TP Hồ Chí Minh: Hàng nghìn nhân viên y tế cơ sở bỏ việc

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trạm Y tế phường, xã, thị trấn (đơn vị) chỉ có từ 5 - 10 người, nhưng phụ trách khoảng 50.000 dân/đơn vị, dẫn đến quá tải. Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, đã có hơn 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc vì kiệt sức và thu nhập quá thấp.

Y tế cơ sở đóng góp nhiều, nhưng nhận đãi ngộ thấp

Đó là thực trạng được thông tin trong Chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề “Y tế cơ sở - Sức khỏe cộng đồng” do HĐND TP Hồ Chí Minh chủ trì vào sáng 13/2, với các nội dung trao đổi hoạt động của tuyến y tế cơ sở, thực trạng đầu tư, bố trí nguồn nhân lực, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian qua.

Trạm Y tế phường 1, quận 6 (TP Hồ Chí Minh) luôn quá tải khi tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân.
Trạm Y tế phường 1, quận 6 (TP Hồ Chí Minh) luôn quá tải khi tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân.

Cử tri Phạm Quang Long ở phường Đa Kao, quận 1, hỏi công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua ra sao? Thực trạng hoạt động các Trạm Y tế sau thời bình thường mới như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết qua đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, cho thấy sự quá tải của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở (YTCS). YTCS đã đóng góp trong công tác phòng, chống dịch rất nhiều, như: Giám sát, truy vết, điều trị ban đầu, cấp cứu, điều chuyển bệnh nhân trở nặng lên tuyến trên…

Dù thiếu thốn nhưng lực lượng YTCS vẫn không quản ngại khó khăn, ngày đêm trực phòng, chống dịch Covid-19 cùng với lực lượng chi viện quý giá đến từ các tỉnh/thành.

“Hiện tại các Trạm Y tế đảm đương 19 Chương trình mục tiêu quốc gia. Với khối lượng công việc lớn nhưng biên chế hạn hẹp, do đó anh/chị/em phải chia sẻ trực, tăng ca mới có thể đảm đương khối lượng công việc tại cơ sở. Điều này thể hiện sự quá tải và cũng là điểm yếu để từ đó ngành y tế sẽ xin bổ sung”, ông Nguyễn Anh Dũng chia sẻ.

Cử tri Nguyễn Vũ Trường An, Trưởng Trạm Y tế phường Tân Quy, quận 7, tâm tư: “Trạm Y tế phường Tân Quy chỉ có 5 người. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát đã thiếu nhân lực, trong dịch Covid-19 đã dành 100% sức lực, đến nay dịch tương đối ổn định nhưng lương nhân viên cũng không thể đáp ứng được công việc, do đó ngành y tế cần có chế độ ưu đãi thế nào để giữ chân anh em”.

Về chế độ đãi ngộ đối với nhân viên YTCS, ông Lâm Hùng Tấn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, chia sẻ: “Quy định hiện nay mỗi Trạm Y tế chỉ từ 5 - 10 nhân viên, nên không thể đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Với số lượng 5 - 10 nhân viên, chỉ phù hợp địa bàn từ 6.000 - 20.000 dân, nhưng tại TP Hồ Chí Minh hầu hết các phường, xã đều trên 50.000 dân, nên không thể đảm bảo nhiệm vụ.

Do đó thành phố đã nghiên cứu đề xuất các Bộ, ngành liên quan theo hướng mỗi Trạm Y tế có ít nhất 10 nhân viên/20.000 dân. Nếu tăng thêm từ 2.000 - 3.000 dân/phường, thì tăng thêm 1 - 2 nhân viên/trạm để phù hợp mật độ. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục duy trì mô hình Trạm Y tế lưu động để đảm bảo yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân”.

Cũng theo ông Lâm Hùng Tấn, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang thực hiện quyết định 06 về hỗ trợ thêm cho nhân viên YTCS từ 300.000 - 900.000 đồng/tháng, tùy theo vị trí, nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu giữ chân. Sở Nội vụ đã đề xuất HĐND TP Hồ Chí Minh vận dụng hệ số thu nhập tăng thêm đối với nhân viên YTCS không quá 1,8 lần mức lương hiện hữu và phụ cấp hiện nay và có cơ chế hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên y tế.

Thí điểm cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sỹ ra trường 18 tháng

Đối với nhiều câu hỏi của cử tri, như: Thành phố Hồ Chí Minh hiện còn bao nhiêu Trung tâm Y tế (TTYT), Trạm Y tế cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới? Có bao nhiêu TTYT, Trạm Y tế chưa được trang bị cơ sở vật chất, máy móc thiết bị đầy đủ theo quy định? Hiệu quả sử dụng các máy móc, thiết bị y tế đã được trang bị cho YTCS trong thời gian qua thế nào? Có hay không tình trạng có máy móc, thiết bị y tế nhưng không có người sử dụng? Giải pháp gì cho các vấn đề này?

