Cùng với việc bùng nổ dân số, việc chuẩn bị nguồn lực để hiện thực hóa giấc mơ đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại chính là mục tiêu mà TP Hồ Chí Minh đang quyết tâm xây dựng.
Đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện
Trong kế hoạch xây dựng đô thị thông minh tầm nhìn đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh tập trung triển khai các dịch vụ tiện tích của chính quyền cho người dân, DN và mọi đối tượng trong xã hội. Riêng trong năm 2022, TP đặt mục tiêu thực hiện nhanh, hiệu quả việc chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số gắn kết với xây dựng thành phố thông minh...
Để hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu trên, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 593 về triển khai chương trình "chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh" và đề án "Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh". Trong đó, hiện thực hóa các chỉ tiêu mà UBND TP đã đề ra như: Kinh tế số đóng góp 15% GRDP của TP; 85% người dân có smartphone; 70% hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng.
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống cổng giao tiếp công dân với chính quyền TP; hệ thống theo dõi kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân qua tổng đài 1022... Đồng thời mở rộng, hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TP, xây dựng chính quyền số và thúc đẩy kinh tế số. Song song đó, phát triển dự án xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh; trung tâm tiếp nhận, xử lý thông tin khẩn cấp; hệ thống giám sát hình ảnh...
Về đề án phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số giai đoạn 2020 - 2030, TP Hồ Chí Minh sẽ tăng cường phủ sóng 3G, 4G, hướng đến 5G và cáp quang đến cấp xã, khu phố, ấp. Đồng thời, triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ smartphone có kết nối internet cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP...
Đáng chú ý là mục tiêu phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong một số lĩnh vực như thông tin truyền thông, y tế, giáo dục, giao thông. Trong đó, điển hình như một số đề án như xây dựng trợ lý ảo phục vụ chính quyền số và hệ thống tổng đài 1022; ứng dụng AI để giám sát mạng xã hội...
TP Hồ Chí Minh có khát vọng thực hiện nhanh, hiệu quả trong chuyển đổi số, hoàn thiện chính quyền số, xây dựng TP trở thành đô thị thông minh nhằm nâng cao chất lượng sống người dân, vì hạnh phúc Nhân dân. Với tinh thần đó, các cơ quan, đơn vị của TP đã và đang quyết tâm đổi mới, ứng dụng công nghệ mới vì mục tiêu phát triển bền vững.
Mang lại tiện ích cho người dân
Dù mới triển khai Đề án đô thị thông minh hơn 3 năm nhưng nhiều lĩnh vực của TP Hồ Chí Minh đã có những bước đi cụ thể, giúp việc quản lý, điều hành được thuận lợi. Người dân cũng bước đầu được thụ hưởng những thành quả của đề án này.
Đơn cử, trong lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử cho phép người dân truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế... Các hệ thống lưu trữ đầy đủ dữ liệu về tình hình sức khỏe và lịch sử khám chữa bệnh của người dân cho phép bác sĩ truy cập dễ dàng theo thời gian thực hiện nhanh hơn. Người bệnh không phải tìm lại các kết quả xét nghiệm, bác sĩ không mất thời gian tra cứu thông tin của người bệnh từ các hồ sơ sổ sách. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, sai sót y khoa cũng được hạn chế.
Trong khi đó, với lĩnh vực an toàn thực phẩm, người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó đánh giá được nguy cơ rủi ro về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh trước khi lựa chọn sử dụng. Các giải pháp ứng dụng cũng cho phép người dân có thể truy xuất được nguồn gốc của nhiều loại thực phẩm để có thể yên tâm hơn khi chọn mua, sử dụng.
Còn với lĩnh vực an ninh trật tự, các cơ sở dữ liệu được số hóa giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khi không còn phải photo nhiều giấy tờ như chứng minh Nhân dân, hộ khẩu, điền tay và thực hiện nhiều thủ tục. Chưa kể, các dữ liệu mở về quy hoạch đô thị cho người dân có thể truy cập và tìm thông tin một cách nhanh chóng trong các giao dịch, đẩy mạnh tính minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Đặc biệt, hiện nay, ngành giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đang ứng dụng nhiều công nghệ trong giải quyết các vấn đề quản lý, nhất là sử dụng camera để giám sát vi phạm giao thông; điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông; giảm ùn tắc giao thông... Một trong những ứng dụng mới nhất là bảng điện tử thông báo xe vi phạm tốc độ vừa đưa vào sử dụng đầu năm 2022, trên các tuyến đường trọng yếu như khu vực hầm sông Sài Gòn, Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, cầu Phú Mỹ, đường Nguyễn Văn Linh…
Trong tương lai gần, TP Thủ Đức hứa hẹn sẽ hình thành những đô thị với chức năng cụ thể: Khu công nghệ cao - giáo dục, khu tài chính - ngân hàng, khu đại đô thị, thương mại. “Do đó, có thể nói, TP Thủ Đức sẽ phát huy những tinh hoa, lợi thế để giúp TP vươn cao, bay xa so với các TP khác trong khu vực” - nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá.
Tại TP Thủ Đức, Khu đô thị sáng tạo phía Đông được quy hoạch thành 8 trung tâm tương lai với mục tiêu phát triển bền vững, nghĩa tình, kết nối, đô thị sáng tạo. Hiện “thành phố trẻ” này đã xây dựng một số dự án của Đề án phát triển thành đô thị thông minh.
Có thể thấy, với phương châm “Người dân làm trung tâm của đô thị”, TP Hồ Chí Minh khát vọng xây dựng TP thông minh với mục tiêu chính là người dân sẽ có chất lượng sống tốt hơn, được phục vụ tốt hơn và có thể tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng TP.
Sau 47 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh vẫn đang miệt mài trên hành trình triển khai đồng bộ đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, mở rộng không gian đô thị... hướng đến thực sự là nơi đáng sống.
TP Hồ Chí Minh xác định 4 chủ thể của đề án đô thị thông minh gồm: Chính quyền, người dân, DN và các tổ chức xã hội.
Đối với chính quyền, thành phố thông minh sẽ đáp ứng nhu cầu dự báo phát triển chính xác hơn. Thông qua xây dựng chính quyền điện tử, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm gia tăng hiệu quả điều hành trên các lĩnh vực.
Người dân sẽ được cung cấp các tiện ích hỗ trợ để ra quyết định tối ưu. Việc tương tác giữa người dân với chính quyền sẽ dễ dàng đồng thời tham gia giám sát, quản lý và xây dựng TP.
DN sẽ có môi trường minh bạch, đơn giản, thuận tiện hoạt động và được cung cấp nhiều thông tin để có quyết định kinh doanh chính xác.
Đối với các tổ chức xã hội, đô thị thông minh tạo ra kết nối phản hồi thông tin để họ tham gia một cách hiệu quả vào quá trình cung cấp các dịch vụ cho đô thị.