TP Hồ Chí Minh: Kiến nghị Chính phủ giải quyết hàng loạt khó khăn

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh, cùng dự có Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên. Tại buổi làm việc, TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành giải quyết, tháo gỡ hàng loạt khó khăn.

Kinh tế có chuyển biến tích cực
Phát biểu mở đầu cho buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ cho biết, buổi làm việc (dự kiến kéo dài 1 ngày) nhằm giúp TP Hồ Chí Minh giải quyết các vấn đề vướng mắc, khó khăn.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: “Thay mặt chính quyền và Nhân dân TP Hồ Chí Minh bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác đã ưu tiên chọn TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước để làm việc ngay sau khi nhận nhiệm vụ người đứng đầu Chính phủ; đây sẽ là một động lực, một sự khích lệ rất có ý nghĩa cho TP Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới”.
 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với TPHCM. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo ông Nguyễn Thành Phong, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2021 đạt 329.600 tỷ đồng, tăng 4,58% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 0,42%). Về kết quả 4 tháng đầu năm 2021: Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 7,9%; Thương mại bán lẻ hàng hóa tăng 9%; Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 26,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,7% (cùng kỳ giảm 2,6%); 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tăng 11,7% (cùng kỳ giảm 0,7%); Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 15,5 tỷ USD, tăng 14%... Lượng khách nội địa đạt gần 6,2 triệu lượt, tổng doanh thu đạt hơn 29,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17%. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài thu hút được 1,1 tỷ đô-la Mỹ; Có 5.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 95%; Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện đạt 140.300 tỷ đồng, đạt 38,4% dự toán, tăng 15,7% so với cùng kỳ…
Công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hồ Chí Minh được triển khai tốt. TP Hồ Chí Minh xác định đây là cuộc chiến thực sự, phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển dài hạn. Tổng số ca nhiễm phát hiện tại TP Hồ Chí Minh từ tháng 1/2020 đến nay là 267 trường hợp. Trong đó, 69 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm 25,8%), 194 trường hợp nhập cảnh (chiếm 72,6%), 04 trường hợp lây trong khu cách ly VietNam Airlines (chiếm 1,5%).
Về mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, để hoàn thành tốt mục tiêu kế hoạch năm 2021 đã đề ra, TP Hồ Chí Minh xác định sẽ phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, với các giải pháp trọng tâm. Xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay… Sẵn sàng triển khai ngay phương án tổ chức điều trị cho 50 - 100 người bệnh theo kế hoạch có sẵn của TP, đồng thời dự trù sẵn kế hoạch đảm bảo điều trị đến 500 người bệnh.
Xây dựng kế hoạch triển khai thêm bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP Hồ Chí Minh với quy mô 5.000 giường chuẩn bị cho tình huống cả nước có 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự trữ đầy đủ sinh phẩm, test kit xét nghiệm; đảm bảo công suất xét nghiệm 15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể huy động lên đến 50.000 mẫu đơn. 
Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế TP Hồ Chí Minh. Triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp lần 2 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tăng cường rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh và đầu tư, trên tất cả các lĩnh vực để góp phần hỗ trợ thiết thực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị…
Hoàn thành Đề án Trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP Hồ Chí Minh trở thành "hạt nhân", một “cực” tăng trưởng mới năng động, sáng tạo, thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế TP và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…
Thiếu vốn đầu tư cho hạ tầng
Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, để triển khai thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ đề ra, bên cạnh các thuận lợi, thế mạnh có được, TP Hồ Chí Minh phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tác động lớn đến sự phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của TP.
Thứ nhất, sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng. TP Hồ Chí Minh chỉ xây mới và cải tạo được 2.757km/6.000 km hệ thống cống thoát nước (đạt 45,9% quy hoạch); nạo vét được 129 km/4.369 km kênh rạch (đạt 2,9%); TP chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nước biển dâng (bình quân 0,5 cm - 1cm/năm) và hiện tượng sụt lún (bình quân 1cm/năm). Tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như vị thế trung tâm liên kết của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bên cạnh đó, các công trình văn hóa dù được TP quan tâm nghiên cứu, xây dựng Đề án, thiết kế, tuy nhiên không đủ nguồn lực để hiện thực hóa. 
Thứ hai, TP là địa phương có tỷ lệ đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27%) nhưng tỷ lệ tổng chi ngân sách trên tổng thu ngân sách trên địa bàn thấp nhất cả nước (từ năm 2017, tỷ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách TP giảm từ 23% xuống còn 18%) trong khi đó, nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn cho ngân sách TP. Việc cân đối chi đầu tư luôn là bài toán khó đối với TP bởi công trình, dự án trọng điểm rất nhiều trong khi nguồn vốn rất hạn hẹp…
Kiến nghị giải quyết 5 nhóm vấn đề
Từ kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua; mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và những khó khăn, thách thức mà TP đang phải đối mặt, TP Hồ Chí Minh xin đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải quyết của TP, cụ thể là 05 nhóm đề xuất, kiến nghị trọng tâm sau đây:
Nhóm 1: về phân cấp, phân quyền cho TP Hồ Chí Minh. Kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp TP Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành Trung ương sớm xây dựng Đề án ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TP Hồ Chí Minh trong quý II năm 2021. Hiện nay, một số nội dung trong Nghị định số 93/2001/NĐ-CP không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và không tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của TP.