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, nguồn lực đầu tư cho y tế được quan tâm ưu tiên hàng đầu, nhưng vẫn chưa đủ. Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố ưu tiên vốn đầu tư 10.700 tỷ đồng, đã được HĐND thành phố Hồ Chí Minh thông qua 79 dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo. Riêng năm 2022, tổng vốn đầu tư cho 60 dự án là 5.042 tỷ đồng. Việc đầu tư mới, cải tạo cơ sở vật chất, hiện nay các cơ quan tham mưu cho thành phố đề xuất Trung ương cho ngành y tế 178 dự án (kể cả dự án có từ trước) trên 6.500 tỷ đồng. Đã cải tạo, nâng cấp, xây mới 16 TTYT (tổng trị giá 2.006 tỷ), 152 Trạm Y tế phường, xã với số tiền 569 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu tình hình mới.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ từ năm 2018 đến nay đã có 68 Trạm Y tế được nâng cấp từ kinh phí phân bổ hàng năm. Trong kế hoạch năm 2022 có 6 TTYT được nâng cấp sửa chữa. Trong thời gian qua ngành y tế đầu tư đa phần là những trang thiết bị cơ bản, thiết yếu như máy theo dõi tim, đo nhịp tim. Ngoài ra, một số Trạm Y tế điểm cũng đã vận hành theo nguyên lý y tế gia đình, đã đầu tư máy xét nghiệm tầm soát, các máy này vận hành tốt.

“Trong năm qua do nhân viên y tế dồn sức cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, chăm sóc bệnh nhân nên việc sử dụng máy móc khám chữa bệnh cho Nhân dân có phần gián đoạn. Thời gian tới Sở Y tế sẽ tham mưu để điều phối trang thiết bị giữa các Trạm Y tế với TTYT tại những địa bàn đông dân cư, địa bàn đủ nhân lực để khai thác sử dụng hiệu quả tốt nhất trang thiết bị. Tuy nhiên để sử dụng tốt nhất trang thiết bị còn phụ thuộc đến vấn đề nhân sự, Sở đã có kế hoạch thời gian tới sẽ luân phiên cán bộ y tế giữa các tuyến bệnh viện quận, huyện, tuyến trên về trong chương trình phòng khám vệ tinh đặt tại các Trạm Y tế.  Về tăng cường nhân sự, đặc biệt là bác sỹ trẻ, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND thành phố chương trình thí điểm cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sỹ 18 tháng mới ra trường thực hành chứng chỉ hành nghề tại Bệnh viện đa khoa kết hợp với Trạm Y tế. Đây là chương trình thí điểm, trong thời gian tới sẽ là chương trình chìa khóa để chúng ta có thể tăng cường nguồn nhân lực để đáp ứng cho Trạm Y tế”, bác sỹ Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nói.

Cho Trạm Y tế ký hợp đồng với bác sỹ giỏi, dân sẽ tới khám

Có mặt tại chương trình, PGS - TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, góp ý: “YTCS là tuyến đầu gần người dân nhất, do vậy cần phải đầu tư thích đáng để làm sao thu hút được hoạt động khám chữa bệnh. Thời gian qua các Trạm Y tế hoạt động rất tốt, tuy nhiên để tăng cường hơn việc chăm sóc và khám chữa bệnh, để làm sao mỗi người dân trên địa bàn được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe một cách toàn diện liên tục thì phải có chính sách thu hút. Đầu tiên là thu hút nguồn nhân lực, phải có bác sỹ giỏi tại YTCS thì người dân mới tới khám, để có bác sỹ giỏi đương nhiên phải có chính sách thu hút bao gồm bác sỹ trẻ và cho cơ chế Trạm Y tế được ký hợp đồng dịch vụ với các bác sỹ có nhiều kinh nghiệm trên địa bàn. Bên cạnh đó cần có một cơ chế để cho Trạm Y tế hoạt động khám chữa bệnh như mô hình của Phòng khám Đa khoa, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, được phép ký hợp đồng dịch vụ và triển khai các dịch vụ tại Trạm Y tế.

“Muốn đạt được việc này cần có thay đổi kể cả về Luật Khám chữa bệnh của Quốc hội, sửa đổi Luật đầu tư và sử dụng tài sản công. Có nghĩa là làm sao Trạm Y tế được hoạt động 24/24, bác sỹ đứng chứng chỉ hành nghề tại đó trở thành một hạt nhân nòng cốt điều hành Trạm đó để lo sức khỏe của người dân. Do vậy chắc chắn phải có đội ngũ y tế riêng, chuyên khoa bao gồm: Có bác sỹ, điều dưỡng, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, thậm chí phải có bác sỹ tâm lý và chuyên gia về dinh dưỡng.

Để làm được việc đó cần cho đăng ký khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế ban đầu tại Trạm Y tế, nên mở rộng không phải chỉ YTCS là Trạm Y tế và TTYT mà có thể tại các phòng mạch tư, phòng khám đa khoa tư nhân cũng có thể tham gia YTCS.

Đặc biệt, phải đảm bảo tính liên thông dữ liệu, tính liên tục trong công tác chuyên môn. Có nghĩa những dữ liệu bệnh nhân được chuyển từ phòng khám bác sỹ gia đình thuộc mạng lưới phòng khám tuyến cơ sở lên tuyến trên thì phải liên thông dữ liệu và trả lời lại cho YTCS, có như vậy thì người dân mới gắn kết với tuyến dưới”, PGS - TS Nguyễn Thanh Hiệp đề xuất.

 

"Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh có 10 nhân viên, nhưng xã này có hơn 170.000 dân. Khi dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, ngoài việc phụ trách 17.000 người/nhân viên, thì họ còn phải choàng gánh hầu hết công việc phòng, chống dịch" - Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần