hoàng, ngành nông nghiệp TP vẫn chưa đạt được kết quả như kế hoạch tăng trưởng đã đề ra là từ 1 - 1,5%. Tuy nhiên, trong tình hình đất nông nghiệp giảm nhanh, ngành nông nghiệp TP đã tập trung các giải pháp trọng tâm để đảm bảo tốc độ tăng trưởng dương của ngành và thúc đẩy tăng sản lượng một số cây trồng, vật nuôi. Trong đó, việc chú trọng ứng dụng công nghệ và các giải pháp kĩ thuật là hướng đi chiến lược giúp ngành nông nghiệp có được những phát triển, nâng cao giá trị sản xuất cho bà con nông dân trên địa bàn.
TP Hồ Chí Minh coi chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Việc phát triển dựa trên nền tảng công nghệ, tự động hóa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm tác động đến môi trường... luôn được đặt lên hàng đầu.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất đang chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại khi ứng dụng Internet để thu thập các dữ liệu, sử dụng phần mềm quản trị vườn trồng hoặc tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…). Rất nhiều mô hình nông nghiệp đô thị với vật nuôi, cây trồng mới lạ cũng đang minh chứng được tính hiệu quả trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, giảm giá thành sản xuất…
“Chuyển đổi số trong nông nghiệp là cơ hội để TP thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị, từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại. Qua đó, ngành nông nghiệp sẽ được mang lại những giá trị mới và bền vững, với chi phí sản xuất giảm đến mức thấp nhất có thể và giá bán sản phẩm cao hơn” - ông Hoàng nói và nhấn mạnh, TP Hồ Chí Minh phấn đấu, đến năm 2030 đạt ít nhất 70% sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
“Thời gian tới, ngành nông ngiệp TP.HCM cũng chú trọng đến phát triển các mô hình sản xuất theo hướng sinh thái gắn với du lịch, nông nghiệp đô thị và đa giá trị. Điều này cũng gắn liền với việc xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn trên địa bàn” - ông Hoàng nói thêm.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá cao những kết quả mà ngành nông nghiệp TP đạt được trong bối cảnh đô thị hóa tăng nhanh, diện tích canh tác nông nghiệp ngày càng thu hẹp.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, nông nghiệp thành phố cần phải vươn mình và nỗ lực hơn nữa, thực hiện chuyển đổi xanh là điều cần thiết, vì nông nghiệp xanh sẽ tạo ra nguyên liệu xanh, nguyên liệu xanh sẽ tạo ra sản phẩm xanh. Và nếu không có nông nghiệp xanh thì sẽ không thể có nền kinh tế xanh.
“Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án nông nghiệp đô thị dựa trên quy hoạch tổng thể TP đã được phê duyệt; tập trung sản xuất nông nghiệp xanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trực tiếp và nguồn nguyên liệu cho chế biến thực phẩm xanh. Đồng thời, tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quản trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế nông nghiệp” - ông Võ Văn Hoan nói.