Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh giải ngân vốn đầu tư công chậm trở lại

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đây là khẳng định của nhiều đại diện Sở, ngành, quận, huyện tại kỳ họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh tháng 5/2024..

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3%

Tại phiên họp, lãnh đạo TP và các Sở, ngành đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm; kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chương trình công tác năm 2024 và các thông báo kết luận phiên họp của UBND TP về tình hình kinh tế - xã hội; xác định nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 6/2024; xem xét thông qua một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP trình HĐND TP.

Theo lãnh đạo Cục Thống kê TP, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng năm 2024 tiếp tục đạt mức tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây (5 tháng năm 2022 tăng 3,7%; 5 tháng năm 2023 tăng 1,4%), cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang có sự phục hồi. Chỉ số IIP tháng 5/2024 ước tính tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi (bên trái) chỉ đạo dứt khoát phải hoàn thành chỉ tiêu 35.000 nhà ở xã hội theo kế hoạch. Ảnh: Tân Tiến.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi (bên trái) chỉ đạo dứt khoát phải hoàn thành chỉ tiêu 35.000 nhà ở xã hội theo kế hoạch. Ảnh: Tân Tiến.

Về đầu tư và xây dựng, TP tập trung tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, khơi thông các nguồn lực, tìm giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cát; khép kín các đoạn của Vành đai 2 dở dang, tăng tốc triển khai Vành đai 3, hoàn thành thử nghiệm tuyến Metro số 1 và tiến tới hoàn tất bàn giao mặt bằng cho dự án Metro số 2.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024.

Về thu, chi ngân sách 5 tháng đầu năm 2024 ước tăng 14,3% so với cùng kỳ, trong đó thu từ các khu vực kinh tế đều tăng góp phần thu nội địa tăng 25,3%, riêng thu từ dầu thô giảm 14,7% và thu từ xuất nhập khẩu giảm 8%. Chi ngân sách địa phương ước tăng 2,7%, trong đó chi thường xuyên giảm 3,5% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 5 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 28.391 tỷ đồng, đạt 18,9% dự toán và tăng 2,7% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng. Riêng doanh thu nhóm du lịch lữ hành giảm nhẹ so với tháng trước do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao trong kỳ nghỉ lễ của tháng 4/2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 ước đạt 93.240 tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 4,4% so với cùng kỳ.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 458.049 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 44.616 tỷ đồng, chiếm 47,9% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ.

Một tuần giải ngân vốn đầu tư công chỉ được 150-180 tỷ đồng

Trong lĩnh vực y tế (từ ngày 16/4 đến 15/5), số ca mắc bệnh sốt xuất huyết là 571 ca, giảm 32,3% so với cùng kỳ; bệnh tay chân miệng có 1.756 ca, gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024 (% so với cùng kỳ).  
Tình hình thực hiện vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024 (% so với cùng kỳ).  

Về giáo dục, TP công bố danh sách học sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường trung học phổ thông năm học 2024-2025 là 98.681 thí sinh đối với lớp 10 thường; trong đó có 8.233 thí sinh đăng ký lớp 10 chuyên, 1.403 thí sinh đăng ký lớp 10 tích hợp. Các thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng thi vào lớp 10 công lập (nếu có nhu cầu).

Tại phiên họp, đại diện các Sở, ngành tham dự đã thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung: dự thảo tờ trình của UBND TP trình HĐND TP về quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo đề cương báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP (2020 - 2025), phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm (2026 - 2030)…

Tại hội nghị, đại diện Kho bạc Nhà nước TP cho biết, qua theo dõi tháng 4 và tháng 5, giải ngân vốn đầu tư công khá chậm, bình quân 1 tuần chỉ khoảng từ 150-180 tỷ, không có tuần nào được 200 tỷ, do đó không thể giải ngân đạt 1.000 tỷ đồng/tháng. Khi hết đợt thi đua, cao điểm thì trở lại tốc độ cầm chừng (đợt thi đua 60 ngày đêm vào cuối tháng 12/2023, giải ngân vốn đầu tư công hơn 30.000 tỷ đồng; có ngày giải ngân được 2.000 tỷ đồng). 

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đánh giá tình hình kinh tế TP có những tín hiệu tích cực, chỉ số IIP trên 5%; tổng mức hàng hóa, dịch vụ cũng tăng. Về giải ngân đầu tư công, ông Phan Văn Mãi yêu cầu các Sở, ngành, địa phương trong tháng 6/2024, phải tăng tốc giải ngân, cần thi đua mỗi ngày, tuần, tháng.

“Thời gian tới các Sở, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, tập trung triển khai các dự án trọng điểm, giải ngân đầu tư công. Trong tháng 6/2024 sẽ đi kiểm tra từng Sở, ngành, quận, huyện thực hiện thế nào. Trong tháng 6/2024, phải rà soát các nội dung để trình Thành ủy, HĐND TP”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu.

“Đối với các chủ đầu tư thì sở, ngành cần chỉ đạo quyết liệt, tiến hành kiểm tra xử lý các nhà thầu chậm tiến độ, nhưng cũng phải xem xét những yêu cầu chính đáng của nhà thầu kể cả nhà thầu Nhật Bản trong dự án Metro 1. Đối với khối đầu tư, các chủ đầu tư cần chỉ đạo nhà thầu, từ quy hoạch đến công tác bồi thường”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chỉ đạo.