Nhóm 2: Về khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. TP đã xây dựng Đề án “Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025”, tổ chức trên 30 cuộc họp và xây dựng trên 12 kịch bản tỷ lệ điều tiết theo phương pháp nghiên cứu khoa học. Kết quả dựa trên chuỗi số liệu từ các kịch bản cho thấy phương án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết là 23% cho giai đoạn 2022 - 2025 như giai đoạn 2011 - 2016 đã cho kết quả tối ưu, đảm bảo đáp ứng được tất cả các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí số thu ngân sách chuyển nộp về ngân sách Trung ương tăng so với trường hợp Trung ương vẫn giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 18% cho ngân sách TP.
Thành ủy đã có Tờ trình số 189-TTr/TU ngày 20 tháng 8 năm 2020 kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP giai đoạn 2022 - 2025 là 23%. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương và quan tâm, chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với TP và các cơ quan liên quan hoàn chỉnh Đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP, hoàn thiện tờ trình của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền thông qua Đề án trong năm 2021 nhằm tăng thu ngân sách chuyển cho Trung ương và tạo tiền đề để TP phát triển nhanh, bền vững. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để địa phương có sơ sở thực hiện.
Nhóm 3: về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Tại Công văn số 419/TTg-KTTH ngày 02/4/2021, Thủ tướng Chính phủ thông báo mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn của TP là 156.483 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương là 14.873 tỷ đồng, vốn ngân sách TP là 127.683 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương là 13.926 tỷ đồng. Qua rà soát, số vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương 14.873 tỷ đồng không đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án ODA trọng điểm của TP giai đoạn 2021 - 2025 và các hiệp định vay đã ký kết và hoàn thành ký kết trong thời gian tới, nhu cầu cho các dự án ODA vay lại của TP là 43.391 tỷ đồng. Đối với vốn ngân sách TP, qua rà soát, tự cân đối, TP có thể bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 218.576 tỷ đồng cao hơn 90.892 tỷ đồng so với kế hoạch dự kiến của Trung ương giao. Từ cơ sở trên, TP kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Chấp thuận thông báo điều chỉnh lại mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn đầu tư TP có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của TP là 261.967 tỷ đồng, trong đó: Đối với vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương, kiến nghị Trung ương bố trí đủ kế hoạch trung hạn cho các dự án sử dụng vốn ODA vay lại là 43.391 tỷ đồng. Đối với vốn ngân sách TP, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng mức vốn dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 218.576 tỷ đồng.
Nhóm 4: các kiến nghị liên quan đến TP Thủ Đức. Để TP Thủ Đức thật sự trở thành một động lực tăng trưởng mới cho TP Hồ Chí Minh và cả Vùng kinh tế phía Nam, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương phối hợp TP xây dựng Đề án về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 và Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14, trình Chính phủ trong quý II năm 2021. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh Dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (theo chấp thuận trước đây của Thủ tướng Chính phủ) để bổ sung công trình xây dựng 04 cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào Dự án BT xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (Khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam theo thẩm quyền quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…
Nhóm 5: về quản lý đô thị. Kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết ủy quyền cho UBND TP Hồ Chí Minh điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chung TP tại một số khu vực như xung quanh nhà ga Metro theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn với các đầu mối giao thông công cộng), một số khu vực dự án như: khu đất 384,2ha thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn; khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao (380ha) tại Xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh; khu công viên khoa học và công nghệ, phường Long Phước, TP Thủ Đức và các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp thiết, sau đó cập nhật vào quá trình lập, trình thẩm định và phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho UBND TP quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại thay cho Bộ Xây dựng theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20 /10/ 2015 của Chính phủ. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà đầu tư tham gia xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ, xuống cấp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất (nếu có) đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi và giao trong phạm vi thực hiện dự án; đồng thời, cho phép TP lựa chọn chủ đầu tư thực hiện xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ (cấp B, C, D) theo hình thức chỉnh trang đô thị…
Về Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án. Do quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư có thay đổi nên Dự án phải thực hiện trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; đồng thời chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng theo thời gian, cần thiết phải cập nhật lại. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ của dự án sau khi TP trình báo cáo tiền khả thi, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện và đề xuất Chính phủ hỗ trợ 100% vốn ngân sách Trung ương để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP… 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần