TP Hồ Chí Minh: Đề xuất quan trắc không khí 3 lần mỗi ngày

TIỂU THÚY
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh (Sở TN&MT) đề xuất thay vì quan trắc không khí 10 ngày mỗi tháng như hiện tại, thì chuyển sang phương án đo 3 lần mỗi ngày.

Theo đó, Giám đốc Sở TN&MT - ông Nguyễn Toàn Thắng vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất tăng cường công tác quan trắc và công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí trên địa bàn. 
 Không khí tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua liên tục trong tình trạng báo động ô nhiễm, sương mù dày đặc, ảnh hưởng đến sức khoẻ và việc đi lại của người dân TP
Việc tăng tần suất quan trắc thủ công nhằm thông tin nhanh và chính xác cũng như để cảnh báo cho người dân và chính quyền về hiện trạng chất lượng không khí trong thời gian chờ lắp đạt mạng lưới quan trắc tự động liên tục (dự kiến năm 2022 mới hoàn thành).
Ba mốc thời gian quan trắc được đề xuất là: 7h30-8h30 (lúc đi làm); 15h-16h (lúc giao thông bình quân trong ngày); 20h-21h (lúc bắt đầu cho xe tải vào trung tâm thành phố và người dân tham gia các hoạt động vui chơi ban đêm).
Ngoài ra, Sở TN&MT, cũng kiến nghị tăng cường quan trắc thông số bụi PM 10 và PM 2.5 (trung bình 24 giờ) tại tất cả vị trí quan trắc.
Người dân có thể tiếp cận thông tin quan trắc hàng ngày trên web và ứng dụng điện thoại thông minh. Độ trễ của số liệu quan trắc là 5 ngày. Đây là thời gian để lấy mẫu và phân tích chỉ tiêu ô nhiễm môi trường không khí. 
Các thông số được công bố gồm: Nồng độ các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng); mức ồn (7h30-8h30); bụi PM 10, PM 2.5 (trung bình 24 giờ liên tục); quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh. Thời gian triển khai kế hoạch này từ năm 2020 đến 2022. 
"Với tần suất quan trắc như hiện nay, chưa thể công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí hàng ngày để đáp ứng nhu cầu thông tin cũng như cảnh báo người dân và chính quyền TP", Sở TN&MT cho biết.
Đây là giải pháp đặc biệt tạm thời được Sở TN&MT, đề xuất trong thời gian chờ đầu tư trạm quan trắc không khí tự động, liên tục theo Luật Đầu tư công. Theo kế hoạch, năm 2022 các trạm này mới có thể đi vào vận hành chính thức. 
TP đang triển khai quan trắc định kỳ bằng phương pháp thủ công gián đoạn tại 30 vị trí quan trắc (19 vị trí giao thông; 3 vị trí môi trường nền, 4 vị trí ở khu dân cư, 4 vị trí ở khu công nghiệp). 
Thời gian vừa qua, không khí tại TP thường xuyên bị cảnh báo ở mức có hại cho sức khỏe. Số liệu quan trắc tại 19 vị trí giao thông cho thấy hơn 50% là bụi lơ lửng, gần 94% là mức ồn - vượt quy chuẩn cho phép. Nồng độ các chất ô nhiễm tại vị trí Cát Lái (quận 2), ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (quận 7), Gò Vấp, An Sương, Bình Phước thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vòng xoay Mỹ Thuỷ cao nhất.
Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, theo Trung tâm quan trắc môi trường (Sở TN&MT), đến từ 3 nguồn bao gồm: hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng. Trong đó, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất bởi TP hiện có khoảng 10 triệu phương tiện (7,6 triệu xe máy, 700.000 ôtô, còn lại là xe của người tỉnh thành khác mang vào); 37 điểm thường xuyên kẹt xe... nên lượng khí thải độc hại ra môi trường là rất lớn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần